Tăng thu cho ngân sách Nhà nước 466,21 tỷ đồng
Theo thống kê của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, từ năm 2014 đến 2019, Bộ TN&MT và các địa phương đã phê duyệt kế hoạch đấu giá với 582 khu vực khoáng sản, trong đó đã đấu giá thành công 304 khu vực (gồm 13 loại khoáng sản). Đấu giá tại các khu vực đã có kết quả thăm dò 56 khu vực (chiếm 18,4%), số tiền đạt được là 272,516 tỷ đồng. Đấu giá tại các khu vực chưa có kết quả thăm dò 248 khu vực (chiếm 81,6%), số tiền dự tính đạt 768,306 tỷ đồng.
Cục Kinh tế Địa chất và Khoáng sản đã nghiên cứu lựa chọn một số quy định cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để đưa vào “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết Luật Khoáng sản”, nhưng cần đảm bảo phù hợp với Luật Đấu giá tài sản năm 2016, cụ thể các quy định: Hội đồng đấu giá quyền khai thác khoáng sản, nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Hội đồng Đấu giá; niêm yết, thông báo đấu giá; quy định về trường hợp có từ hai người trở lên trả cùng một mức giá cao nhất; xử lý tiền đặt cọc, xử lý đối với khoáng sản khác (ngoài khoáng sản chính) phát hiện trong quá trình thăm dò; bổ sung chế tài xử lý đối với trường hợp không nộp hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản sau khi trúng đấu giá...
Tổng giá trị xác định thông qua đấu giá 304 khu vực ước đạt 1.040,823 tỷ đồng. So với tổng giá trị khởi điểm dự tính là 576,504 tỷ đồng, tăng 466,21 tỷ đồng (tăng 80,86 % so với giá khởi điểm). Đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã tăng thu cho ngân sách Nhà nước 466,21 tỷ đồng. Căn cứ vào kết quả đấu giá và kết quả thăm dò sau đấu giá, các địa phương đã cấp phép khai thác khoáng sản 152 mỏ (đạt 50%) và thu về ngân sách Nhà nước 354,358 tỷ đồng.
Riêng trong năm 2022, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 2 khu vực khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ TN&MT gồm: Đá hoa xã Châu Tiến, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An và đá granit Hòn Giồ 1, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.
Cũng trong năm nay, đã có 13/63 tỉnh, thành gửi số liệu báo cáo về Tổng cục liên quan đến công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản, với tổng số mỏ đưa vào kế hoạch đấu giá là 126 khu vực. Các tỉnh, thành này đã tổ chức thành công 96 khu vực (87 khu vực chưa có kết quả thăm dò, 7 khu vực đã có kết quả thăm dò), giá trị trúng đấu giá tăng từ 2 - 3 lần so với giá khởi điểm.
Theo số liệu thống kê, trong năm 2022, UBND các tỉnh Quảng Trị, Phú Yên, Phú Thọ đã tích cực đẩy mạnh công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, cụ thể: Quảng Trị (18/54 khu vực); Phú Yên (16/65 khu vực); Phú Thọ (17/23 khu vực). Ngược lại, một số tỉnh như Hưng Yên, Ninh Bình, Hòa Bình, Hà Giang, không gửi số liệu về công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản về Tổng cục theo quy định.
Các chính sách chưa đồng bộ
Lý giải về việc một số địa phương chưa triển khai hiệu quả công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản, ông Đào Chí Biền - Phó Cục trưởng điều hành Cục Kinh tế Địa chất và Khoáng sản (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) cho rằng, nguyên nhân là do hiện nay các địa phương hầu hết chưa có quy hoạch tỉnh được phê duyệt theo Luật Quy hoạch nên việc tích hợp quy hoạch khoáng sản vào quy hoạch tỉnh chưa đảm bảo.
Ngoài ra, kết quả đấu giá quyền khai thác khoáng sản đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, số lượng khu vực khoáng sản đưa ra đấu giá chỉ đạt 52,23% kế hoạch phê duyệt. Nguyên nhân do chính sách về đấu giá quyền khai thác khoáng sản là một chính sách mới, lần đầu tiên triển khai thực hiện, quá trình triển khai đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập, trong đó, quy định của pháp luật về đấu giá quyền khai thác khoáng sản chưa gắn kết một cách đồng bộ, phù hợp với quy định về đất đai và quy định về đấu giá tài sản, một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn.
Đồng thời, đấu giá quyền khai thác khoáng sản chưa thật sự hấp dẫn, thu hút sự quan tâm đầu tư của các tổ chức, cá nhân, do trình tự, thủ tục liên quan để đưa dự án vào hoạt động sau khi tổ chức đấu giá thành công thường phức tạp và kéo dài, thậm chí có những dự án kéo dài 3 - 5 năm, đặc biệt là vướng mắc liên quan đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng sau khi trúng đấu giá và cấp phép khai thác khoáng sản; phần lớn các khu vực đưa ra đấu giá chưa có kết quả thăm dò, chưa xác định được chính xác trữ lượng, tài nguyên khoáng sản; độ tin cậy của tài liệu thấp, chưa đánh giá được chính xác giá trị của mỏ; chưa có sự công bằng trong cấp phép hoạt động khoáng sản thông qua đấu giá và không thông qua đấu giá.
Mặt khác, các địa phương chưa chủ động trong triển khai công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản, các cấp lãnh đạo chưa thực sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành các cơ quan chuyên môn trong triển khai công tác này.
Hơn nữa, sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương có liên quan chưa thực sự đồng bộ, thể hiện sự lúng túng trong xử lý các vấn đề, cần có sự phối hợp giải quyết.
Bên cạnh đó, chưa có sự đồng bộ trong các chính sách liên quan: Đất đai; Môi trường; tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; trình tự, thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản và trình tự, thủ tục đấu giá tài sản theo Luật Đấu giá tài sản.
Để công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản ngày càng hiệu quả, Cục Kinh tế Địa chất và Khoáng sản đang tiến hành rà soát sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26/3/2012 của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản trình Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam để Tổng cục trình Bộ TN&MT.