Người dân bị thiệt thòi
Trên địa bàn xã Hòa Ninh (Hòa Vang) hiện có 3 loại đất chiếm phần lớn diện tích, liên quan trực tiếp đến đời sống sản xuất của người dân, gồm: đất trồng cây hàng năm, trồng cây lâu năm và đất rừng sản xuất. Tuy nhiên, cho đến hiện nay người dân chưa có bất kỳ loại giấy tờ nào mang tính pháp lý về quyền sở hữu, hay hợp đồng thuê, mượn.
Ông Lê Đức Thương - Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh cho biết: Hòa Ninh là xã miền núi, phía Tây Bắc Hòa Vang, diện tích đất nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn hơn 9000 ha, chủ yếu là đất lâm nghiệp. Từ những năm 1990, hầu hết diện tích đất là do người dân khai hoang, chứ không phải lấn chiếm trái phép, để phục vụ cho mục đích sản xuất canh tác phục vụ đời sống.
Cho đến hiện nay người dân ở xã miền núi Hòa Ninh (Hòa Vang, Đà Nẵng) chưa có bất kỳ loại giấy tờ nào mang tính pháp lý về quyền sở hữu, hay hợp đồng thuê, mượn đất lâm nghiệp |
Xã có 1.318 hộ dân, trên 90% sản xuất nông nghiệp, hầu như hộ dân nào cũng có một diện tích đất trồng cây lâu năm, hàng năm và đất rừng sản xuất và đời sống người dân cũng hoàn toàn phụ thuộc vào thu hoạch từ những diện tích đất đai này. Ông Thương hạch toán, 1 ha đất rừng sản xuất, chỉ trồng một loại cây keo, nguyên liệu giấy, với số vốn đầu tư từ 15 đến 20 triệu, sau 5 năm thu hoạch đạt từ 100 đến 160 triệu đồng.
Tính bình quân, mỗi năm người dân thu nhập từ 1 ha đất rừng sản xuất này 20 đến 30 triệu đồng, hiệu quả nhìn thấy rõ ràng từ mảnh đất này mà nếu không trồng rừng thì cũng chỉ để hoang hóa. Tuy nhiên, trước thực trạng không có bất cứ một loại giấy tờ sở hữu mang tính pháp lý nào, người dân không yên tâm đầu tư phát triển sản xuất. Không tạo ra được các nguồn vốn để đầu tư sản xuất, không hoạch định, không mạnh dạn đầu tư, hoặc đầu tư không đúng mục đích sản xuất.
Cam go quản lý đất rừng
Trong những năm qua, công tác quản lý đất lâm nghiệp của chính quyền và ngành chức năng thực sự gặp nhiều khó khăn.Như tại xã Hòa Ninh, hiện chỉ có bản đồ hiện trạng đất đai chung toàn xã, còn lại không có sơ đồ, không có tọa độ, không bờ thửa đối với diện tích đất đai của từng hộ người dân. Chính quyền và ngành chức năng không biết quản lý đất đai theo cách nào, người dân chuyển nhượng trái phép cũng không biết.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Tâm - Trưởng Công an xã Hòa Ninh cho biết, từ việc không có giấy tờ đất đai, không có sơ đồ thực địa đối với diện tích đất của từng hộ dân, việc người dân lấn chiếm đất sản xuất của nhau, chặt cây rừng trồng “nhầm” diện tích của nhau dẫn đến tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện xảy ra thường xuyên, gây mất ANTT.
Điều đáng nói, mỗi khi có tranh chấp, khiếu kiện, người dân có gửi đơn đến tòa án nhưng Tòa cũng đành “bó tay” vì không có hồ sơ, giấy tờ đất đai mang tính pháp lý. Theo ông Tâm, cách giải quyết duy nhất là UBND xã, CA, các Ban ngành đoàn thể mời người dân đến để làm công tác hòa giải. Cách giải quyết này chỉ nhất thời mang tính ổn thỏa “tại chỗ”, nhưng đằng sau đó, tiềm ẩn tranh chấp, khiếu kiện vẫn còn, mâu thuẫn vẫn âm ỉ.
Hiện xã Hòa Ninh không có sơ đồ, không có tọa độ, không bờ thửa đối với diện tích đất đai của từng hộ người dân. Chính quyền và ngành chức năng không biết quản lý đất đai theo cách nào |
“Trung bình năm nào ở Hòa Ninh cũng xảy ra từ 8-10 vụ tranh chấp, khiếu kiện đất đai giữa các hộ dân với nhau, riêng trong 6 tháng đầu năm 2016, đã xảy ra 9 vụ. Từ bất cập công tác quản lý đất đai, công tác phòng cháy chữa cháy cũng gặp khó khăn, công tác quản lý bảo vệ rừng cũng không thể chặt chẽ” - ông Tâm cho biết.
Người dân khó khăn trong phát triển sản xuất, chính quyền khó khăn trong quản lý đất đai, trong chương trình mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội hiện nay, như ở Hòa Ninh mà nội lực chủ yếu dựa vào phát triển nông nghiệp, chính quyền và các ban ngành cũng rất băn khoăn, trăn trở trong việc quy hoạch, xây dựng mô hình làm sao cho đúng thế mạnh, bền vững và có hiệu quả. Thực trạng trên đây không chỉ ở Hòa Ninh mà cũng là thực trạng chung của các xã miền núi Hòa Vang như Hòa Bắc, Hòa Liên, Hòa Phú.
Ông Lê Văn Thương - Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh cho biết thêm: Từ tháng 8/2015, UBND xã Hòa Ninh đã xây dựng lại phương án “giao đất, cho thuê rừng, giao đất lâm nghiệp trên địa bàn xã”, nhưng từ đó đến nay, phương án vẫn “án binh bất động”, mà mỗi lần “xây dựng phương án” đều phải thuê đơn vị có chức năng tư vấn, nếu năm nào cũng “xây dựng phương án” thì lấy kinh phí đâu mà thuê.
Bài & ảnh: Xuân Lam