Xã hội

Đắk Nông: Chủ động ứng phó trước thiên tai

Phạm Hoài 04/06/2024 - 08:34

(TN&MT) - Tính đến thời điểm này, ở các tỉnh Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn đầu mùa mưa. Riêng tại địa bàn tỉnh Đắk Nông xuất hiện liên tiếp các đợt mưa lớn và có thời gian kéo dài nguy cơ gây nên sụt lún, sạt lở là rất cao.

Trước tình hình đó, mới đây, ông Lê Trọng Yên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo các địa phương cần chủ động và có phương án cụ thể để hạn chế thấp nhất các thiệt hại có thể xảy ra do thiên tai.

11.jpg
Năm 2023 mưa lớn ngập lớn ở một số địa phương tỉnh Đắk Nông

Cần sớm đưa thông tin cảnh báo đến người dân

Theo báo cáo UBND tỉnh Đắk Nông, Năm 2023 toàn tỉnh xảy ra 12 đợt mưa lũ, giông, lốc, gây thiệt hại lớn đối với hạ tầng thủy lợi, giao thông, nhà ở của người dân. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra ở Đắk Nông ước trên 1.000 tỷ đồng. Đây là con số thiệt hại rất lớn đối với tỉnh nghèo như Đắk Nông. Trong đó, điển hình vào hồi cuối tháng 7, đầu tháng 8/2023, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Nông liên tiếp đón những cơn mưa lớn, kéo dài suốt nhiều giờ đồng hồ, gây ngập lụt trên diện rộng.

Trong 2 ngày 30 và 31/7, nhiều nơi trong tỉnh ghi nhận mưa lớn kỷ lục, lượng mưa dao động trên dưới 150mm, có nơi 200mm. Đây được coi là đợt mưa lũ kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây tại Đắk Nông. Tại TP Gia Nghĩa, mưa lớn kéo dài khiến 45 hộ dân bị ngập nặng, phải di dời khẩn cấp. Ông Đỗ Tấn Sương, Chủ tịch UBND TP Gia Nghĩa cho biết, hơn 28 năm, đây là lần đầu tiên thành phố xảy ra mưa lớn kéo dài. Trước tình hình trên, các lực lượng chức năng, đội xung kích nhanh chóng hỗ trợ người dân sơ tán đến nơi an toàn.

Chưa hết, tuyến đường Hồ Chí Minh (QL14 cũ) đoạn qua phường Nghĩa Thành (TP Gia Nghĩa) cũng bị sụt lún, nứt toác ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc lưu thông. Đến nay, địa phương này đang lên phương án sửa chữa, khắc phục. Những tháng đầu năm 2024, hạn hán cũng đã gây ra nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của người dân Đắk Nông.

Theo ông Nguyễn Ngọc Bình, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đắk Nông, địa phương cần phát huy hơn nữa việc truyền thông nhanh chóng đến từng hộ dân về thiên tai. Các bản tin cảnh báo nguy hiểm cần được thông tin rộng rãi, kịp thời để người dân nắm bắt, chủ động biện pháp bảo vệ tính mạng, tài sản.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Vĩnh Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức cho biết, những thời điểm có tính khẩn cấp thì cơ quan chức năng cần sự linh hoạt trong hướng dẫn, hỗ trợ chính quyền địa phương, người dân các biện pháp ứng phó với thiên tai...

22.jpg
Tuyến đường quốc lộ 14 đoạn qua thành phố Gia Nghĩa bị hư hỏng nghiêm trọng do mưa lớn kéo dài

Phải vào cuộc cả hệ thống chính trị

Theo ông Lê Trọng Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, những năm qua, công tác phỏng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở Đắk Nông còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại. Phương châm "4 tại chỗ" một số nơi còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao.

“Thiên tai ngày càng phức tạp, phải có sự vào cuộc nhanh chóng, hiệu quả của cả hệ thống chính trị. Trong đó, các cấp, ngành, địa phương cần vào cuộc quyết liệt khắc phục những hạn chế. Các sở, ngành, địa phương tăng tính chủ động phối hợp thực hiện, nâng cao hiệu quả quản lý, khắc phục hậu quả thiên tai”, ông Yên chỉ đạo.

Ngoài ra, các phương tiện truyền thông của địa phương cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng. Các cấp, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị cần làm tốt phương châm "4 tại chỗ" trong phòng chống thiên tai một cách thực chất. Toàn tỉnh không để xảy ra bị động, bất ngờ vì thiên tai, không chủ quan, chuẩn bị chưa đến nơi đến chốn, lúng túng trong ứng phó với thiên tai...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Nông: Chủ động ứng phó trước thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO