Đằng sau những lẵng hoa

PGS,TS. Nguyễn Thanh Tú| 10/03/2022 09:02

(TN&MT) - Hoa là những gì tinh túy nhất mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Hoa cũng là “nhà ngoại giao” bền nghề nhất trong xã hội xưa nay. Việc tặng hoa cho nhau trong những dịp đặc biệt hoặc ngày lễ đã trở nên phổ biến và dường như không thể thiếu. Thế nhưng, xã hội càng phát triển thì việc tặng hoa càng bị lạm dụng, quá đà, không chỉ gây lãng phí, ảnh hưởng môi trường mà đằng sau những lẵng hoa còn để lại nhiều nỗi về nhân tình thế thái!

Năm nay, đang trong cao điểm dịch bệnh Covid-19 nên có thể lượng hoa ngày 8/3 tiêu thụ không nhiều bằng mọi năm, tuy nhiên, nó vẫn góp phần làm cho lượng rác thải hậu 8/3 tăng gần gấp đôi ngày thường. Ngay cuối ngày 8/3, đã có những lẵng hoa chưa nóng tay người nhận đã bị vứt ra đường hoặc cho vào thùng rác. Những năm không dịch dã, người ta từng chứng kiến cảnh có người lúi húi “mót” những bông hoa đẹp từ những bó hoa, lẵng hoa hẩm hiu ấy... Những người đi “mót” này thường là những cụ bà. Tuồng như hơn ai hết, họ là những người yêu quý thiên nhiên như phận người, vậy nên thương cảm số phận loài hoa mà nhặt lên, nâng niu thưởng thức cho đến tận tàn rũ mới bỏ đi. Hình ảnh đó nếu vận vào câu ca dao “Ra đường nhặt cánh hoa rơi/ Hai tay nâng lấy cũ người mới ta” thì quả thật, thấm thía nhân văn...

hoa-hong.jpg
Ảnh minh họa

Quả là tiếc thật! Bao nhiêu là hoa. Cơ man là hoa. Mỗi bông hoa một hương sắc riêng, mỗi bó hoa, lẵng hoa một dáng vẻ riêng. Nhiều bó hãy còn tươi nguyên, bởi chưng vì người nhận bão hòa nên đành thải bỏ, chỉ giữ lại những bó đẹp hơn, đắt tiền hơn trưng trong nhà. Có những bó hoa trị giá hàng triệu đồng. (Chẳng phải 8/3 vừa qua, có đại gia tặng vợ cả ngàn bông hồng trị giá hàng chục triệu!). Những bó những lẵng được giữ lại, vài ngày sau cũng theo ra thùng rác “tặng” cho các công nhân môi trường.

Nếu có người già thương hoa tiếc ngọc mà “mót” hoa rơi thì cũng sẽ có người hậu 8/3 “mót” các đế, lẵng, giỏ dùng để cắm hoa, trong đó có các công nhân môi trường, bởi nếu những đế, lẵng, giỏ kia không được thu lượm riêng mà bỏ chung vào rác mang đi chôn lấp thì chẳng biết bao giờ mới phân hủy được.

Tặng hoa là phép ứng xử văn minh mang tính phổ quát trên toàn thế giới. Hoa là biểu trưng cho cái đẹp, cái giá trị. Người Việt ta từng chẳng lấy hoa làm chuẩn mực thẩm mỹ cho cái đẹp đó sao! Tặng hoa cho nhau là mong muốn mang cho nhau những niềm vui, những điều tốt đẹp. Nhưng chỉ để làm quà tặng một đêm, được trân trọng một thời khắc ngắn ngủi rồi hôm sau phải trở về thân phận của rác, âu cũng là vô hình dung góp phần vào phung phí thiên nhiên! Đấy là chưa kể góp phần làm ô nhiễm môi trường. Chứng kiến những bó hoa, lẵng hoa còn tươi nguyên được thải bỏ không thương tiếc, chợt ước, giá người ta cứ yêu thương nhau, quý mến nhau mà không cần tặng hoa thì có phải tốt hơn không? Hoặc giá như có tặng thì cũng ý nhị và tiết kiệm; đừng quá câu nệ cầu kỳ hay chơi trội mà vô tình gây lãng phí có hơn không? Hoặc giá người ta dùng số tiền mua đẫy hoa đó mà mua lấy cái tình đậm đà, chân thành có phải tốt hơn không? Đừng như một số gia đình, cả năm người vợ chỉ được vui vẻ ngày 8/3 hay 20/10, còn lại 363, 364 ngày thì quần quật việc nhà. Lại thỉnh thoảng được chồng “tặng” cho cái “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”...!!! Thế thì cái anh chồng ấy tặng hoa cho vợ ngày 8/3 phỏng có ích gì? Hay anh ta dùng cách đó để che đậy cái gia trưởng, vũ phu?!

Tôi rất biết có phụ huynh lấy hoa làm bình phong để “che” sơ sài cái phong bì “lót tay” thầy cô giáo trước mặt học sinh!

Tôi cũng rất biết có người mượn chuyện tặng hoa chẳng phải vì quý nhau trọng nhau mà chỉ để mưu cầu!

Nếu hoa có trái tim, ắt hẳn hoa cũng buồn thay.

Vậy nên, tặng hoa thế nào, tặng ra sao để làm cho đời đẹp hơn, cho mối quan hệ thắm thiết hơn; chớ đừng phí phạm vung tay hay mang hoa làm bình phong làm tủi phận hoa và làm môi trường thêm ô nhiễm!.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đằng sau những lẵng hoa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO