Đánh giá trữ lượng mỏ đá vôi Bắc núi Khoe Lá

Mai Đan| 23/03/2021 11:40

(TN&MT) - Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia mới đây đã đánh giá trữ lượng mỏ đá vôi làm nguyên liệu xi măng Bắc núi Khoe Lá, xã Dương Hòa, huyện Hà Tiên (nay là huyện Kiên Lương), tỉnh Kiên Giang. Theo đó, Hội đồng đã nhất trí thông qua trữ lượng thăm dò là 31.563 nghìn tấn đá vôi.

Trữ lượng thăm dò đạt 112% so với mục tiêu đề án đặt ra

Được biết, theo Giấy phép khai thác 536/QĐ-QLTN ngày 20/6/1995 của Bộ Công nghiệp nặng, Công ty TNHH Siam City Cement (Việt Nam) được cấp phép trên diện tích 51,15 ha với trữ lượng 50 triệu tấn, độ sâu khai thác từ cost +0m trở lên, thời gian khai thác 50 năm. Theo Báo cáo chuyển đổi trữ lượng, tài nguyên mỏ đá vôi núi Khoe Lá, Dương Hòa, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, trữ lượng, tài nguyên ở các cấp (122+222+333) là 43.000,038 nghìn tấn, trong đó: cấp trữ lượng 122 là 13.562,706 nghìn tấn, tổng tài nguyên cấp 222+333 là 29.437,332 nghìn tấn. Đến thời điểm hiện tại, với công suất 1.000.000 tấn/năm, trữ lượng trên không đáp ứng đủ nguyên liệu cho Nhà máy xi măng Hòn Chông hoạt động.

Để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho Nhà máy xi măng hoạt động, việc nâng cấp các khối tài nguyên thành trữ lượng để đưa vào khai thác là cấp thiết. Do đó, Công ty đã phối hợp với đơn vị tư vấn là Công ty Cổ phần tư vấn Mỏ và xây dựng Trường Xuân tiến hành thăm dò nâng cấp các khối tài nguyên 222+333 lên cấp trữ lượng 122 trong diện tích Giấy phép khai thác 51,15 ha tại mỏ đá vôi Khoe Lá. Đề án “Thăm dò nâng cấp trữ lượng đá vôi làm nguyên liệu xi măng mỏ đá vôi Khoe Lá, xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang" đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận.

Thi công công trình thăm dò mỏ đá vôi làm nguyên liệu xi măng Bắc núi Khoe Lá

Theo tập thể tác giả lập Đề án thuộc Công ty Cổ phần tư vấn Mỏ và xây dựng Trường Xuân, kết quả công tác thăm dò nâng cấp cho thấy mỏ đá vôi Bắc núi Khoe Lá có cấu tạo đơn giản, không có đất phủ, đặc điểm hình thái thân quặng ở mức độ trung bình, trong thân khoáng không có lớp kẹp, thế nằm của lớp đơn nghiêng, cắm về phía Tây ở khối phía tây và chuyển sang cắm về Đông Bắc ở khối phía Đông với góc cắm từ 30÷60°. Giữa 2 khối cấu trúc này tồn tại một đới dập vỡ của đứt gãy phương á kinh tuyến kéo dài khoảng 600 m. Tuy nhiên, đứt gãy này chỉ làm biến đổi vị thế nằm đá mà không ảnh hưởng nhiều đến thành phần các đá. Đây cũng là vấn đề mới trong Đề án để từ đó đưa ra được các tuyến công trình phù hợp cho từng khối.

Từ kết quả phân tích mẫu thạch học, lát mỏng, cơ lý và mẫu hóa, tập thể tác giả cho rằng, đá vôi tại khu thăm dò có thành phần hóa lý như phần phía Nam của mỏ và đang được đưa vào làm vật liệu sản xuất của Nhà máy xi măng Hòn Chông từ năm 1997 đến nay. Từ đó, các tác giả kết luận, đá vôi mỏ Bắc núi Khoe Lá có chất lượng khá tốt, hoàn toàn có thể sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất xi măng pooclăng mác PC300 trở lên.

Trên cơ sở tính toán trữ lượng bằng các phương pháp thông dụng như đẳng cao tuyến, mặt cắt song song, các tác giả đã cùng chủ đầu tư sử dụng phương pháp mô hình hóa để kiểm chứng. Tính trữ lượng bằng phương pháp mô hình hóa là phương pháp mới trên thế giới đang sử dụng để áp dụng vào sản xuất nhằm tận thu tối đa nguồn tài nguyên. Các phương pháp đều cho kết quả tính toán tương đối giống nhau, chênh lệch 1,9%. Cụ thể, phương pháp đẳng cao tuyến cho thấy, trữ lượng thăm dò đạt được 31.563 nghìn tấn đá vôi, phương pháp mô hình hóa tính trữ lượng đá vôi đạt 31.367 nghìn tấn.

Mỏ có điều kiện địa chất phức tạp

Kết quả nghiên cứu địa chất thủy văn - địa chất công trình (ĐCTV-ĐCCT) của khu mỏ cho thấy, đây là mỏ có điều kiện ĐCTV-ĐCCT tương đối phức tạp vì có sự tác động của các hiện tượng thủy triều. Các tầng chứa nước trong khe nứt, lỗ hổng và hang hốc karst của hệ tầng Hà Tiên có mức độ chứa nước nghèo. Tuy nhiên các hang hốc karst khu mỏ phát triển không nhiều. Với phương pháp khai thác lộ thiên cắt tầng, khai thác đến cost 0 m, nước chảy vào moong chủ yếu là nước mưa rơi trực tiếp trên moong, trong và gần khu vực thăm dò có các hệ thống kênh rạch, vịnh Khoe Lá nên việc tháo khô dễ dàng bằng phương pháp tự chảy.

“Báo cáo kết quả thăm dò nâng cấp trữ lượng mỏ đá vôi làm nguyên liệu xi măng Bắc núi Khoe Lá cơ bản đã tổng hợp đủ các kết quả thăm dò, xác định được đặc điểm địa chất và đánh giá quy mô, chất lượng của đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng trong diện tích thăm dò nâng cấp”.

Ông Đỗ Văn Định

Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia.

Ông Phan Bá Toản - Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn Mỏ và xây dựng Trường Xuân cho biết: Tổng chi phí thăm dò là 5.071.220.000 đồng; giá thành thăm dò năm 2019, 2020 cho 1 tấn đá vôi cấp 122 của mỏ đá vôi Bắc núi Khoe Lá là 161 đồng. Đây là mỏ có chi phí thăm dò tương đối thấp so với các mỏ có đặc điểm địa chất và khoáng sản tương tự.

Về vấn đề này, ông Đỗ Văn Định, thuộc Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia cho rằng, cần lưu ý vấn đề lượng nước mặt có thể ảnh hưởng đến mỏ đá vôi, bởi tác động của thủy triều khi khai thác từ cost +2m xuống cost 0 m. Từ kết quả phân tích tính chất cơ lý đá, tác giả đã tính toán, dự báo góc dốc bờ moong qua các mức chiều cao khai thác.

Trong quá trình khai thác, cần lưu ý các hiện tượng địa chất động lực công trình như sạt lở bờ moong, đá lở, đá đổ, karst... Nhìn chung, mức độ nghiên cứu ĐCTV-ĐCCT đáp ứng yêu cầu công tác thăm dò trữ lượng khoáng sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đánh giá trữ lượng mỏ đá vôi Bắc núi Khoe Lá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO