Thời gian qua, các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông đã có những động thái quyết liệt xử lý các vụ khai thác cát trái phép trên sông Krông Nô |
Giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác
Theo kết quả đánh giá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2015-2020, các nguồn lực tài nguyên từng bước được quản lý chặt chẽ, khai thác và sử dụng có hiệu quả hơn, nhất là đất đai, khoáng sản. Theo ông Trần Đăng Ánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô (Đắk Nông), để ngăn chặn tối đa tình trạng khai thác cát làm sạt lở bờ sông và thất thoát tài nguyên, UBND huyện đã chỉ đạo cho các xã có địa giới hành chính nằm sát với lòng sông Krông Nô đẩy mạnh công tác giám sát, phối hợp với người dân để nắm bắt tình hình hoạt động của các tàu hút cát sai quy định.
Ngoài ra, UBND huyện Krông Nô cũng đã phối hợp với các lực lượng như: Công an huyện, Cảnh sát giao thông đường thuỷ cùng tuần tra, kiểm soát trấn áp các tàu hoạt động khai thác cát vi phạm quy định của Nhà nước. “Sau khi được UBND tỉnh Đắk Nông bàn giao một chiếc ca nô trị giá 900 triệu đồng, UBND huyện Krông Nô thường xuyên thực hiện công tác tuần tra dọc tuyến sông. Nhờ đó, tình trạng hoạt động khai thác trái phép đã giảm đáng kể” - ông Trần Đăng Ánh chia sẻ thêm.
Các cơ quan của tỉnh Đắk Nông vào kiểm tra, xử lý một mỏ đá khai thác trái phép tại xã Nhân Đạo, huyện Đắk R'Lấp, tỉnh Đắk Nông |
Theo đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông, trong thời gian qua, tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo các địa phương khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với cơ chế thị trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư, giảm thiểu khiếu kiện liên quan đến thu hồi đất.
Đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định về thu hồi đất đối với các dự án triển khai chậm tiến độ, sử dụng đất sai mục đích, vi phạm pháp luật về đất đai; tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác hoàn thổ sau khai thác bô xít; nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm thực hiện thuê đất và hoàn trả sau khi hoàn thành việc khai thác; quản lý, sử dụng diện tích đất đã được hoàn thổ.
Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế
Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông trữ lượng đá cây dạng cột, trụ được phân bố khá rộng rãi |
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Lê Trọng Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết: Song song với công tác giám sát chặt chẽ quá trình khai thác tài nguyên và khoáng sản thì trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý và khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên đất đai, khoáng sản, tài nguyên rừng, tài nguyên nước; không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Nông sẽ bảo vệ tuyệt đối diện tích rừng hiện có, nâng cao tỉ lệ che phủ rừng. xây dựng phương án quản lý rừng bền vững theo hướng vừa khai thác hợp lý tài nguyên, phát huy được giá trị kinh tế của rừng, vừa đảm bảo chức năng phòng hộ và bảo tồn đa dạng sinh học; đẩy mạnh việc trồng rừng bán ngập ven bờ các hồ thủy điện, thủy lợi nhằm tăng diện tích rừng, tạo cảnh quan, sinh thái cho đô thị và du lịch.
Quá trình khai thác của các mỏ đá có sự quản lý của các cơ quan chức năng |
Ngoài ra, tỉnh Đắk Nông sẽ kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng, chuyển đổi mục đích sử dụng, đặc biệt là đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đất tại các doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn, cổ phần hóa; xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích, cho thuê, cho mượn, giao khoán đất trái phát luật tại các công ty nông, lâm nghiệp Nhà nước và các dự án nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Đắk Nông cũng sẽ nghiêm cấm việc chuyển đổi mục đích đất quốc phòng, an ninh sang mục đích khác; trường hợp đặc biệt phải được cấp có thẩm quyền cho phép; khẩn trương thể chế hóa, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch hành động Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng, chống thiên tai; bảo vệ môi trường; thường xuyên cập nhật, hoàn thiện kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.