Thứ trưởng Trần Quý Kiên Bộ TN&MT phát biểu tại cuộc họp |
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng tập trung thảo luận và đóng góp ý kiến về báo cáo kết quả thăm dò nâng cấp trữ lượng mỏ đá vôi làm nguyên liệu xi măng Bắc núi Khoe Lá, xã Dương Hòa, huyện Hà Tiên (nay là huyện Kiên Lương), tỉnh Kiên Giang; báo cáo kết quả thăm dò quặng talc thôn Nam Mỹ, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng; báo cáo kết quả thăm dò mỏ than Bình Minh, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Ông Đinh Đức Hùng – đại diện Công ty CP tư vấn mỏ và xây dựng Trường Xuân, đơn vị tư vấn của đề án thăm dò nâng cấp trữ lượng mỏ đá vôi làm nguyên liệu xi măng Bắc núi Khoe Lá cho biết, kết quả tính trữ lượng đá vôi đến độ sâu 0m ở cấp 122 là 31.563 nghìn tấn ở trạng thái tự nhiên. Đây là mỏ có chi phí thăm dò tương đối thấp so với các mỏ có đặc điểm địa chất và khoáng sản tương tự.
Theo ông Đỗ Văn Định thuộc Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia, báo cáo kết quả thăm dò nâng cấp trữ lượng mỏ đá vôi làm nguyên liệu xi măng Bắc núi Khoe Lá cơ bản đã tổng hợp đủ các kết quả thăm dò, xác định được đặc điểm địa chất và đánh giá quy mô, chất lượng của đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng trong diện tích thăm dò nâng cấp.
Góp ý cho báo cáo, ông Nguyễn Trường Giang – Chánh Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia cho biết, báo cáo đã tổng hợp cơ bản các kết quả thăm dò, xác định được đặc điểm địa chất, đánh giá được quy mô, chất lượng, trữ lượng đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng.
Ông Nguyễn Trường Giang thống nhất với trữ lượng đã tính trong báo cáo và thống nhất dự thảo quyết định công nhận trữ lượng.
Báo cáo kết quả thăm dò quặng talc thôn Nam Mỹ, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, ông Nguyễn Quốc Phi - đại diện Trung tâm triển khai công nghệ khoáng chất, Trường Đại học Mỏ Địa chất, đơn vị tư vấn cho biết, báo cáo đã cơ bản xác định được đặc điểm cấu trúc địa chất của khu thăm dò, cấu trúc địa chất của thân quặng talc; đánh giả được các đặc điểm ĐCTV-ĐCCT và điều kiện khai thác mỏ; đánh giá được chất lượng, tính chất công nghệ, quặng talc tại khu thăm dò.
Hơn nữa, kết quả thăm dò đã khoanh nối được 2 khối trữ lượng cấp 122: 802 nghìn tấn trạng thái tự nhiên và 2 khối tài nguyên cấp 333: 608 nghìn tấn trạng thái tự nhiên, đạt 80% mục tiêu trữ lượng để ra. Kết quả tính trữ lượng, tài nguyên quặng talc tại khu thăm dò cơ bản đạt mục tiêu đề ra của đề án, là cơ sở tin cậy để Công ty TNHH thương mại và xuất nhập khẩu Đại Sơn Phú tiến hành việc lập dự án đầu tư về khai thác, chế biến quặng talc tại khu thăm dò.
Góp ý cho báo cáo, ông Phạm Văn Hưng – Thư ký Hội đồng cho rằng báo cáo cơ bản đã tổng hợp đủ các kết quả thăm dò, xác định được đặc điểm địa chất, ĐCTV-ĐCCT, điều kiện khai thác mỏ, đánh giá quy mô, chất lượng, trữ lượng của quặng talc trong diện tích thăm dò.
Ông Nguyễn Đăng Luật - đại diện Công ty CP Tin học, Công nghệ, Môi trường – Vinacomin báo cáo tại cuộc họp |
Về kết quả thăm dò mỏ than Bình Minh, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Đăng Luật - đại diện Công ty CP Tin học, Công nghệ, Môi trường – Vinacomin, đơn vị lập báo cáo cho biết: Báo cáo kết quả thăm dò mỏ than Bình Minh đã nâng cấp trữ lượng và giải vấn đề còn tồn tại trong công tác thăm dò giai đoạn trước như đã bố trí bổ sung các lỗ khoan gần đứt gẫy lớn F.6, F.2 và cơ bản khống chế được diện phân bố và mức độ biến đổi chiều dày vỉa gần các đứt gẫy trên.
Báo cáo cũng đã đi sâu vào việc tổng hợp, chỉnh lý cấu trúc địa chất, xác định sự tồn tại và mức độ duy trì của các vỉa than từ lộ vỉa đến mức -750m, tổng hợp và đánh giá tổng quát về đặc điểm ĐCTV- ĐCCT, khí mỏ cho mỏ than Bình Minh, xác định trữ lượng và tài nguyên than mỏ Bình Minh đáp ứng yêu cầu thiết kế khai thác than ở mỏ.
Theo ông Nguyễn Đăng Luật, trong quá trình lập báo cáo tập thể tác giả đã tổng hợp, liên hệ các tài liệu mỏ than Bình Minh với các khu mỏ lân cận như Hà Lầm, Suối Lại để có sự thống nhất về cấu trúc. Về trữ lượng, ông Nguyễn Đăng Luật cho hay, trữ lượng và tài nguyên than trong phạm vi giấy phép thăm dò là 144.437 nghìn tấn, trong đó: trữ lượng cấp 121 là 9.570 nghìn tấn; trữ lượng cấp 122 là 75.855 nghìn tấn; tài nguyên cấp 333 là 59.012 nghìn tấn.
Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra, thẩm định, ông Nguyễn Xuân Toán – Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia cho biết, công tác đo địa vật lý lỗ khoan của đề án đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra, đã giúp phát hiện, định vị các vỉa than một cách chính xác. Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu chất lượng than về cơ bản đã làm sáng tỏ được đặc điểm chất lượng của than và nhãn than, đáp ứng được yêu cầu đánh giá trữ lượng…
Sau khi nghe các báo cáo cũng như góp ý của các thành viên Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên - Phó Chủ tịch Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia thông qua các trữ lượng đã tính trong các báo cáo trên, đồng thời yêu cầu các chủ đầu tư và đơn vị tư vấn tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên để hoàn thiện báo cáo.