Dân bức xúc vì mùi hôi
Qua khảo sát thực tế cũng như phản ánh từ người dân địa phương về vấn nạn nuôi heo gây ô nhiễm môi trường ở nhiều địa phương, chúng tôi nhận thấy, hầu hết các trang trại nuôi heo trên địa bàn tỉnh Đắk Nông vẫn chưa chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường cũng như xử lý mùi hôi trong quá trình chăn nuôi heo gây ra.
Điển hình, tại trang trại chăn nuôi Linh Chung (thôn Quảng Hòa, xã Nghĩa Thắng, huyện Đắk R’Lấp) hoạt động chăn nuôi heo cả chục năm nay với quy mô trên 360 con. Theo những hộ dân sống gần trang trại này, nước thải từ trang trại chưa qua xử lý chảy thẳng ra ngoài môi trường, khiến ruộng lúa người dân không thể canh tác. Đặc biệt, mùi hôi thối từ trang trại “tra tấn” người dân suốt một thời gian dài.
“Trang trại chăn nuôi nằm trong khu đông dân cư nên hàng chục hộ gia đình ở khu vực này cả ngày lẫn đêm đều bị mùi hôi thối tra tấn. Mặt khác, nguồn nước ở đây khi người dân múc lên cũng đã có mùi hôi nên không thể sử dụng. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, người dân chúng tôi phải đi qua thôn khác để lấy nước về dùng” - một người dân bức xúc nói.
Chưa chấp hành quy định
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Đắk Nông, tính đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh có trên 100 cơ sở chăn nuôi heo với quy mô từ vài chục đến vài nghìn con, nhưng chỉ khoảng 70% cơ sở đáp ứng đúng các yêu cầu theo quy định về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, có hàng chục điểm nuôi heo của hộ cá nhân không khai báo, không đăng ký.
Theo lãnh đạo Chi cục Bảo vệ Môi trường - Sở TN&MT Đắk Nông, phần lớn các cở sở chăn nuôi trên địa bàn các huyện, thị chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về bảo vệ môi trường được quy định tại Nghị định 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 và Thông tư số 27/2015/TT-BTN&MT về quy hoạch môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường.
Điển hình như tại huyện Đắk R’Lấp, có 28 trang trại chăn nuôi từ 200 - 2.500 con, trong đó chỉ có 15 trang trại phù hợp với quy hoạch phát triển chăn nuôi. Các cơ sở còn lại chưa có hồ sơ về bảo vệ môi trường theo quy định. Hay tại thị xã Gia Nghĩa, có 09 đơn vị được đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi với quy mô từ 60 - 2.900 con, trong đó chỉ có 04 trang trại phù hợp với quy hoạch phát triển chăn nuôi.
Đề xuất biện pháp xử lý
Theo đại diện lãnh đạo Sở TN&MT Đắk Nông, mặc dù, tình trạng gây ô nhiễm môi trường từ các trang trại chăn nuôi heo trên địa bàn gây ra từ lâu nay và đã được người dân phản ánh, nhưng đến nay, các cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Nông vẫn chưa có biện pháp nào để xử lý triệt để vấn đề này bởi do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau.
Cụ thể, khi giá heo thịt tăng thì người chăn nuôi vì lợi nhuận không quan tâm đến vấn đề môi trường nên ồ ạt mở rộng chuồng trại, tăng đàn. Ngoài ra, công tác thẩm định, rà soát quy hoạch hay công tác kiểm tra thực tế về quá trình xây dựng vẫn chưa đồng nhất giữa các cơ quan vì đa phần hệ thống trang trại trên địa bàn còn nhỏ lẻ, tự phát khá nhiều.
Theo ông Ngô Chí Trung - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Đắk Nông, thời gian tới, để hạn chế tối đa tình trạng gây ô nhiễm môi trường từ các trang trại heo gây ra, đề nghị Sở NN&PTNT phối hợp với các đơn vị rà soát quy hoạch phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh và quy định cụ thể trong quy hoạch; đề nghị Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị tăng cường kiểm tra việc các trang trại đã đi vào hoạt động nhưng chưa cấp giấy phép xây dựng.
Cùng với đó, đề nghị các huyện, thị xã thẩm định chặt chẽ hồ sơ môi trường của các trang trại chăn nuôi heo trước khi xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường. Riêng Sở TN&MT Đắk Nông sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý những trường hợp vi phạm quy định về bảo vệ môi trường. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh Đắk Nông đưa ra những giải pháp mang tính bền vững trong thời gian tới.