Theo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông, bà Phan Thị Dung (56 tuổi, ngụ huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) mở công ty kinh doanh thu mua nông sản và bán hạt tiêu cho các đối tác với tỷ lệ tạp chất cho phép từ 1 - 2%.
Tuy nhiên, bà Phan Thị Dung mua tiêu từ người dân có tỷ lệ tạp chất thấp hơn mức cho phép nên bà Dung đã liên hệ với bà Lê Thị Hồng Thơ (39 tuổi, ngụ huyện Đắk Song, Đắk Nông), tìm mua tạp chất để trộn vào tiêu, bán kiếm lời.
Từ cuối năm 2015 đến tháng 4/2018, bà Thơ đã nhiều lần đặt hàng bà Nguyễn Thị Thanh Loan (43 tuổi, trú thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đăk R’lấp, chủ cơ sở ) và ông Nguyễn Xuân Bảo (33 tuổi, trú tại xã Nghĩa Thắng, huyện Đăk R’lấp, chung sống như vợ chồng với bà Loan).
Theo kết quả điều tra của Công an tỉnh Đắk Nông, trong 03 năm hoạt động, cơ sở của vợ chồng bà Loan đã xuất bán 15 - 20 xe, mỗi xe có khoảng 15 - 20 tấn hỗn hợp trên với giá bán 9.000 -12.000 đồng mỗi kg. Hỗn hợp được chở đến Bình Phước, bà Thơ được hưởng chênh lệch 1.000 - 3.000 đồng mỗi kg.
Qua công tác nghiệp vụ, Cơ quan Công an tỉnh Đắk Nông đã phát hiện dấu hiệu bất thường ở cơ sở của vợ chồng bà Loan vào giữa tháng 4/2018. Sau đó khoảng 01 tuần, Công an tỉnh Đắk Nông đã tiến hành kiểm tra kho hàng và cơ sở kinh doanh của bà Dung tại Bình Phước và thu giữ 09 tấn hỗn hợp tiêu đã trộn tạp chất có chứa than pin.
Theo kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an), tiêu xô chứa tới 18,34% tạp chất, hóa chất độc hại, gồm: bột pin chứa mangan dioxit, kẽm clorua, amoni clorua… là các chất bị cấm trong sản xuất, chế biến thực phẩm.
Hiện, cơ quan chức năng tỉnh Đăk Nông đang hoàn tất các thủ tục để truy tố, xét xử đối với Nguyễn Thị Thanh Loan, Nguyễn Xuân Bảo, Phan Thị Dung, Lê Thị Hồng Thơ, Trần Văn Tuấn (42 tuổi, tài xế chở hàng của bà Loan) về hành vi “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm” theo Điều 317 Bộ Luật Hình sự năm 2015. Khung hình phạt áp dụng cho các bị can này là từ 7 - 15 năm tù.