Đằng sau một bản án sơ thẩm

10/09/2015 00:00

  (TN&MT) - Xáo trộn phát sinh từ năm 2010, khi Nhà nước có những dự án dùng tới đất hồ: Năm 2003 là dự án xây dựng tuyến đường Quy Nhơn - Nhơn Hội và năm...

 

(TN&MT) - Vùng đầm hồ thuộc khu vực Đầm Thị Nại (Quy Nhơn, Bình Định) bao đời nay là nơi nhiều thế hệ ngư dân sinh sống, canh tác trên mặt hồ. Những người dân ở đây được Nhà nước tạo điều kiện cấp quyền sử dụng 20 năm để nuôi trồng thủy sản, thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo. Trong quá trình sử dụng, do hoàn cảnh riêng của từng hộ dân, nhiều hình thức sang nhượng, cho thuê lại đã nảy sinh, nhưng phần lớn là tin tưởng và đạt được thỏa thuận, canh tác bình yên. Xáo trộn phát sinh từ năm 2010, khi Nhà nước có những dự án dùng tới đất hồ: Năm 2003 là dự án xây dựng tuyến đường Quy Nhơn - Nhơn Hội và năm 2010 là dự án xây dựng quốc lộ 19. Đã thu hồi thì có đền bù, đồng tiền đền bù tuy không nhiều nhưng đủ để lòng người, nhân tâm xáo trộn. Câu chuyện nhà ông Lê Bá là một ví dụ…

Con trai ông Lê Bá - anh Lê Văn Dã thay cha đi cầu cứu các cơ quan chức năng.
Con trai ông Lê Bá - anh Lê Văn Dã thay cha đi cầu cứu các cơ quan chức năng.

Trong đơn phản ánh của ông Lê Bá (sinh năm 1937, ngụ tại Tổ 32, KV4, phường Nhơn Bình, TP. Quy Nhơn, Bình Định) có nêu, gia đình ông và bà con ở đây chuyên sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản, tình làng nghĩa xóm ôn hòa, tin cậy lẫn nhau. Năm 2001, bà Lê Thị Thương cùng khu vực do có khó khăn không thể đầu tư sản xuất nên muốn cần sang lại diện tích 6.800m2 đầm hồ. Hai gia đình đã gặp gỡ, trao đổi việc sang nhượng. Tuy nhiên, lúc này diện tích đầm hồ nói trên lại đang được bà Thương cho ông Lê Văn Ba (Ba Thái) thuê từ năm 1999-2003, nên việc mua bán chưa thực hiện được, chỉ dừng lại ở việc thỏa thuận bằng miệng, có giấy viết tay hứa hẹn với nhau (giấy ghi ngày 30/06/2001), hẹn nhau 2004 sẽ làm giấy sang nhượng. Từ đó đến năm 2004, gia đình bà Thương đã nhận đủ số tiền sang nhượng đầm hồ tổng cộng là 25.000.000đ.

Đến đầu năm 2004, sau khi gia đình bà Thương và nhóm gia đình ông Lê Văn Ba đã thực hiện xong việc thuê mượn thì gia đình ông Lê Bá và gia đình bà Thương đã bàn bạc đi đến thỏa thuận việc mua bán chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) của diện tích 6800m2 đầm hồ này. Phía gia đình ông Lê Bá còn đại diện cho số vốn cùng mua chung của vợ chồng ông Nguyễn Thanh Vân (số vốn này được tính theo đầu người, gia đình ông Bá 8 khẩu, còn gia đình ông Nguyễn Thanh Vân 2 khẩu). Gia đình bà Thương do con trai bà Thương là ông Nguyễn Kim Hùng đại diện đã giao Giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Lê Bá, tại nhà ông Lê Văn Ba.

Việc mua bán, chuyển nhượng đều được thực hiện công khai và tuân thủ theo sự hướng dẫn của UBND phường Nhơn Bình và UBND TP. Quy Nhơn. Sau khi xác minh cụ thể, UBND TP. Quy Nhơn đã cấp Giấy chứng nhận QSDĐ số 01373 QSDĐ/617/QĐ-UB, cấp ngày 07/01/2004. Gia đình ông Bá được Nhà nước cấp QSDĐ từ ngày 01/01/2004 đến tháng 01 năm 2019. Phía gia đình bà Thương ký và nhận tiền đầy đủ của gia đình ông Bá.

Từ năm 2004 đến nay, gia đình ông Bá canh tác nuôi trồng thủy sản ổn định và liên tục, không có tranh chấp hay bất cứ yêu cầu nào từ phía gia đình bà Thương. Riêng phần diện tích 02 khẩu của gia đình ông Nguyễn Thanh Vân, theo thỏa thuận giữa hai bên gia đình, ông Vân đã cho ông Bá thuê, canh tác hàng năm và trả tiền thuê đầm này cho gia đình ông Vân.

“Sổ đỏ” được bà Thương chuyển quyền cho ông Lê Bá ngày 07/01/2004.
“Sổ đỏ” được bà Thương chuyển quyền cho ông Lê Bá ngày 07/01/2004.

Có lẽ giữa gia đình bà Thương và gia đình ông Bá sẽ vẹn tròn tình nghĩa và ông Bá yên ổn canh tác cho tới khi hết thời hạn là tháng 1/2019. Nhưng từ khi Nhà nước có chủ trương phát triển cơ sở hạ tầng của Thành phố đã thực hiện thu hồi một phần diện tích gia đình ông Bá và một số bà con khác đang canh tác. QSDĐ của gia đình ông Bá và một số bà con được Nhà nước đền bù theo quy định pháp luật, lúc này xáo trộn tình người đã xảy ra.

Năm 2007, Nhà nước đã bồi thường hoa màu cho gia đình ông Bá 28.288.000 đồng trên diện tích canh tác 10.880m2, trong đó bao gồm tiền đền bù cho cả 6.800m2 gia đình ông Bá mua của gia đình bà Thương và 4.080m2 mua của bà Mười.

Đến năm 2010, Nhà nước làm tuyến đường quốc lộ 19 đã san lấp một phần đầm hồ, có dự kiến thu hồi toàn bộ diện tích đầm hồ các hộ đang canh tác (QSDĐ tới 01/2019) và đền bù tiền mặt nước, hoa màu cho bà con. Các hộ dân đã kê khai, nhận đủ tiền đền bù, chỉ có hộ ông Lê Bá bỗng dưng bị ách lại không được nhận tiền đền bù, lý do: Có tranh chấp (Gia đình bà Thương do con trai Nguyễn Kim Hùng khởi kiện ông Lê Bá mua bán sang nhượng không hợp lệ diện tích 6.800m2; vợ chồng ông Nguyễn Hữu Thành, cháu nội của bà Võ Thị Mười khởi kiện ông Lê Bá mua bán sang nhượng 4.080m2 của bà Võ Thị Mười không hợp lệ…), mặc dù cả 2 hộ trên đã ký, lăn tay, sang nhượng cho ông Lê Bá, sau đó được chính quyền cấp QSDĐ cho ông Lê Bá.

Xác nhận của chính quyền trước khi cấp QSDĐ cho ông Lê Bá.
Xác nhận của chính quyền trước khi cấp QSDĐ cho ông Lê Bá.

Nội tình việc tranh chấp này thể hiện rất rõ sự bội tín trong quan hệ xóm giềng cùng sinh sống, lập nghiệp ở vùng đầm hồ này, chỉ vì nhìn thấy đồng tiền đền bù và hối tiếc việc mua bán, sang nhượng.

Với hộ bà Thương, việc trao đổi, thỏa thuận trong dân gian khi ấy lấy chữ tín làm bằng. Tại văn bản Hợp đồng thuê đất ngày 30/6/2011, con trai bà Thương là ông Nguyễn Kim Hùng và con dâu là Nguyễn Thị Nghe đã ký cho thuê đầm hồ, tên bà Thương cũng do con dâu Nguyễn Thị Nghe ký thay. Sau đó cũng chính ông Hùng đã nhận tiền và tận tay giao “sổ đỏ” cho ông Bá đi làm thủ tục sang nhượng. Bà Thương không biết chữ lại nhờ con dâu ký tên thay cho mình, chính quyền khi ấy đã xác minh kỹ mới cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Bá. Tuy thời hạn sử dụng chỉ có 20 năm, nhưng ông Bá đã mất 5 năm vì bà Thương cho ông Ba Thái Thuê, chỉ còn sử dụng được 15 năm, giờ lại bị thu hồi trước 3 năm, chỉ canh tác được 12 năm, đã thế còn bị “om” số tiền đền bù không biết bao giờ mới được nhận. Bà Mười có đất nhưng sau khi mất, cháu nội bà thừa kế, sang nhượng cho ông Bá đã lăn tay điểm chỉ, nay cũng khởi kiện đòi lại quyền được hưởng số tiền đền bù. Khởi kiện thì Tòa xử, Tòa sơ thẩm TAND TP. Quy Nhơn đã tuyên: “Tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ xác lập ngày 01/01/2004 được chứng thực ngày 05/01/2004 giữa bà Lê Thị Thương và ông Lê Bá vô hiệu. Chấm dứt trước thời hạn hợp đồng thuê QSDĐ ngày 30/6/2001 giữa ông Nguyễn Kim Hùng và ông Lê Bá…”.

Ông Bá buồn phiền trước tình nghĩa xóm giềng thay đổi mà sinh bệnh. Con trai ông, anh Lê Dã thay cha đi kêu cứu khắp nơi. Ở đây, trước hết là sự bội tín trong xóm giềng vì số tiền đền bù, nhưng phía sau còn ẩn chứa những lý do không minh bạch mà chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập.

Quốc Trung

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đằng sau một bản án sơ thẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO