Đan Phượng - Hà Nội: Cư dân Khu đô thị Tân Tây Đô với "cuộc chiến" giành nguồn nước sạch

29/05/2019 22:38

(TN&MT) - Một điều khó hiểu là nước sạch sông Đà không được cấp thẳng về KĐT Tân Tây Đô mà lại chảy vòng qua một nhà máy do chủ đầu tư xây dựng rồi mới phân phối cho cư dân. Điều này đã gây nên cuộc mâu thuẫn gay gắt những ngày qua.

Từ nhiều năm nay, cư dân Khu đô thị Tân Tây Đô (huyện Đan Phượng, TP Hà Nội) vẫn miệt mài tranh đấu để đi tìm nguồn nước sạch sinh hoạt. Mặc dù sống ở Khu đô thị từng được giới thiệu thuộc loại kiểu mẫu của Thủ đô Hà Nội, nhưng đến nay, họ vẫn chưa có nước sạch để dùng và cuộc chiến đấu vì nước của người dân vẫn không thể kết thúc.

Mới đây, một lần nữa câu chuyện nước ở KĐT này lại nổi sóng khi họ đã được mua nước sạch sông Đà về dùng nhưng khi nước đi qua bể của chủ đầu tư thì lại biến mất không thấy đâu. Cư dân đã phải vác xô chậu lên đường tìm nước.

Chị Nguyễn Thị Thanh Nga (ở tòa chung cư HHB) kể rằng chị mua nhà về đây ở từ năm 2014. Những tưởng được hưởng 1 cuộc sống tiện nghi hiện đại ở khu đô thị kiểu mẫu Tây Hà Nội, nhưng chị Nga đã gặp quá nhiều bức xúc. Nhà thì đã lỡ mua rồi, đi không được, ở không xong. Tạm gác lại những yếu kém của công trình, chị Nga bày tỏ sự thất vọng khi nhiều năm trời gặp khó khăn về nước sạch.

61510304 464583527627430 1857129268786495488 n
Xếp hàng chờ lấy nước sạch ở Tân Tây Đô

Từ ngày gia đình chị Nga chuyển về đây ở, luôn phải sử dụng nước bẩn đục ngầu ảnh hưởng đến sức khỏe, da dẻ ngứa ngáy, mắt mũi kèm nhèm mà không hiểu lý do gì. Sau khi chung cư thành lập ban quản trị và đấu tranh tìm hiểu thì cư dân ở đây mới làm rõ được việc nhà máy nước do chủ đầu tư tự xây dựng, khoan giếng lên bán cho cư dân.

Qua kiểm tra xét nghiệm, nước ở nhà máy này cho thấy quá nhiều hóa chất độc hại không đảm bảo tiêu chuẩn sinh hoạt. Asen, Amoni vượt rất nhiều lần, cùng đó là các tạp chất. Việc này đã được các cơ quan xác nhận và báo chí thời kỳ đó cũng đã tốn không ít giấy mực.

Chủ đầu tư bán nước này cho cư dân còn đắt hơn giá nước sạch của Hà Nội nhưng không có hóa đơn chứng từ gì. Người dân cứ thế đóng tiền để sử dụng nước bẩn suốt nhiều năm.

Sau khi người dân ở Tân Tây Đô đấu tranh và có sự can thiệp của chính quyền địa phương, chủ đầu tư đã bỏ giếng khoan đi và chấp nhận đấu nối đường nước sạch sông Đà từ cách đây khoảng 7 tháng. Tuy nhiên đường nước sông Đà vẫn phải chạy về nhà máy nước cũ trước khi bơm về cho cư dân.

Trong một cuộc họp giữa chủ đầu tư với cư dân cùng cơ quan chính quyền, công ty nước sạch Tây Hà Nội, các bên thống nhất dùng thử nước sạch sông Đà thông qua hệ thống nhà máy cũ trong 3-6 tháng. Nếu lượng nước thất thoát khi qua nhà máy dưới 10% thì Công ty Tây Hà Nội sẽ đồng ý tiếp nhận cơ sở hạ tầng này và đứng ra ký hợp đồng bán nước với cư dân. Nếu không thì chủ đầu tư phải có trách nhiệm nâng cấp đường ống để đảm bảo tránh thất thoát.

Vậy nhưng đến nay đã quá 6 tháng, chủ đầu tư vẫn chưa đưa ra kết quả nào. Không những vậy, Công ty Tuấn Quỳnh còn lập ra một doanh nghiệp là Công ty HT Group để đứng ra bán nước cho cư dân. Tuy nhiên đến nay mọi việc vẫn cứ mập mở, người dân vẫn không được biết số phận dòng nước sạch ra sao.

Chỉ biết rằng, cách đây khoảng 1 tuần, cả tòa chung cư mất nước. Toàn bộ cư dân cùng ban quản trị kéo ra nhà máy nước thì được biết trong khi Công ty Tây Hà Nội vẫn cấp nước bình thường nhưng không thấy đơn vị vận hành bơm nước. Từ đó đến nay, họ nhiều lần liên hệ với chủ đầu tư thì không hề nhận được câu trả lời nào.

61264171 413909542547898 2412869002909974528 n
Miệt mài cuộc chiến giành nước sạch


Như vậy, người dân muốn ký hợp đồng mua nước với bên cung cấp nước sông Đà cũng không được mà muốn hỏi chủ đầu tư cũng không xong. Đỉnh điểm của những ngày vừa qua là người dân xếp hàng mang xô chậu đi lấy nước.

Anh Trần Đức Thiện (về Tân Tây Đô từ năm 2016) cho rằng chủ đầu tư đang cố tình làm khó cho cư dân. Họ cứ bắt nước sông Đà phải chạy về nhà máy rồi mới cung cấp cho các tòa nhà trong khi đáng lẽ họ phải đầu tư cơ sở hạ tầng để nước sông Đà chạy thẳng về bể chứa xung quanh tòa nhà rồi bơm lên. Trong khi đó, cơ sở hệ thống nhà máy nước của chủ đầu tư rất kém, bể chứa cũng có dung tích rất nhỏ. Nếu xảy ra mất nước, cư dân sẽ không có nước dự trữ.

Theo anh Thiện, các cơ quan chính quyền cần có biện pháp với chủ đầu tư ở đây, yêu cầu họ phải đầu tư hạ tầng để nước sạch sông Đà chảy thẳng về bể cư dân. Việc chủ đầu tư sử dụng nhà máy làm trung gian vận chuyển nước gây thất thoát và thiệt thòi cho người dân.

Anh Hồ Thắng (thành viên Ban quản trị tòa nhà CT2A) cho biết, đến nay ban quản trị đại diện cư dân nhiều lần liên hệ với công ty Tuấn Quỳnh (chủ đầu tư) nhưng không hề được doanh nghiệp này đưa ra lời giải thích hay cách giải quyết nào về nước sạch. Điều này khiến cư dân rất bất bình và không hiểu nổi chủ đầu tư có ý đồ gì.

Theo anh Thắng, công ty có động thái kỳ lạ là thành lập Công ty HT Group, chưa hề có năng lực quản lý về nước, đứng ra mua nước từ Tây Hà Nội vận hành đường nước ở đây. "Chúng tôi nghi ngờ về năng lực của doanh nghiệp này", anh Thắng nói.

Cũng theo anh Thắng, mới đây trong một văn bản, HT Group xác nhận lượng thất thoát nước là 18%. Điều này đồng nghĩa việc chủ đầu tư phải có trách nhiệm nâng cấp hạ tầng để bàn giao cho Công ty Tây Hà Nội chứ không thể đứng ra bán nước cho dân như hiện nay. Tuy nhiên HT Group cũng như Công ty Tuấn Quỳnh đã không làm điều này.

Anh Thắng cho rằng, sở dĩ chủ đầu tư không muốn đầu tư thêm tiền để nâng cấp hạ tầng nên dùng cách đứng ra trung gian bán nước cho cư dân. Khi đó, người dân sẽ bị khống chế quyền lợi và phải gánh chi phí cho chủ đầu tư.

Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đan Phượng - Hà Nội: Cư dân Khu đô thị Tân Tây Đô với "cuộc chiến" giành nguồn nước sạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO