Trồng thử nghiệm trước khi triển khai trồng đại trà
Theo chân của một cán bộ - Khu Bảo tồn Thiên nhiên (BTTN) Tà Đùng (xã Đắk Som, Đắk Glong), chúng tôi vượt hơn 60km từ trung tâm thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) đến Khu BTTN Tà Đùng với khung cảnh hết sức hoang sơ và dịu mát. Hình ảnh đầu tiên đập vào mặt chúng tôi là một vùng cây lớn dập dềnh trên khoảng mặt nước cạnh bến thuyền. Các cây này nhìn khá lạ mắt, được trồng thẳng tắp và hiện đã cao khoảng 1,5m - 2m.
Thấy chúng tôi ngạc nhiên, ông Nguyễn Viết Ngọc, Phó Giám đốc Khu BTTN Tà Đùng, cho biết đó là cây gáo vàng. Loài cây này có khả năng chịu úng và phát triển tốt ở các vùng đất bán ngập ven hồ, đã được thử nghiệm trồng từ năm 2011 tại Bình Phước. Cây này có đặc điểm chịu được ngập nước trong thời gian dài; có khả năng phòng hộ cao khi bảo vệ, chống xói lở cho bờ hồ, ngăn ngừa quá trình xói mòn, rửa trôi đất xuống lòng hồ. Nhờ diện tích mặt nước rất lớn (trên 3.600 ha), Khu BTTN Tà Đùng có rất nhiều lợi thế để thử nghiệm, phát triển mô hình này. Từ năm 2016, đơn vị đã bắt đầu triển khai trồng cây gáo vàng tại các diện tích bán ngập trên lòng hồ thủy điện Đồng Nai.
Theo ông Nguyễn Viết Ngọc, cây gáo vàng được đơn vị trồng vào thời điểm cuối mùa khô, đầu mùa mưa hàng năm (khoảng từ tháng 3 đến tháng 6 hàng năm). Cây này được trồng thuần loài với khoảng cách 3m x 3m. Sau khi đào hố (kích thước 0,5m x 0,5m x 0,5m), đơn vị tiến hành bón lót cho mỗi hố khoảng 100g phân NPK. Cây giống được trồng phải lựa chọn kỹ càng với tuổi đời từ 10 - 12 tháng, cao từ 0,8m và đường kính của rễ phải lớn hơn 0,5cm. Trong quá trình chăm sóc, hễ nước cạn là đơn vị tiến hành phát thực bì, vun gốc (với đường kính từ 0,6 - 0,8m) và bón phân cho cây.
Sau 2 năm triển khai, đến thời điểm hiện tại, Khu BTTN Tà Đùng đã trồng được hơn 291ha rừng bán ngập, tập trung nhiều tại các Tiểu khu 1803, 1809, 1810, 1813… Qua theo dõi của đơn vị, cây gáo vàng có khả năng chịu ngập từ sau thời điểm trồng từ 1 - 2 tháng. Cây này có thể chịu ngập từ 5 - 6 tháng và sinh trưởng mạnh chỉ sau vài ngày nước rút. Do tỷ lệ cây sống phụ thuộc rất lớn vào tình trạng phá hoài của động vật (chuột, mối) nên đơn vị đã chủ động dùng nhiều biện pháp phòng, diệt để làm giảm thiểu tình trạng cây phá hoại. Kết quả nghiệm thu cơ sở mới đây của Khu BTTN Tà Đùng cho thấy kết quả đặc biệt khả quan về rừng bán ngập. Ngoài những diện tích mới trồng trong năm 2017 chưa nghiệm thể nghiệm thu, tỷ lệ cây gáo vàng được trồng trong năm 2016 sinh trưởng, phát triển tốt đạt 100%.
Quá trình phát triển rừng bán ngập vẫn còn gặp một số khó khăn
Tuy nhiên, việc phát triển rừng bán ngập ở Khu BTTN Tà Đùng cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc do phụ thuộc vào thời tiết và kế hoạch điều tiết nước của Công trình lòng hồ thủy điện Đồng Nai. Do thời gian trồng, chăm sóc có sự thay đổi liên tục để phù hợp với tình hình thực tiễn nên đơn vị gặp khó khăn trong công tác nghiệm thu và thanh toán vốn kế hoạch trồng rừng của năm. Hơn nữa, chi phí mua giống, trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng cao hơn nhiều so với công tác trồng rừng thông thường (chi phí trồng, chăm sóc rừng trong 4 năm là 90 triệu đồng/ha). Vì vậy, Khu BTTN Tà Đùng cũng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét điều chỉnh kinh phí trồng rừng phù hợp với đặc thù của công tác trồng rừng trên diện tích bán ngập.
Cũng từ năm 2016 tới nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Đắk Nông (Sở NN&PTNT Đắk Nông) cũng đã tiến hành trồng thử nghiệm cây gáo vàng tại vùng bán ngập lòng hồ thủy điện Đắk R’tih. Sau 2 năm triển khai, đơn vị đã trồng được hơn 160 ha gáo vàng trong lòng hồ thủy điện Đắk R’tih, thuộc địa phận thị xã Gia Nghĩa, huyện Đắk R’lấp và huyện Đắk Song. Qua đánh giá của đơn vị, hiện toàn bộ diện tích này đều đang sinh trưởng, phát triển với tỷ lệ sống đạt trên 85%.
Những năm gần đây, công tác triển khai trồng rừng thay thế tại tỉnh Đắk Nông thường không đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Nguyên nhân chính là do nhiều diện tích quy hoạch trồng rừng đã và đang bị người dân lấn chiếm, tranh chấp. Trong điều kiện “quỹ đất sạch” trồng rừng hạn chế, việc triển khai trồng rừng bán ngập ở các lòng hồ thủy điện không chỉ giúp tháo gỡ bài toán chỉ tiêu trồng rừng hàng năm mà còn là một giải pháp để tăng diện tích rừng của địa phương trong thời gian tới.