Ban tặng “lộc trời”
Theo sử sách, Hạc Thành chính là địa danh vua Gia Long đặt để chỉ nơi đóng sở lỵ mới của trấn Thanh Hoa mênh mông. Chính sử bảng lãng trong dã sử cùng là huyền thoại, sau khi xưng Vương (1802), năm 1804, Gia Long đã có cuộc tuần du gấp ra Bắc Hà với mục đích chiêm bái mảnh đất phát tích của nhà Nguyễn là Gia Miêu Ngoại trang cùng dâng hương trước phần mộ viễn tổ Nguyễn Kim (nay là huyện Hà Trung, Thanh Hóa).
Không ít lần, người dân Xứ Thanh đã chứng kiến hồng hạc đậu trên các mỏm núi chênh vênh, như một biểu trưng cho một mảnh đất lành, chim về làm tổ. Hình ảnh chim hạc luôn luôn được khắc họa trên mặt trống đồng Đông Sơn, trên những lư hương để biểu hiện cho sự trang nghiêm, vừa gần gũi, thân quen… hay là biểu trưng cho công trình hồng hạc hướng thiên để thể hiện ý trí muôn đời chinh phục bầu trời, bất chấp giông tố thử thách…
Xứ Thanh nổi tiếng với ba vườn cò tự nhiên: Vườn cò Tiến Nông (huyện Triệu Sơn), đồi cò ở Kiên Thọ (huyện Ngọc Lặc) và ở khu đồng Quai Vạc (Đông Vệ - TP. Thanh Hóa). Cứ mỗi chiều, đàn cò không biết từ đâu lại về đậu trên những ngọn tre để trú ngụ sau một ngày bay lượn mệt mỏi. Người xưa có câu “đất lành chim đậu”.
Không phải ngẫu nhiên mà Thanh Hóa được ban tặng “lộc trời”. Trên tất cả, đó là con người xứ Thanh, dù đói kém, mất mùa hay thiếu thốn đến đâu họ cũng không bao giờ săn bắn chim trời. Thậm chí, họ còn làm tổ, nuôi cá để về kiếm thức ăn, đùm bọc và che chở chúng. Chính vì thế, số lượng cò ngày một tăng lên.
Thanh Hóa cất cánh
“Thiên thời, địa lợi và nhân hòa” là những điều ai cũng có thể nhìn thấy ở Thanh Hóa lúc này. Xét về góc độ phát triển, Thanh Hóa đang vươn mình mạnh mẽ dựa trên tiềm lực kinh tế vững chắc bởi Tứ Sơn: Nghi Sơn - Bỉm Sơn - Lam Sơn - Sầm Sơn mà hạt nhân là thành phố Thanh Hóa.
Điểm nhấn đặc biệt là Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn, hiện, đã thu hút được 192 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư lên tới 106.627,43 tỷ đồng và 19 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 12.862,9 triệu USD; vốn thực hiện lũy kế đạt 48.637,27 tỷ đồng và 9.442,1 triệu USD. Đến thời điểm hiện tại, KKT Nghi Sơn có 90 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, đa dạng trong các lĩnh vực như: Dầu khí, nhiệt điện, xi măng, các ngành dịch vụ, công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến, vật liệu xây dựng, giày da. Năm 2018, giá trị sản xuất và kinh doanh dịch vụ của doanh nghiệp ước đạt 118.000 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt 391 triệu USD, nhập khẩu đạt 3.194 triệu USD; giải quyết việc làm ổn định cho cho khoảng 25.000 lao động; nộp ngân sách Nhà nước ước đạt khoảng hơn 10.000 tỷ đồng.
Sau 5 năm xây dựng, Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn có tổng mức đầu tư lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay với trên 9 tỷ USD (Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam góp 25,1% vốn, Công ty Idemitsu Kosan góp vốn 35,1%, Công ty Hóa chất Mitsui 4,7% và Tập đoàn Dầu khí Quốc tế Kuwait 35,1%) đã đi vào vận hành sản xuất thương mại với Công suất giai đoạn I là 200.000 thùng dầu thô/ngày, gần gấp đôi công suất Nhà máy Lọc dầu Dung Quất… Chính con số này đã góp phần đưa Thanh Hóa lần đầu tiên đạt thu ngân sách toàn tỉnh trên 20.000 tỷ đồng.
Về phía Bắc tỉnh Thanh Hóa, thị xã Bỉm Sơn, tổng giá trị sản xuất năm 2018 ước đạt 20.219 tỷ đồng, đạt 85,6% mục tiêu. Tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội 3 năm (2016 - 2018) đạt 14.266 tỷ đồng, đạt 78,6%, thu nhập bình quân đầu người đạt 70 triệu đồng/người/năm. Giá trị hàng hóa xuất khẩu ước đạt 136 triệu USD…
Năm 2018, thành phố Sầm Sơn đã đổi mới mạnh mẽ hoạt động du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Phấn đấu đón 4,2 triệu lượt khách, tăng 11 - 13% so với cùng kỳ; doanh thu đạt 3.100 tỷ đồng, tăng 5,1% so với năm 2017.
Cùng với điểm nhấn là Cảng Hàng không sân bay Thọ Xuân, Khu Công nghiệp thực phẩm tại Khu Nông nghiệp Công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng tại huyện Thọ Xuân đang mở ra một hướng phát triển mới cho miền Tây xứ Thanh. Vừa qua, Công ty Kachay Global Development cơ bản thống nhất sẽ đầu tư theo quy hoạch của tỉnh Thanh Hóa với tổng vốn đầu tư ban đầu vào khoảng 100 triệu USD.
Bên cạnh đó, Thanh Hóa có diện tích rộng lớn (đứng thứ 5 cả nước), dân số đông đúc (đứng thứ 3 cả nước) với 2,16 triệu người đang trong độ tuổi lao động, 58,8% lao động đã qua đào tạo. Về tài nguyên, Thanh Hóa có 296 mỏ và điểm khoáng sản với 42 loại khoáng sản khác nhau: đá granit và marble, đá vôi làm xi măng, sét làm xi măng, crôm, quặng sắt, secpentin, đôlômit... Ngoài ra, còn có vàng sa khoáng và các loại khoáng sản khác. Tổng trữ lượng nước ngọt bề mặt của Thanh Hóa khoảng 19,52 tỷ m³ hàng năm.
Trong năm 2017, Thanh Hóa đã thành lập mới hơn 3.000 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 18.690 tỷ đồng, gấp 2,04 lần số doanh nghiệp so cùng kỳ và 2 lần vốn đăng ký. Tính đến đầu tháng 12, đã thu hút được 249 dự án đầu tư trực tiếp, trong đó, có 10 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 32.656 tỷ đồng và trên 3 tỷ USD, tăng 65 dự án và gấp 4,8 lần vốn đăng ký so cùng kỳ và là một trong những tỉnh dẫn đầu về thu hút đầu tư cấp tỉnh… Đồng thời, năm 2017, Thanh Hóa thu ngân sách Nhà nước đạt 13.144 tỷ đồng, đạt 97,3% dự toán và tương đương cùng kỳ, trong đó, thu nội địa đạt 10.744 tỷ đồng, vượt 15,4% dự toán.
Với thế và lực hôm nay, Thanh Hóa đang vươn lên mạnh mẽ, chắc chắn sẽ không dừng lại ở việc tổng thu ngân sách 20.000 tỷ đồng. Với điểm nhấn “Tứ Sơn” lại được thiên nhiên ưu đãi, cùng với đó là bề dày lịch sử, hệ thống khu du lịch đẳng cấp, lượng khoáng sản dồi dào, con người nơi đây cần cù, sáng tạo, trên hết là chính sách thu hút đầu tư hợp lý, khoa học của các cấp chính quyền, môi trường đầu tư thuận lợi… Tất cả đã làm nên một xứ Thanh trọn vẹn, xứng đáng là một tỉnh kiểu mẫu mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng mong muốn.