Đó là hậu quả của những đợt “thanh trừng” không thương tiếc của con người. Một trong những thủ đoạn mang tính triệt tiêu là dùng hoá chất đổ trực tiếp vào những lỗ đã khoan sẵn trên thân cây thông. Chính hành động này đã làm cho hàng ngàn cây thông đã tồn tại từ 25 - 30 năm, có đường kính khoảng 40 - 50cm không còn cơ hội để đâm chồi, nảy lộc thêm bất cứ lần nào.
Hàng ngàn cây thông dọc tuyến quốc lộ 28 bị đầu độc bằng hoá chất dẫn đến chết khô |
Thông tàn - nhà hiện
Trong cái nắng gay gắt cộng với những làn gió xiết mạnh như tăng thêm độ nóng rát của thời tiết mùa khô ở Tây Nguyên. Trong vai người đi mua đất, tôi được giới buôn bán bất động sản trong khu vực giới thiệu một vài người có nhu cầu bán. Điều đáng nói, đa phần diện tích đất bán dọc quốc lộ 28, tiếp giáp rừng thông đều chưa có đầy đủ giấy tờ pháp lý cụ thể. Thậm chí có người thú nhận đến nay vẫn chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà chỉ mua bán bằng giấy viết tay với nhau.
Tiếp giáp với những lô đất được rao bán là những ngôi nhà được xây dựng khá kiên cố, kế đó có nhiều ngôi nhà mới xây dựng xong hoặc nhà tôn được dựng tạm. Đáng chú ý, đan xen giữa những ngôi nhà này vẫn còn lác đác một vài cây thông sống vật vờ hoặc đã chết khô chỉ cần một trận mưa kèm gió là đổ ngã bất cứ lúc nào.
“Trước đây, khoảng 7 - 8 năm gì đó, tôi hay đi lại khu vực này thấy thông nằm sát nhau dày đặc, cây nào lá cũng xanh, lúc đó chưa có nhà cửa như bây giờ. Thế mà khoảng 3 năm trở lại đây thông chết sạch đâu hết, số còn lại thì lá khô queo, còn thân khô mục hết” - anh Nguyễn Tiến Hùng, thường xuyên đi qua tuyến đường này chia sẻ.
Sau khi đầu đọc chết, các đối tượng châm lửa đốt cháy thông để chiếm đất |
Hơn 100ha rừng thông bị xoá sổ
Theo ông Đinh Văn Nam, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn (Công ty Lâm nghiệp Quảng Sơn), tháng 1/2016, UBND tỉnh Đắk Nông giao gần 160ha rừng thông phòng hộ, cảnh quan ven Quốc lộ 28 cho Công ty TNHH Nguyên Vũ (Công ty Nguyên Vũ) để thực hiện dự án kinh doanh rừng và đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp.
Tuy nhiên, do quản lý lỏng lẻo để mất rừng thông, nhiều diện tích đất bị xâm chiếm trái phép. Cụ thể, chỉ trong vòng 18 tháng kể từ thời điểm được giao phía Công ty Nguyên Vũ đã để mất gần 35ha rừng thông, tương đương với 22% tổng diện tích rừng thông Công ty này được giao.
Do đó, ngày 21/12/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đã ký Quyết định thu hồi dự án của Công ty Nguyên Vũ và bàn giao toàn bộ diện tích cho Công ty Lâm nghiệp Quảng Sơn. Tuy nhiên, mãi đến tháng 7/2019, công tác thu hồi, bàn giao mới được tiến hành do tại thời điểm đó phía lãnh đạo Công ty Lâm nghiệp Quảng Sơn không đồng ý tiếp nhận.
Nằm xen giữa các những cây thông đã bị đầu đọc xuất hiện một vài căn nhà tạm |
Cũng theo ông Nam, tính đến thời điểm này, diện tích thông còn sống chỉ còn gần 54ha. Phần còn lại (hơn 100ha) là rừng thông bị chết, đất trồng cây công nghiệp, nông nghiệp, đất trống… Trong khi đó, tại Kết luận Thanh tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Nông (số 974/KL-SNN, ngày 11/5/2018), tổng diện tích đất mà các ngành chức năng bàn giao cho Công ty Nguyên Vũ là 162,88ha, trong đó có gần 157ha đất có rừng trồng thông, còn lại là đất trống, đất có rừng tái sinh và một số loại cây trồng khác.
Đối chiếu với các con số trên, chúng ta dễ dàng nhận thấy tổng diện tích rừng thông bị xóa sổ trên lâm phần trước đây được giao cho Công ty Nguyên Vũ là 103ha, chiếm hơn 65%. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra trong thời gian gần đây thì con số thực tế bị phá hoại không chỉ dừng lại ở đó.
Nhập nhằng công tác quản lý, bảo vệ
Theo ông Đỗ Ngọc Hiếu, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn (huyện Đắk G’Long), trong giai đoạn chuyển giao rừng giữa Công ty Nguyên Vũ với Công ty Lâm nghiệp Quảng Sơn (từ tháng 12/2018 đến tháng 7/2019) còn chưa cụ thể thì tình trạng phá hoại rừng thông diễn biến cực kỳ phức tạp với quy mô lớn và tốc độ khá nhanh. Nguyên nhân, trong thời gian này, hai bên công ty chưa cụ thể hoá được nội dung bàn giao và bị thu hồi nên việc quản lý chưa được chú trọng.
Những cây thông đang chết khô, chỉ cần một trận mưa là rất dễ ngã đổ bất cứ lúc nào |
Còn người đứng đầu Công ty Lâm nghiệp Quảng Sơn, ông Đinh Văn Nam cho rằng, việc quản lý, bảo vệ rừng thông tại đây vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân, rừng thông bị đầu độc, bức tử diễn ra trong một thời gian khá dài, phần lớn đất đã bị chiếm dụng để xây dựng nhà kiên cố hoặc trồng cây lâu năm nên rất khó để thu hồi.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của quá trình đô thị hoá, đất mặt tiền quốc lộ 28 nằm gần chợ, khu đông dân cư giá đất cao nên nhiều đối tượng đã bất chấp để ken thông bằng nhiều hình thức để chiếm đất. “Hiện nay, các đối tượng vẫn tìm mọi cách để phá rừng, lấn chiếm đất rừng, mua bán, chuyển nhượng bất hợp pháp. Hiện tại, Công ty Lâm nghiệp Quảng Sơn đang kiến nghị UBND tỉnh Đắk Nông bổ sung kinh phí để ký thêm hợp đồng lao động nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ” - ông Nam cho hay.