Đất sân bay Bảo Lộc "bỏ hoang" đến bao giờ?

23/09/2013 00:00

Mặc dù trên danh nghĩa là đất nông nghiệp, nhưng đã bị người dân công khai lấn chiếm, xây nhà kiên cố, thậm chí rao bán, chuyển nhượng...

   
Tuyến đường Chu Văn An, trước năm 1975, là phi đạo của sân bay Bảo Lộc. Dọc theo 2 bên tuyến đường này là toàn bộ diện tích đất sân bay, rộng gần 70 ha. Sau nhiều tác động, hiện tại, diện tích đất sân bay trong phạm vi quản lý của chính quyền địa phương chỉ còn khoảng 35ha. Và, mặc dù trên danh nghĩa là đất nông nghiệp, nhưng đã bị người dân công khai lấn chiếm, xây nhà kiên cố, thậm chí rao bán, chuyển nhượng. Song, chính quyền địa phương vẫn xem như đất “bỏ hoang”, vì chưa thu được một khoản thuế nào từ những tác động trên đất ấy?
   
Từ “mượn” đất công thành đất tư

  Sau 1975, do sân bay bị bỏ hoang một thời gian dài nên khá nhiều diện tích trong số này đã bị người dân lấn chiếm. Cuối thập niên 80, nhiều cán bộ, sĩ quan “mượn” đất để sản xuất, với cam kết là “khi Quân đội hoặc Nhà nước cần thì sẽ giao lại diện tích đất đã mượn”. Khi ấy, trung bình mỗi hộ được mượn khoảng 1,5 - 2 sào. Tuy nhiên, do đất bạc màu nên chỉ những diện tích nằm gần ao, suối có thể canh tác; còn phần nhiều diện tích nằm hai bên phi đạo (mặt tiền đường Chu Văn An bây giờ) đều xây dựng nhà cửa. Đến năm 2006, khi Bộ Quốc phòng bàn giao lại diện tích đất sân bay cho UBND thị xã (nay là thành phố) Bảo Lộc quản lý, thì diện tích còn lại (trên bản đồ) chỉ còn khoảng 35 ha và hầu hết đều thuộc quyền sử dụng (chưa hợp pháp) của người dân.

  Sau khi bàn giao, để hợp thức hóa diện tích đất thổ cư, chính quyền địa phương đã lập quy hoạch đất ở khu vực sân bay và chủ trương cấp quyền sử dụng đất cho những hộ dân có nhu cầu. Thế nhưng, đã gần 7 năm kể từ khi diện tích đất này được chuyển giao, thành phố tiến hành đo vẽ, lập bản đồ quy hoạch, vẫn chưa có hộ dân nào đến đăng ký để được cấp GCN QSDĐ (ngoại trừ một số ít hộ dân nằm trong diện chính sách được miễn giảm). Theo ông Hồ Huy Mậu - Chủ tịch UBND phường 2, đơn giá hợp thức hóa diện tích đất thổ cư khu vực đường Chu Văn An ở thời điểm hiện tại là 3 triệu đồng/m2, cũng có nghĩa là mỗi hộ dân phải đóng khoảng 300 triệu đồng cho 100m2. Tuy nhiên, số hộ dân sở hữu diện tích từ 150 - 200m2 khá phổ biến, vì vậy, việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính để chuyển mục đích sử dụng đất với số tiền quá lớn nên từ nhiều năm nay, các hộ dân ở khu vực sân bay vẫn “chây ì”, không nộp tiền chuyển quyền sử dụng đất. Trong khi đó, cùng với chủ trương xây dựng cơ sở hạ tầng đường Chu Văn An, nhiều căn nhà trước đây xập xệ cấp 3, cấp 4 nay đã nâng cấp lên nhà cao tầng khang trang, kiên cố, cho dù chưa được cấp GCN QSDĐ.


   
Một lô đất hai mặt tiền thuộc khu vực sân bay bị “bỏ hoang” hàng chục năm nay
    
    
Phải chăng là bất lực?

   Theo Phòng Tài nguyên - Môi trường (TNMT) thành phố Bảo Lộc thì hiện tại, diện tích đất ở khu vực sân bay mặc dù trên bản đồ còn khoảng 35ha nhưng trong thực tế quản lý đất thổ cư chỉ vào khoảng 19ha. Một phần (khoảng 6 ha) đã giao cho Công ty Dâu tằm, trường học, nhà thờ…; một phần phục vụ dự án công viên Đông hồ Nam Phương. Ông Nguyễn Văn Chiến - Phó Phòng TNMT thành phố, cho rằng: “Quy định là giao đất, thu tiền, thế nhưng khi thành phố nhận quản lý diện tích đất này thì dân đã ở từ hai ba chục năm trước. Đất đã giao rồi, mà tiền thì chưa thu được. Tuy nhiên, nếu người dân không nộp tiền, mà tiến hành cưỡng chế và thu hồi thì cũng khó. Vì muốn cưỡng chế, thu hồi cũng phải có mục đích, thu hồi để làm gì?...”.

   Tuy nhiên, trong thực tế, tại khu vực này vẫn còn nhiều diện tích đất mặt tiền bị chủ đất “bỏ hoang”, không tác động gì trên đất, nhưng cũng không sang nhượng. Có những diện tích lên đến 1.000m2 và có hai mặt tiền, dù bỏ hoang từ mấy chục năm nay vẫn không bị thu hồi. Theo một cán bộ tổ dân phố, trước đây, đã xảy ra rất nhiều vụ kiện tụng, tranh chấp do tình trạng buôn bán, sang nhượng không rõ ràng trên những mảnh đất này. Việc quản lý đất ở khu vực sân bay rất khó như việc “gỡ” một “mớ bòng bong”. Chính quyền phường 2 đã từng cân nhắc thu hồi một vài diện tích đất bỏ hoang này để làm hội trường tổ dân phố, nhưng việc thỏa thuận không thành, “chủ đất” không đồng ý, kiện tụng rối ren và tới nay vẫn chưa thể giải quyết. Thành phố cũng đã tiến hành nhiều giải pháp để giúp người dân hoàn thành nghĩa vụ tài chính (như cho ghi nợ…), thế nhưng người dân vẫn chưa ý thức được.

   Cần nhấn mạnh thêm rằng, hầu hết dân cư sống ở khu vực sân bay này đều là cán bộ có chức quyền, những công nhân viên chức biết luật, hiểu luật và đáng ra phải là những người nêu gương thi hành luật; nhưng trong thực tế, không chỉ chậm chấp hành nghĩa vụ tài chính, một số người còn mua bán đất đai không rõ ràng, dẫn đến những “điểm nóng” tranh chấp, kiện tụng không đáng có. Thiết nghĩ, ngoại trừ những diện tích đất đã được xây cất kiên cố đang chờ hợp thức hóa, thì Nhà nước nên thu hồi những diện tích đất chưa sử dụng, tránh bỏ hoang gây lãng phí.
    
  Bài & ảnh: Hoàng Hải (Báo Lâm Đồng)
   
   
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đất sân bay Bảo Lộc "bỏ hoang" đến bao giờ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO