Đất hiếm - nguồn tài nguyên bỏ ngỏ

Phạm Thu Hà| 03/12/2019 12:10

(TN&MT) - Tại Việt Nam trữ lượng đất hiếm khá lớn, phân bố chủ yếu ở vùng Tây Bắc, tuy vậy, do công nghệ lạc hậu nên đất hiếm vẫn chưa được khai thác đúng mức.

Nhiều tiềm năng…

Theo các nhà địa chất, đất hiếm chứa 17 nguyên tố có hàm lượng rất nhỏ trong vỏ Trái đất, người ta dùng 17 nguyên tố trong đất hiếm để sản xuất các linh kiện trong điện thoại di động, pin mặt trời, motor điện hiệu suất cao, động cơ xe hơi, nam châm trong các máy phát thủy điện và cả các thiết bị trong vũ trụ. Ngoài ra, đất hiếm còn là nguyên liệu quan trọng đối với việc phát triển các dạng năng lượng không gây ô nhiễm môi trường.

Mặc dù, được gọi là đất hiếm, song trên thực tế, những nguyên tố trong đất hiếm khá sẵn trong tự nhiên. Mức độ phổ biến của chúng tương đương với mạ kền hay thiếc, thế nhưng không dễ khai thác và chiết tách.

Tại Việt Nam trữ lượng đất hiếm khá lớn, phân bố chủ yếu ở vùng Tây Bắc

Các mỏ đất hiếm ở Việt Nam có quy mô từ trung bình đến lớn, chủ yếu là đất hiếm nhóm nhẹ, có nguồn gốc nhiệt dịch và tập trung ở vùng Tây Bắc và khu vực Tây Nguyên. Trong đó, chúng ta đã phát hiện được nhiều điểm tụ khoáng đất hiếm ở Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe, Đông Pao (Lai Châu), Mường Hum (Lào Cai) và Yên Phú (Yên Bái) với trữ lượng lớn, có hàm lượng tổng REO trong quặng nguyên khai từ 0,5 đến trên 10%. Đây là nguồn cung cấp đất hiếm có ý nghĩa công nghiệp lớn.

Nhưng khai thác và quản lý đều lỏng lẻo

Theo Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng đất hiếm giai đoạn 2015 có xét đến năm 2025 đã được phê duyệt theo Quyết định số 25/2008/QĐ-BCT của Bộ Công Thương dự báo nhu cầu sử dụng đất hiếm trong tương lai sẽ rất lớn.

 Việc phát triển ngành công nghiệp khai khoáng đất hiếm đã được Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản ký Thỏa thuận thành lập Liên doanh khai thác, chế biến đất hiếm ở Việt Nam giữa hai Tập đoàn của Nhật với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Nhưng có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc hoạt động chế biến đất hiếm hiện tại ở Việt Nam vẫn chưa có cơ sở chế biến đất hiếm gắn với nguồn nguyên liệu khai thác từ mỏ đất hiếm trong nước.

Được biết, hiện nay, đã có 4 mỏ đất hiếm với quy mô lớn nằm tại khu vực Tây Bắc đã hoàn thành công tác thăm dò, trong đó, có 2 mỏ đã được cấp phép khai thác là Đông Pao và Nậm Xe. Tuy vậy, do điều kiện khai thác, tuyển đơn giản nên chỉ khai thác nhỏ, cỡ vài chục tấn quặng banexit ở Đông Pao và vài nghìn tấn quặng monazit hàm lượng 35 - 45% R203 ở sa khoáng ven biển miền Trung.

Tổng trữ lượng tài nguyên đất hiếm toàn cầu ước tính là 99 triệu tấn. Trong đó, Trung Quốc (27 triệu tấn, chiếm 30,6% của thế giới), Hòa Kỳ (13 triệu tấn, chiếm 14,70%), Australia (5,2 triệu tấn), Ấn Độ (1,1 triệu tấn)... Trong khi đó, nguồn tài nguyên đất hiếm tại Việt Nam được đánh giá lớn, có trữ lượng 11 triệu tấn và dự báo là 22 triệu tấn. Việt Nam cũng được giới khoa học đánh giá có thể đứng thứ 3 trên thế giới về tiềm năng đất hiếm.

Trong khi khai thác, chế biến còn nhiều bất cập, vấn đề quản lý cũng khá lỏng lẻo, đã có tình trạng, doanh nghiệp tại Lào Cai mới chỉ được cấp phép thăm dò đất hiếm nhưng đã tiến hành khai thác và mang sản phẩm đi bán. Quá trình hoạt động có nhiều điểm bất thường, người dân nơi đây, còn phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường của doanh nghiệp này khi khai thác đất hiếm.

Giải thích về vấn đề này, Sở TN&MT Lào Cai cho biết, Sở đã ra văn bản yêu cầu doanh nghiệp báo cáo, giải trình về khối lượng lấy và vận chuyển mẫu; cung cấp tài liệu về phương án lấy, vận chuyển và phân tích mẫu công nghệ; phương án vận chuyển đảm bảo an toàn giao thông và kết cấu hạ tầng giao thông phù hợp thực tế đối với doanh nghiệp này.

Theo Khoáng sản
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đất hiếm - nguồn tài nguyên bỏ ngỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO