Đắk Nông: Nỗ lực chống dịch, phát triển kinh tế song song với bảo vệ môi trường

Phạm Hoài| 16/06/2021 16:39

(TN&MT) - Trước tình hình dịch bệnh Covid -19 diễn biến ngày một phức tạp và khó lường đang ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển kinh tế chung của cả nước. Tại Đắk Nông, ngoài nhiệm vụ phòng chống dịch đang được các ngành chức năng đồng bộ nhiều giải pháp thì nhiệm vụ phát triển kinh tế cũng đang được các cấp, ngành địa phương của tỉnh chú trọng thực hiện theo đúng chủ trương của Chính phủ thực hiện “mục tiêu kép”.

Lực lượng chức năng tỉnh Đắk Nông chủ động công tác kiểm tra, phòng dịch tại tuyến quốc lộ 14

Đặt mục tiêu chống dịch lên hàng đầu

Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông chưa phát hiện ca bệnh nào dương tính với Covid -19. Đây được xem là thành công rất lớn trong công tác phòng chống dịch từ giai đoạn mới phát hiện dịch bệnh đến nay. Hiện tại, ngoài công tác thực hiện cách ly, truy vết những người đi từ vùng dịch về thì việc chủ động kiểm tra, đôn đốc cũng như tăng cường công tác vận động những gia đình có người đi từ các tỉnh, thành khác về nhanh chóng thực hiện khai báo ý tế nhằm hạn chế tối đa mức độ nguy hiểm của dịch bệnh. 

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đắk Nông cũng đã ban hành nhiều văn bản, công văn cho các địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể trong công tác chống dịch, “xem việc chống dịch như chống giặc”. Cụ thể, tại công văn số 2810/UBND-KGVX, yêu cầu các sở, ban, ngành, các hội đoàn thể cấp tỉnh, các đơn vị lực lượng vũ trang cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố tiếp tục đề cao trách nhiệm người đứng đầu, phân công nhiệm vụ cụ thể, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong phòng, chống dịch Covid-19.

Cán bộ, công chức phải gương mẫu, đi đầu, nêu gương trong thực hiện; cấp trên phải nêu gương cho cấp dưới, chức vụ càng cao, càng phải gương mẫu, thực hiện tốt 5K, nhất là việc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà.Từng sở, ban ngành, địa phương phải xây dựng kế hoạch, phương án, kịch bản phòng, chống dịch cụ thể, chủ động, chặt chẽ, phù hợp thực tiễn tình hình theo từng cấp độ dịch và sẵn sàng ứng phó hiệu quả mọi tình huống theo nguyên tắc 4 tại chỗ.

Song song với công tác chống dịch thì việc tỉnh Đắk Nông cũng chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, nhất là việc xử lý chất thải y tế phát sinh trong quá trình phòng chống dịch Covid -19. Cụ thể, trong những tháng gần đây trên địa bàn thành phố Gia Nghĩa xuất hiện khá nhiều khẩu trang y tế nằm “lăn lóc” tại nhiều tuyến đường, hay những khu công cộng. Cùng với tác động của gió và luồng di chuyển của các phương tiện giao thông, những chiếc khẩu trang này dạt vào lề đường và miệng cống thoát nước, thậm chí bám vào cây cỏ tạo thành thứ rác thải nguy hại.

Chị Tạ Thị Thu, một nhân viên vệ sinh môi trường tỉnh Đắk Nông chia sẻ, gần 1 tháng qua, ngày nào chị cũng chứng kiến và trực tiếp thu gom hàng loạt chiếc khẩu trang y tế vứt bữa bãi dọc các tuyến đường hay khu công cộng. Không như những rác thải thông thường khác, khẩu trang y tế làm chị có cảm giác e ngại vì trong bối cảnh hiện nay tình hình dịch bệnh covid-19 đang bùng phát mạnh, nguy cơ lây lan không chỉ dịch bệnh covid-19 mà nhiều bệnh truyền nhiễm khác rất dễ xảy ra.

Theo Sở y tế tỉnh Đắk Nông, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và khó lường thì người dân sử dụng khẩu trang để phòng đang được quán triệt rất chặt chẽ. Tuy nhiên, có nhiều người ý thức chưa cao đã tự ý vứt khẩu trang không đúng quy định đã ảnh hưởng rất lớn đến mỹ quan cũng như nguy cơ ô nhiễm môi trường rất cáo. 

Trước thực tế đó, đã chỉ đạo cho các đơn vị truyền thông của tỉnh tích cực tuyên truyền vận động người dân cần năng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường, nhất là sau khi dùng phải vứt bỏ trang vào đúng nới quy định, thùng rác công cộng hoặc đưa đến nới tập kết rác thải để xử lý theo đúng quy định. 

Theo Cục Quản lý Môi trường y tế - Bộ Y tế, về lý thuyết khẩu trang của người bệnh là chất thải nguy hại, phải xử lý theo quy trình của chất thải nguy hại, khẩu trang người khác là chất thải thông thường. Khi chưa có ca bệnh, chưa cần phải xử lý tất cả khẩu trang y tế trong cộng đồng theo cách xử lý chất thải nguy hại mà khuyến cáo người dân sau khi sử dụng khẩu trang thì cần cho vào túi nilon cột kín trước khi thải bỏ. Tuy nhiên, nếu trường hợp dịch bệnh đang ở mức độ nghiêm trọng, vấn đề xử lý khẩu trang thải bỏ sẽ được xử lý theo dạng chất thải nguy hại.

Các thương lái trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang thu mua bơ trên địa bàn

Đồng hành thực hiện “mục tiêu kép”

Thực hiện theo chủ trương của Chính phủ, vừa phòng, chống dịch có hiệu quả nhưng cũng phải phát triển kinh tế - xã hội hay còn gọi là “mục tiêu kép”. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Đắk Nông cũng đang nổ lực xây dựng và tiếp tục thực hiện phát triển kinh tế hiệu quả với kết quả tháng sau cao hơn tháng trước. 

Theo Sở công thương tỉnh Đắk Nông, mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng hoạt động xuất khẩu của Đắk Nông trong tháng 5/2021 tiếp tục tăng trưởng cao, đạt hơn 32,7% so với tháng trước. Kim ngạch xuất khẩu trong tháng 5/2021 của toàn tỉnh đạt 94,5 triệu USD, tăng 47,9% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm lên 352,5 triệu USD.

Hầu hết các mặt hàng trong kim ngạch xuất khẩu 5 tháng qua đều tăng trưởng khá. Trong đó, điều nhân (tăng 98,4%); cà phê (tăng 36,4%); gỗ và các sản phẩm gỗ (tăng 36,4%)...

Theo báo cáo của ngành thuế tỉnh Đắk Nông, trong tháng 5, Đắk Nông thu ngân sách Nhà nước được hơn 174 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa thực hiện 160,4 tỷ đồng; thu thuế xuất nhập khẩu do cơ quan Hải quan thực hiện 13,4 tỷ đồng; số còn lại thu từ các nguồn huy động đóng góp. Với kết quả này, đã nâng tổng số thu ngân sách trong 5 tháng đầu năm 2021 trên địa bàn tỉnh đạt được 1.187 tỷ đồng, bằng 43% dự toán được giao.

Liên quan đến công tác thu ngân sách, theo ông Trần Xuân Hải, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách UBND tỉnh yêu cầu, UBND các huyện, thành phố, Cục Thuế tỉnh tập trung thu từ những tháng đầu, quý đầu, tránh tình trạng để dồn số thu đến cuối năm. Những lĩnh vực dự kiến thu vượt kế hoạch, các cấp, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ thu. Đối với những sắc thuế dự báo khó khăn, ngành Thuế có giải pháp để triển khai quyết liệt, nhằm hoàn thành và vượt dự toán vào cuối năm 2021.

Bên cạnh đó, để đảm bảo cho người nông dân có mặt hàng nông sản được tiêu thụ ổn định trong giai đoạn dịch bệnh đang hoành hành, Sở Công thương có văn bản đề nghị Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) hỗ trợ xúc tiến thương mại tiêu thụ cho 32 sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Các sản phẩm nông sản của tỉnh được đề xuất hỗ trợ bao gồm: bơ, sầu riêng, măng cụt, xoài, mắc ca, sachi, cà phê, điều, hồ tiêu, gạo… Đây là những nông sản có sản lượng lớn của địa phương, nhưng đang gặp khó khăn về khâu tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Đơn vị đề xuất đưa các nông sản vào những kênh phân phối chính như: Siêu thị, tiểu thương tại chợ, chuỗi cửa hàng thực phẩm, cửa hàng OCOP, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, bếp ăn tập thể…Các mặt hàng được đề xuất có đầy đủ thông tin về sản lượng, thời gian thu hoạch, thị trường hướng đến các chứng nhận về chất lượng liên quan…

Hoạt động này góp phần đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân tại địa phương trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Nông: Nỗ lực chống dịch, phát triển kinh tế song song với bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO