Đánh giá trữ lượng 2 mỏ khoáng sản tại Huế và Yên Bái

Phạm Thu Hà| 26/02/2020 17:36

(TN&MT) - Ngày 26/2, Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia (Bộ TN&MT) tổ chức họp Hội đồng nhằm thẩm định, phê duyệt báo cáo thăm dò nguồn nước khoáng nóng Mỹ An, tại xã Phú Dương và xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế và  mỏ kaolin - felspat khu vực xã Yên Hưng, huyện Văn Yên và xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.

Trình bày tóm tắt báo cáo kết quả thăm dò nguồn nước khoáng nóng Mỹ An, xã Phú Dương và xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Nguyễn Trọng Hảo, Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển, tác giả chủ biên cho biết: Sau một thời gian thực hiện Đề án thăm dò nguồn nước khoáng nóng Mỹ An, xã Phú Dương và xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên- Huế đã hoàn thành các hạng mục đạt được mục tiêu nhiệm vụ đề ra, cụ thể công tác thăm dò nguồn nước khoáng nóng tại đây đã thực hiện đảm bảo các quy định hiện hành, nội dung, kết luận, và các phương pháp thăm dò bảo đảm mục đích nhiệm vụ đặt ra, đảm bảo độ tin cậy.

Về địa chất đã làm sáng tỏ được đặc điểm địa chất khu vực nghiên cứu cũng như khu mỏ nước khoáng nóng Mỹ An. Về địa chất thủy văn đã làm sáng tỏ điều kiện địa chất thủy văn như: Chiều sâu, diện phân bố, thành phần thạch học của các tầng chứa nước và đới chứa nước khoáng nóng. Trong khu vực nghiên cứu đã xác định được 3 tầng chứa nước khác nhau nhưng chỉ có đới chứa nước khoáng trong các thành tạo Neogen hệ tầng Vĩnh Điện là thỏa mãn yêu cầu quy định của nước khoáng. Kết quả phân tích thành phần hóa học của nước khoáng cho thấy nguồn nước khoáng nóng Mỹ An đáp ứng theo quy định.

Quang cảnh cuộc họp

Kết quả thăm dò cũng đã tiến hành phân tích, xây dựng vùng bảo hộ địa sinh với 3 đới bảo vệ là vùng bảo vệ nghiêm ngặt có bán kính 5m, vùng bảo hộ vi sinh có bán kính 41m và vùng bảo hộ hóa học có bán kính 285m. Chủ đầu tư sẽ xây dựng vùng bảo hộ địa sinh, các quy định đã có trong cam kết và có những biện pháp kỹ thuật hợp lý, tiến hành quan trắc theo yêu cầu chuyên môn; định kỳ lấy mẫu phân tích theo dõi sự ổn định chất lượng nước khoáng theo thời gian; áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường, nguồn nước khoáng trong khu vực theo quy định…

Trình bày tóm tắt báo cáo kết quả thăm dò kaolin-felspat khu vực xã Yên Hưng, huyện Văn Yên và xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, ông Hà Huy Thanh, Công ty cổ phần tư vấn xây dựng và khoáng sản Hà Thành, tác giả chủ biên cho biết, trữ lượng kaolin-felspat làm nguyên liệu gốm sứ gồm 2.250 nghìn tấn kaolin và 3.765 nghìn tấn felspat cấp 121+122. Công tác nghiên cứu địa chất cơ bản làm rõ được cấu trúc địa chất của khu thăm dò khoanh định được ranh giới các tạo địa chất – phong hóa làm cơ sở cho công tác thăm dò và tính trữ lượng.

Ông Hà Huy Thanh cũng mong muốn Hội đồng xem xét, phê duyệt trữ lượng tại báo cáo và tạo điều kiện cho Công ty hoàn thiện các thủ tục để sớm đưa mỏ vào khai thác.

 Đánh giá về báo cáo của Công ty cổ phần tư vấn xây dựng và khoáng sản Hà Thành, ông Phạm Văn Hùng, đại điện Văn phòng Hội đồng nhận xét, công tác trắc địa cơ bản đáp ứng được yêu cầu thăm dò tính trữ lượng cho khu thăm dò; đồng thời đã làm rõ được các đặc điểm địa chất, địa chất thủy văn - địa chất công trình, điều kiện khai thác mỏ, đánh giá được chất lượng, trữ lượng kaolin-felspat tại khu vực thăm dò. Tuy nhiên vẫn còn 1 số tồn tại như chất lượng thí nghiệm mẫu công nghệ tuyển đối với quặng kaolin-felspat vẫn còn chưa tốt, nhất là đối với quặng felspat.

Trong quá trình khai thác quặng sau này cần áp dụng công nghệ tuyển tiên tiến hơn để có thể thu được các sản phẩm tính quặng có chất lượng cao; đồng thời, cần nghiên cứu để tận dụng tối đa phần thải của quá trình tuyển quặng kaolin để tăng giá trị kinh tế cho mỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đánh giá trữ lượng 2 mỏ khoáng sản tại Huế và Yên Bái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO