Đắk Lắk: Vụ dân tố nhà máy chế biến mủ cao su gây ô nhiễm, DN từ chối cung cấp thông tin

26/10/2017 00:00

(TN&MT) – Ngày 11/10/2017, Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường đăng  bài "Đắk Lắk: Dân tố Nhà máy chế biến mủ cao su gây ô nhiễm"...

 

(TN&MT) – Ngày 11/10/2017, Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường đăng  bài “Đắk Lắk: Dân tố Nhà máy chế biến mủ cao su gây ô nhiễm” khiến nguồn nước giếng không thể sử dụng, mùi hôi thôi bốc lên nồng nặc cả ngày lẫn đêm, khói bụi xộc thẳng vào nhà khiến cho cuộc sống của 300 hộ dân buôn Cư Yuốt và thôn Cư Bang, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk (Đắk Lắk) bị đảo lộn. Sau đó, phóng viên đã nỗ lực liên lạc với ông  Phạm Văn Phương giám đốc Công ty TNHH Phương Triều Đại để cùng trao đổi thông tin.

Qua điện thoại ông Phạm Văn Phương đã đồng ý làm việc với phóng viên. Nhưng khi đến nhà máy, ông Phương lại uỷ quyền cho bà Nguyễn Thị Phúc kế toán trưởng công ty làm việc. Trao đổi với phóng viên, bà Phúc thẳng thắn nói: “Tôi đã nhận được điện thoại của giám đốc Phương tiếp các anh. Chỉ mời các anh uống nước còn các thông tin liên quan đến công ty chúng tôi không cung cấp, chỉ cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng thôi. Khi phóng viên đề nghị được thăm quan khu xử lý nước thải thì bà phúc cũng không đồng ý. Trong khi đó bà này luôn miệng nói công ty không gây ô nhiễm nhưng lại không có gì để chứng minh. 

Người dân bức xúc vì nhà máy chế biến mủ cao su gây ô nhiễm môi trường
Người dân bức xúc vì nhà máy chế biến mủ cao su gây ô nhiễm môi trường

Song qua câu chuyện với một số người cùng ngồi làm việc với phóng viên được biết. Công ty này đang sử dụng nước ngầm khai thác từ giếng khoan để chế biến mủ cao su. Nguyên liệu mủ cao su mà nhà máy đang chế biến là mủ cao su đã đóng cục.

Theo một số người có kinh nghiệm trong ngành chế biến mủ cao su cho biết:  Mủ cao su đóng cục thường để lâu ngày mới đưa vào chế biến nên bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Hơn nữa tại các hồ xử lý nước thải nếu không có hệ thống hồ đủ (từ 7 đến 9 hồ) để xử lý nước thải thì nguy cơ gây ô nhiễm là rất lớn. Hơn nữa các hồ chứa xử lý nước thải nếu không được lót bạt chống thấm, không có bạt che mặt hồ thì mùi hôi thối bốc lên khuếch tán ra môi trường cách vài trăm mét đến cây số là không thể tránh khỏi.

Theo qua sát của phóng viên tác nghiệp tại hiện trường thì các hồ chứa nước thải để xử lý của nhà máy không có bạt che bề mặt. Các hồ nước đen kịt và bốc mùi hôi thối. Đi cách khu vực nhà máy đến nửa km đã thấy mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.

Hồ xử lý nước thải không có bạt che phủ bề mặt mùi hôi từ hồ nước thải bao trùm cả buôn, thôn
Hồ xử lý nước thải không có bạt che phủ bề mặt mùi hôi từ hồ nước thải bao trùm cả buôn, thôn

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Phúc luôn khẳng định công ty không gây ô nhiễm môi trường và nước thải công ty xử lý để tái sử dụng nên không có chuyện xả thải ra môi trường nên không xin cấp phép xả thải. Song bà Phúc lại không đưa phóng viên đi giới thiệu để chứng minh cho điều đó là sự thật, rõ ràng ở đây có điều gì chưa minh bạch nên cả giám đốc và nhân viên đều giấu thông tin.

Không chỉ gây mùi hôi, hoạt động của nhà máy chế biến mũ cao su này còn xả khói bụi bay phủ khắp thôn buôn. Người dân nơi đây đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khoẻ vì ô nhiễm môi trường.

Bà Đặng Thị Hoa – Buôn Cư Yuốt, xã Cư Pơng, huyện Krông Buk ở đối diện với nhà mày chế biến mủ cao su chi sẻ: Vì lo ngại nước giếng bị ô nhiễm nên năm 2015, bà đã đưa nước giếng đi kiểm nghiệm tại Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên. Kết quả có nhiều chỉ tiêu của nước không đảm bảo sử dụng để ăn uống. Vậy là hơn hai năm nay gia đình bà phải mua nước bình lọc để phục vụ nấu ăn và uống hàng ngày. Bà Hoa đề nghị các cơ quan chức năng huyện Krông Buk và tỉnh Đắk Lắk cần vào cuộc để làm rõ và xử lý việc công ty TNHH Phương Triều Đại chế biến mủ cao su gây ô nhiễm môi trường và yêu cầu công ty phải xử lý dứt điểm để không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Nhà máy hoạt động xả khói bay mù mịt cả vùng trời
Nhà máy hoạt động xả khói bay mù mịt cả vùng trời

Làm việc với phóng viên, ông Y Thin Mlô - Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Krông Búk cho biết: Nhà máy này xây dựng trước khu dân cư và huyện đã nhiều lần xuống kiểm tra cũng như phối hợp với Sở TN&MT kiểm tra thực tế. Tuy nhiên thông qua các thông số đo đạc, kiểm tra môi trường của Sở thì đều đạt tiêu chuẩn. Còn việc người dân tự ý đưa mẫu nước đi xét nghiệm và không đạt tiêu chuẩn thì huyện không biết. Kết quả kiểm nghiệm nước của người dân chưa đủ căn cứ để khẳng định nước không đạt tiêu chuẩn để sinh hoạt có phải do nhà máy gây ra hay không. Thông thường thì để khẳng định có ô nhiễm hay không chủ yếu dựa vào quan trắc môi trường và kiểm nghiệm của Sở TN&MT mới chính xác để làm cơ sở xử lý.

Song ông Y Thin khẳng định: Mùi hôi bốc lên phát tán ra môi trường tại buôn Cư Yuốt và thôn Cư Bang, xã Cư Pơng từ nhà máy này là có thật. Mùi càng nồng hơn khi đến ngần nhà máy. Khói bụi phát tán ra môi trường khi nhà máy hoạt động cũng rất nhiều. Nhưng để xử lý thì cần phải xác định mùi hôi ở mức độ nào, khói bụi có vượt mức quy định cho phép không thì mới có cơ sở xử lý được, vấn đề này thì vượt quá khả năng của huyện.

Bà Đặng Thị Hoa – Buôn Cư Yuốt, xã Cư Pơng, huyện Krông Buk lo ngại nước bị ô nhiễm vì gần nhà máy
Bà Đặng Thị Hoa – Buôn Cư Yuốt, xã Cư Pơng, huyện Krông Buk lo ngại nước bị ô nhiễm vì gần nhà máy

Trao đổi với báo chí, Ông Vũ Văn Mỹ - Chủ tịch UBND huyện Krông Búk cho biết, việc người dân phản ánh thông tin nhà máy chế biến mủ cao su gây ô nhiễm chúng tôi mới nắm được. Từ trước đến nay, thông qua các lần kiểm tra của Phòng TN&MT huyện, cũng như các lần phối hợp với Sở TN&MT thì các chỉ tiêu môi trường đều đạt. Do huyện thiếu các máy móc thiết bị nên chúng tôi không thể kiểm nghiệm, quan trắc để có kết quả cụ thể mà những việc này đều do Sở TN&MT Đắk Lắk thực hiện. Quan điểm của huyện là nếu nhà máy này gây ô nhiễm khu dân cư thì sẽ cho kiểm tra xem xét cho ngưng sản xuất. Không thể đánh đổi sức khỏe, tính mạng của người dân để lấy nguồn thu thuế từ đơn vị này nếu để xảy ra ô nhiễm. Chúng tôi sẽ kiến nghị Sở TN&MT thanh kiểm tra lại nhà máy này để có các biện pháp xử lý.

Trong khi huyện đã được đầu tư cụm công nghiệp nhưng những nhà máy này vẫn tồn tại ở khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khoẻ của người dân. Ông Mỹ cho biết, hiện tại cụm công nghiệp chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải nên việc di dời các nhà máy này vào khu công nghiệp chưa thể triển khai.

Trong khi nhà máy vẫn tồn tại gần khu dân cư thì biện pháp trước mắt và lâu dài là phải khắc phục tình trạng gây ô nhiễm môi trường, mùi hôi làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khoẻ của người dân. Hơn nữa công ty này đang sử dụng nguồn nước khai thác từ giếng khoan khá lớn để chế biến mủ cao su. Vậy công ty này có được cấp phép khai thác nước gầm để phục vụ sản xuất kinh doanh hay không, ai quản lý để thu thế tài nguyên nước. Những câu hỏi này xin chuyển đến UBND huyện Krông Buk, và Sở TN&MT Đắk Lắk để sớm có câu trả lời cho người dân./.

Đình Thắng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Lắk: Vụ dân tố nhà máy chế biến mủ cao su gây ô nhiễm, DN từ chối cung cấp thông tin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO