Môi trường

Cà Mau: Nâng cao đời sống người dân từ giá trị dịch vụ hệ sinh thái rừng ngập mặn

Hoàng Ngân 22/02/2024 - 21:44

(TN&MT) - Theo kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, rừng ngập mặn Cà Mau cung cấp rất nhiều loại hàng hoá và dịch vụ có giá trị như gỗ củi, nguồn lợi thuỷ sản, hỗ trợ nuôi trồng thuỷ sản, phòng hộ ven biển, lưu trữ và hấp thụ các-bon và vẻ đẹp cảnh quan với tổng giá trị kinh tế được lượng giá hơn 1,7 tỷ đồng/năm.

rung-ngap-man-7984-1668700097.jpg
Rừng ngập mặn Cà Mau

Cà Mau là tỉnh ven biển ở cực Nam của Việt Nam có vị trí địa lý rất đặc biệt với ba mặt tiếp giáp biển. Với tổng diện tích gần 50,5 nghìn ha, rừng ngập mặn Cà Mau là một trong những diện tích rừng ngập mặn lớn nhất thế giới với hệ động, thực vật phong phú, đa dạng, độc đáo. Là một cấu phần quan trọng của Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau được UNESCO công nhận vào năm 2009.

Rừng Cà Mau cung cấp cho cộng đồng dân cư và nền kinh tế của địa phương rất nhiều loại hàng hoá và sản phẩm quý giá như gỗ, củi, lâm sản ngoài gỗ, nguồn lợi thuỷ sản, phòng hộ ven biển, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, điều hoà khí hậu. Tuy nhiên, giá trị của rừng ngập mặn Cà Mau chưa được ghi nhận đầy đủ. Trong các báo cáo của địa phương, giá trị rừng ngập mặn Cà Mau chỉ được ghi nhân qua giá trị gỗ, củi, và nguồn lợi thuỷ sản. Chính vì vậy, rừng ngập mặn Cà Mau luôn phải đối mặt với nguy cơ bị chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất nuôi trồng thủy sản, khiến khả năng cung cấp các loại hàng hóa và dịch vụ của rừng ngập mặn bị suy giảm theo.

Trong bối cảnh đó, nhận thức được tầm quan trọng của vốn tự nhiên và đa dạng sinh học, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã phối hợp với Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ Đầu tư Dragon Capital Việt Nam thực hiện nghiên cứu “Lượng giá hệ sinh thái rừng ngập mặn Cà Mau” nhằm xác định rõ những đóng góp về mặt kinh tế của các hàng hóa và dịch vụ do hệ sinh thái rừng ngập mặn Cà Mau cung cấp.

Theo kết quả nghiên cứu được công bố, hệ sinh thái rừng ngập mặn tại Cà Mau đã đóng góp rất lớn từ giá trị sử dụng trực tiếp (cung cấp thức ăn, gỗ, củi, du lịch) đến giá trị sử dụng gián tiếp (dịch vụ điều tiết, lưu trữ và hấp thụ các-bon, vẻ đẹp cảnh quan) và giá trị bảo tồn.

Tổng giá trị kinh tế rừng ngập mặn tỉnh Cà Mau mang lại là 1.743,7 tỷ đồng/năm, trong đó giá trị sử dụng trực tiếp là 1.087,6 tỷ đồng/năm (chiếm 62,4%); giá trị sử dụng gián tiếp là 656,1 tỷ đồng/năm (chiếm 37,6%). Tỷ lệ này sẽ tiếp tục thay đổi khi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được triển khai trên cả nước với quy định các đơn vị phát thải lớn phải chi trả cho dịch vụ lưu trữ và hấp thụ các-bon của rừng và khi đó giá trị lưu trữ và hấp thụ các-bon của rừng ngập mặn sẽ tính thành giá trị sử dụng trực tiếp.

Dịch vụ hỗ trợ nuôi trồng thủy sản được coi là giá trị quan trọng nhất với 598,4 tỷ đồng/năm, tiếp đến là phòng hộ ven biển (552,1 tỷ đồng/năm), nguồn lợi thuỷ sản (đánh bắt tự nhiên, 335,1 tỷ đồng/năm), giá trị lưu trữ và hấp thụ các-bon (103,9 tỷ đồng/năm), giá trị sinh thái du lịch cảnh quan (thông qua thu hút khách với 90,7 tỷ đồng/năm), giá trị như gỗ củi là 63,5 tỷ đồng/năm).

nuoi-trong-thuy-san-ket-hop-rung-ngap-man-la-giai-phap-phat-trien-kinh-te-ben-vung..jpg
Nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng ngập mặn góp phần phát triển kinh tế

Ông Nguyễn Hoàng Nam, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: Để lượng giá giá trị kinh tế của rừng ngập mặn Cà Mau, dữ liệu được thu thập từ tài liệu, báo cáo của các cơ quan, ban ngành địa phương; của cơ quan, đơn vị nghiên cứu và từ phiếu phỏng vấn 251 hộ gia đình tham gia khảo sát.

Ví dụ, theo kết quả phân tích thông tin từ phiếu khảo sát 251 hộ gia đình tham gia nuôi trồng thủy sản trong rừng ngập mặn, tổng doanh thu bình quân của các hộ gia đình khoảng 196,6 triệu đồng/năm cho một diện tích ao nuôi trung bình là 4,8 ha. Trong khi đó, tổng chi phí bình quân (bao gồm chi phí con giống, thức ăn phụ trợ, công lao động và các vật tư tiêu hao khác) là 82,8 triệu đồng/năm. Thu nhập ròng bình quân từ hoạt động nuôi tôm sinh thái là 23,58 triệu đồng/ha/năm. Dựa trên thông tin về mức thu nhập ròng bình quân từ hoạt động nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng của các hộ gia đình tham gia phỏng vấn và diện tích nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng trên địa bàn tỉnh Cà Mau năm 2020 (25.377 ha), nghiên cứu đã ước lượng giá trị của dịch vụ hỗ trợ nuôi trồng thủy sản của rừng ngập mặn Cà Mau là 598,4 tỷ đồng/năm.

Theo đánh giá của Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, việc nghiên cứu lượng giá dịch vụ hệ sinh thái giúp người dân và các cơ quan quản lý hiểu được giá trị các loại hình dịch vụ hệ sinh thái, đặc biệt là dịch vụ cung cấp, điều tiết và dịch vụ văn hoá để phát triển sinh kế bền vững cho người dân trong vùng. Các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền có thể chủ động lồng ghép các kết quả nghiên cứu vào quá trình xây dựng chính sách tại địa phương như: Lập quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, lập quy hoạch phát triển ngành, lập quy hoạch bảo tồn, xây dựng và triển khai cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng. Trên cơ sở đó sẽ giúp cho địa phương đạt được các mục tiêu lớn hơn về xóa đói giảm nghèo và các mục tiêu phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cà Mau: Nâng cao đời sống người dân từ giá trị dịch vụ hệ sinh thái rừng ngập mặn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO