Đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư phát triển đến hệ sinh thái rừng: Vẫn còn nhiều lỗ hổng

31/05/2019 15:29

(TN&MT) – Ngày 31/5, tại Hà Nội, Viện Chiến lược, chính sách Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Quỹ Hanns Seidel Foundation (HSF), Cộng hòa Liên bang Đức tổ chức hội thảo “Đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư phát triển hệ sinh thái rừng: Quy định của pháp luật và các chỉ số cần cân nhắc”.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Ông Mai Thanh Dung - Phó viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách Tài nguyên và Môi trường và bà Magdalena Knodler - Đại diện Quỹ HSF làm chủ trì. Đại diện Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng các chuyên gia nghiên cứu cũng đến tham dự hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Mai Thanh Dung cho biết, trong thời gian qua, mặc dù các Bộ ngành địa phương rất quan tâm công tác bảo vệ rừng nhưng trên thực tế, còn nhiều dự án đầu tư vẫn gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái, đa dạng sinh học. Theo Luật Bảo vệ môi trường, việc đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là công cụ để có thể hạn chế, ngăn chặn những tác động từ các dự án đầu tư đến xã hội, môi trường. Tuy vậy, pháp luật vẫn chưa có căn cứ, tiêu chí cụ thể nào để xác định mức độ tác động đến các đối tượng chịu tác động trực tiếp, trong đó có hệ sinh thái rừng để làm cơ sở  cho phép triển khai thực hiện dự án.

Chính vì vậy, thực hiện chỉ thị số 13 – CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Bộ TN&MT đã giao Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường xây dựng bộ chỉ số đánh giá tác động của các dự án đầu tư phát triển đến hệ sinh thái rừng phục vụ công tác thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Hội thảo là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các cơ quan quản lý các cấp cả Trung ương và địa phương cùng thảo luận, đóng góp ý kiến về vấn đề này. Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến, Viện Chiến lược, CHính sách TN&MT sẽ rà soát, nghiên cứu xây dựng Bộ chỉ số trong thời gian tới. 

Ông Mai Thanh Dung – Phó viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách Tài nguyên và Môi trường
Ông Mai Thanh Dung – Phó viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách Tài nguyên và Môi trường

Bà Magdalena Knodler đánh giá, Việt Nam là quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi, tác động về kinh tế, do vậy còn nhiều thách thức về môi trường như suy giảm đa dạng sinh học, nhiều loài động - thực vật bị tuyệt chủng… Việt Nam cũng đã có nền tảng pháp lý tốt về bảo vệ rừng, tuy nhiên hệ thống pháp luật liên quan còn nhiều khoảng trống.

Tại hội thảo, TS. Lê Trịnh Hải – Tổng cục Môi trường cũng cho rằng: “Đã có quy định, hướng dẫn (phương pháp về đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư phát triển sử dụng đất rừng. Tuy nhiên, hiện nay trong hệ thống chính sách, pháp luật chưa có quy định pháp lý rõ ràng,  định lượng hóa và xác định tiêu chí, chỉ số cụ thể để trả lời câu hỏi “tổn hại ở mức độ nào là có thể chấp nhận?”, để khi chúng ta áp dụng các phương pháp ĐTM có thể đưa ra được những phân tích, dự báo chính xác, giảm dần định tính, chủ quan”.

Liên quan đến tổng quan phương pháp đánh giá giá trị dịch vụ hệ sinh thái rừng và áp dụng thực tế tại Việt Nam, TS. Trần Thị Thu Hà phát biểu: “Các nghiên cứu lượng giá dịch vụ hệ sinh thái rừng tại Việt Nam đã được thực hiện từ cuối những năm 1990. Việt Nam đã có hàng trăm nghiên cứu lượng giá dịch vụ hệ sinh thái rừng lớn nhỏ khác nhau. Nhìn chung, chất lượng của các nghiên cứu lượng giá càng ngày càng được cải thiện nhờ việc áp dụng các phương pháp lượng giá tiên tiến, các thông tin đầu vào cập nhật và đặc biệt là sự tham gia của nhiều chuyên gia hoặc nhóm chuyên gia lượng giá quốc tế.”

TS. Michael Parson – Cố vấn chính sách, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã chia sẻ về những kinh nghiệm quốc tế về phương pháp đánh giá tác động cho các dự án đầu tư phát triển đến hệ sinh thái rừng. Trong đó có tiêu chuẩn môi trường của một số “Ngân hàng phát triển đa phương” đối với các dự án ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng. Đặc biệt là hướng dẫn của Hội đồng bảo tồn của châu Mỹ La tinh về xây dựng những con đường thân thiện với môi trường.

TS. Michael Parson – Cố vấn chính sách, Bộ Tài nguyên và Môi trường
TS. Michael Parson – Cố vấn chính sách, Bộ Tài nguyên và Môi trường

Liên quan đến những tiêu chí, chỉ số và các vấn đề cần cân nhắc trong việc đánh giá tác động của các dự án đầu tư phát triển đến hệ sinh thái rừng, PGS.TS Lê Xuân Cảnh - Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam nhận định: “Hơn 25 năm qua kể từ khi có quy định đầu tiên về ĐTM ở Việt nam, không thể phủ nhận những cố gắng và nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện đánh giá tác động môi trường. Từ quá trình hoàn thiện dần hệ thống văn bản QPPL đến phát triển đội ngũ và năng lực thực hiện ĐTM đã có những phát triển đáng ghi nhận. Tuy nhiên, bản thân quy định pháp luật ĐTM vẫn còn nhiều lỗ hổng và bất cập, chưa ràng buộc được trách nhiệm pháp lý và yêu cầu tuân thủ chặt chẽ của chủ đầu tư, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, cá nhân và tổ chức tư vấn ĐTM.”

Ông Cảnh cũng nhấn mạnh, hệ thống pháp luật đầy đủ, nghiêm minh sẽ giúp Việt Nam loại trừ được những bất cập liên quan đến công tác ĐTM như hiện nay.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận và đưa ra những ý kiến đóng góp về phương pháp xây dựng bộ chỉ số đánh giá mức độ tác động của các dự án đầu tư phát triển đến hệ sinh thái rừng.

Các đại biểu chụp ảnh kỉ niệm
Các đại biểu chụp ảnh kỉ niệm
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư phát triển đến hệ sinh thái rừng: Vẫn còn nhiều lỗ hổng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO