Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên phát biểu tại cuộc họp |
Báo cáo kết quả thăm dò trữ lượng than khu mỏ Khe Chàm, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Hoàng Huân – Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty cổ phần Tin học, Công nghệ, Môi trường (Vinacomin) cho biết: Kết quả thăm dò đề án đã góp phần chính xác hóa cấu trúc địa chất khu mỏ, quy luật phân bố và tồn tại các vỉa than trong không gian, bổ sung thêm thông tin về chiều dày và chất lượng các vỉa than tham gia tính trữ lượng.
Báo cáo kết quả thăm dò lần này đã giải quyết được một số vấn đề tồn tại của công tác thăm dò giai đoạn trước, đảm bảo độ tin cậy về tài liệu kỹ thuật, đáp ứng được mục tiêu đề ra, là cơ sở tin cậy cho việc nghiên cứu điều chỉnh và phát triển các Dự án đang khai thác.
Ông Nguyễn Xuân Toán – Chuyên viên chính Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia cho biết: Khu mỏ Khe Chàm thuộc dải than Hòn Gai - Cẩm Phả là một trong những khu mỏ có trữ lượng, tài nguyên than lớn, điều kiện khai thác tương đối thuận lợi. Khu mỏ đã trải qua nhiều giai đoạn nghiên cứu địa chất và thăm dò, công tác nghiên cứu địa chất giai đoạn này chủ yếu là thu thập, tổng hợp các tài liệu địa chất, tài liệu công trình thăm dò để chỉnh lý bản đồ lộ vỉa tỷ lệ 1/5.000 trên diện tích 16,32 km2. Công tác nghiên cứu địa chất đã xác định khu mỏ Khe Chàm có mặt trầm tích của hệ tầng Hòn Gai và các thành tạo bở rời hệ Đệ Tứ.
Công tác thi công công trình khoan thăm dò, kết hợp tài liệu đo địa vật lý lỗ khoan và các tài liệu thăm dò giai đoạn trước đã đáp ứng yêu cầu để khoanh nối vỉa than và tính trữ lượng cấp 121, cấp 122 và tài nguyên cấp 333 từ lộ vỉa đến mức cao -700m.
Theo ông Nguyễn Xuân Toán, trữ lượng sau thăm dò đạt 132% so với mục tiêu đề án đặt ra, riêng trữ lượng từ mức cao -350m đến -500m tăng 1.618 nghìn tấn so với trữ lượng đã được Hội đồng phê duyệt năm 2015. Nhìn chung, báo cáo kết quả thăm dò than khu mỏ Khe Chàm, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh đã tổng hợp được tài liệu thu thập trong quá trình thăm dò, đánh giá chất lượng và tính được trữ lượng, tài nguyên than trong khu thăm dò.
Báo cáo kết quả thăm dò đá hoa trắng tại khu vực Phan Thanh 1, Phan Thanh 2, xã Phan Thanh, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, ông Phan Văn Cừ - Trưởng phòng Công nghệ mỏ, Công ty TNHH MTV Tư vấn xây dựng địa chất khoáng sản Hà Nội, đơn vị tư vấn cho biết: Mục tiêu của công tác thăm dò là đánh giá chất lượng và trữ lượng công nghiệp đá hoa làm đá ốp lát và kết hợp sản xuất bột cacbonat canxi cũng như điều kiện khai thác đến cốt +80m (Phan Thanh 1) và +60m (Phan Thanh 2) trong diện tích thăm dò là 11 ha.
Theo ông Phạm Văn Hưng - Thư ký Hội đồng, báo cáo trên đã tổng hợp đủ các kết quả thăm dò, cơ bản xác định được đặc điểm địa chất thủy văn – địa chất công trình và điều kiện khai thác mỏ; đánh giá được quy mô, chất lượng của đá hoa cỡ khối lớn hơn hoặc bằng 0,4 m3 làm ốp lát và đá hoa trắng cỡ khối nhỏ hơn 0,4 m3 làm bột carbonat canxi trong diện tích thăm dò.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên - Phó Chủ tịch Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc và các ủy viên Hội đồng đã thông qua các đề án trên, tuy nhiên Thứ trưởng yêu cầu các chủ đầu tư và đơn vị tư vấn tổ chức huy động, quy hoạch thăm dò khai thác, lập kế hoạch sơ bộ khai thác, hoàn thiện hồ sơ để cấp phép khai thác.