Xã hội

Đất trũng nở hoa sen

Lan Anh 26/08/2024 - 18:16

Nằm ở thôn Chánh Lộc, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam), từ những thửa ruộng bị bỏ hoang trong thời gian dài, nay là đồng sen trải ngút ngàn, phủ lấp cả những bờ vùng bờ thửa đã đem lại sức sống mới cho vùng đất Trà Lý – Đồng Lớn. Mỗi mùa sen nở rộ không chỉ tạo nên vẻ đẹp riêng cho vùng quê còn đem lại hiệu quả sinh kế cho người dân nơi đây.

Hồi sinh vùng đất trũng

Đồng sen Trà Lý ở thôn Chánh Lộc, xã Duy Sơn, huyện Duy Sơn được ví là “cánh đồng sen Tháp Mười thu nhỏ” ở xứ Quảng. Sáng tinh sương, chúng tôi có mặt tại đồng sen Trà Lý đúng lúc người dân đang thu hoạch sen cuối vụ. Đứng giữa cánh đồng sen đang rộ bung tỏa hương thơm ngào ngạt, cảm giác như “lạc” vào thế mênh mông của sen.

sen-1.jpg
Đồng sen Trà Lý ở thôn Chánh Lộc, xã Duy Sơn, huyện Duy Sơn được ví là “cánh đồng sen Tháp Mười thu nhỏ” ở xứ Quảng

Đang bứt từng chiếc gương sen già đã vừa độ chắc hạt, ông Phạm Văn Thị, ở thôn Chánh Lộc hào hứng chia sẻ: “Lão là một trong những người đầu tiên trồng sen ở vùng này”. Sau những vụ lúa thất bát do đất sản xuất nằm trong vùng trũng thấp, ứ đọng nước, thấy người ta trồng sen, thu nhập còn hơn cả lúa, thế là ông mày mò, học hỏi kỹ thuật và cải tạo ruộng lúa trũng chuyển sang trồng sen. Từ đó, ông trở thành hộ khá giả tại địa phương. Vụ sen năm nay, gia đình ông Thị trồng 4 ha, trừ chi phí, còn lãi gần 200 triệu đồng.

“Cây sen thường trồng mỗi năm 1 vụ, xuống giống từ tháng Giêng trở đi. Từ khi xuống giống đến khi thu hoạch là 4 tháng, trồng sen này so với cây lúa thì lãi nhiều hơn. Nhờ trồng sen, mà gia đình có của ăn của để hơn trước, có tiền lo cho con ăn học. Căn nhà khang trang mới được xây dựng từ năm ngoái cũng là nhờ sen”- ông Thị chia sẻ.

Phải mất gần 2 tiếng đồng hồ ông Thị mới có thể cắt đầy một thuyền sen, ước chừng hơn 40kg. Theo lời ông Thị, từ đầu tháng 4 đến tháng 8 âm lịch là thời vụ chính để thu hoạch sen hạt ở nơi đây. Hằng ngày, người trồng sen cũng phải thức dậy sớm từ khoảng 5 giờ sáng để đi hái sen tránh thời tiết nắng nóng.

sen2.jpg
Lão nông Phạm Văn Thị vui mừng vì sen cuối vụ cho đài to, hạt chắc mẩy.

Ngay thửa sen bên cạnh, lão nông Lê Lý cũng đang cùng với các thành viên trong gia đình tập trung đẩy thuyền hái đài sen. Ông Lý tự hào chia sẻ: Nhờ nguồn nước, chất đất mà sen Trà Lý phát triển tốt. Những bông hoa to như vốc tay người lớn, khi để lấy hạt, đài sen to như những chiếc bát nhỡ, cho hạt chắc, mẩy. Sản phẩm hạt sen tươi và khô ở Trà Lý đều là mặt hàng được ưa chuộng trên thị trường nên xưa nay chưa bao giờ sợ ế. Chỉ lo quỹ đất càng ngày càng thu hẹp, đến lúc nào đó không còn chỗ thả sen nữa thì quả là buồn biết mấy.

“Hiện nay, bình quân mỗi héc-ta sen cho thu lãi từ 40 -50 triệu đồng/năm, cao gấp nhiều lần so các cây trồng khác. Cả vùng đất Trà Lý – Đồng Lớn này đã chuyển hết diện tích lúa sang trồng sen. Nhà tôi cũng trồng từ cả chục năm nay”- lão nông Lê Lý cười vui.

Trồng sen không chỉ đem lại thu nhập khá cho nhiều hộ dân mà còn tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người già, trẻ em ở các xã của huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Được biết, tiền công bóc hạt sen khoảng 4.000 đồng/kg, bình quân mỗi ngày, một người có thể bóc được 30kg đến 40kg. Hạt sen được bán cho các hợp tác xã, nhà máy chuyên chế biến hạt sen trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và các tỉnh lân cận.

Lan tỏa hương sen Trà Lý

Đầm sen Trà Lý - Đồng Lớn có diện tích khoảng hơn 40ha. Đây được xem là nơi có diện tích sen lớn nhất của xứ Quảng. Vào mỗi mùa bung nở, cánh đồng sen Trà Lý lại bừng sáng cả vùng quê. Những chiếc lá xanh mướt to bản che kín mặt hồ điểm xuyết những búp sen hồng rực rỡ khiến người ta phải yêu, phải ngắm, mà chẳng thể cưỡng lại cái vẻ đẹp cuốn hút ấy.

sen-3.jpg
Nghề trồng sen còn tạo cả công ăn việc làm cho người già và trẻ em ở Duy Sơn.

Người dân ở vùng Trà Lý lâu nay chăm sen để lấy hạt, bán hoa kiếm thu nhập. Nhưng ít năm gần đây, bà con còn biết làm du lịch, dịch vụ để đưa thương hiệu Trà Lý lan tỏa hơn. Khi vào mùa sen trổ, đông đảo du khách lại tìm đến địa phương để chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng của cánh đồng sen bạt ngàn.

Ông Nguyễn Phước Minh, Chủ tịch UBND xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên cho biết, cánh đồng sen Trà Lý là nơi canh tác của gần 100 hộ dân trong xã. Thu nhập từ cây sen mang lại cho bà con địa phương gấp 4-5 lần cây lúa. Hàng chục năm trở lại đây, toàn bộ diện tích đất trồng lúa của Trà Lý – Đồng Lớn đã được bà con chuyển đổi sang trồng sen, do đồng đất nơi đây rất phù hợp với cây sen. Nhờ chuyển đổi sang trồng sen, mà nhiều hộ dân có kinh tế khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo ở thôn Phú Nham Tây và Chánh Lộc của xã Duy Sơn đã thoát nghèo.

“Hiện xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) đã xây dựng thành công sản phẩm OCOP chuẩn 3 sao từ sen, nông dân yên tâm sản xuất. Thu hoạch hạt sen xong, sơ chế tại địa phương, còn một phần bán ra thị trường ngoài, giá trị cũng tương đối cao.”- ông Minh cho biết.

Không riêng xã Duy Sơn mà phần lớn diện tích đất trồng lúa nằm gần chân núi thuộc các xã Duy Trinh, Duy Hoà, Duy Phú, huyện Duy Xuyên đều được bà con chuyển sang trồng sen. Những cánh đồng sen này thiếu nước, hay bị nhiễm phèn nên trồng lúa kém hiệu quả. Từ khi chuyển sang trồng thử nghiệm cây sen cho hiệu quả kinh tế, bà con nhân rộng trồng sen. Đến thời điểm này, huyện Duy Xuyên đã mở rộng diện tích trồng sen lên gần 200 hecta, nhiều nhất tỉnh Quảng Nam.

sen4.jpg
Ít năm gần đây, bà con còn biết làm du lịch, dịch vụ để đưa thương hiệu Trà Lý lan tỏa hơn

Ông Nguyễn Chí Công, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết, trong khi biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng nghiêm trọng, có thể thấy, mô hình trồng sen trên vùng trũng thấp, vùng đất lúa kém hiệu quả là hướng đi đúng của người dân tỉnh Quảng Nam.

“Thời gian qua, huyện Duy Xuyên đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó có nhiều mô hình chuyển đổi liên kết sản xuất hình thành sản phẩm OCOP. Hiện nay, người dân trồng cây sen phát huy hiệu quả, người nông dân rất hưởng ứng vì trồng sen so với trồng lúa gấp 5 lần. Huyện Duy Xuyên khuyến khích người dân chuyển đổi những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen. Đồng thời, khuyến cáo người dân quy hoạch vùng trồng sen tập trung làm sao kết hợp phát triển dịch vụ du lịch để nâng cao hiệu quả và tăng giá trị gia tăng đối với ngành nông nghiệp”, ông Nguyễn Chí Công cho biết thêm.

Từ những ruộng trũng bỏ hoang, cánh đồng Trà Lý – Đồng Lớn đã chuyển mình thành đầm sen rộng mênh mông, bát ngát. Với sự chịu thương chịu khó cùng cách nghĩ khác, làm khác, người nông dân Duy Sơn đã góp phần "đánh thức" các giá trị vốn có của cây sen, giúp mang lại giá trị kinh tế cao và lan tỏa sản vật mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho người dân nơi đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đất trũng nở hoa sen
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO