Đắk Lắk: Triệt hạ “lộc” rừng

12/12/2014 00:00

(TN&MT) - Nhiều tháng qua, “cơn sốt” hạt dổi lá mít bùng phát dữ dội trên địa bàn huyện Krông Năng khi thương lái kéo về đây mua với giá vài trăm ngàn đồng/1kg.

   
(TN&MT) - Thời gian gần đây, nhiều người đổ xô về khu rừng phòng hộ đầu nguồn giáp ranh giữa xã Ea Tam và Cư Klông (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) “săn tìm” quả cây gỗ dổi lá mít (nhóm III) để bán cho thương lái. Được mùa, giá cao, nhiều người còn khai thác theo kiểu tận thu, mang cưa lốc lên rừng chặt hạ cây để hái quả cho nhanh.
   
Nhiều cây gỗ dổi lá mít tại khu rừng PHĐN Krông Năng bị triệt hạ để hái quả
   
“Sốt” liền mấy tháng
   
  Nhiều tháng qua, “cơn sốt” hạt dổi lá mít bùng phát dữ dội trên địa bàn huyện Krông Năng khi thương lái kéo về đây mua với giá vài trăm ngàn đồng/1kg. Theo ông Nông Văn Mạch - người dân tộc Tày - Trưởng thôn Tam Hợp (xã Cư Klông), hạt dổi có chứa chất dầu vô cơ, có mùi thơm nên từ lâu đã được đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc sử dụng để tẩm, ướp, pha vào gia vị để tăng mùi vị cho thức ăn. “Do cây dổi rất cao, ít cành nên rất khó hái quả. Mỗi cây dổi to chỉ có chừng vài kg quả tươi nên trước đây, khi đến mùa quả chín, chúng tôi thường đợi loài chim yểng ăn xong phần vỏ, nhả hạt xuống đất rồi nhặt về chế biến, sử dụng. Chẳng hiểu sao vào độ tháng 8, tháng 9 năm nay, thương lái lại kéo nhau về xã, thậm chí vào tận cửa rừng để mua quả dổi với giá rất cao (500.000 đồng/1kg). Thấy lợi ích quá lớn, nhiều người dân đã kéo nhau vào sâu trong rừng, ngày qua ngày “săn lùng” quả dổi” - ông Mạch kể lại.
   
  Trong vai người đi mua dổi, vào chiều một ngày đầu tháng 12, chúng tôi bắt đầu thâm nhập khu rừng phòng hộ đầu nguồn (PHĐN) ở khu vực giáp ranh xã Cư Klông và Ea Tam. Theo chân 1 người địa phương, vật lộn với con “ngựa sắt” gần 1 tiếng đồng hồ, chúng tôi băng qua mấy quả đồi để đến cửa rừng. Rảo quanh một vòng, chúng tôi thấy ở cửa rừng 1 số vỏ quả dổi bị vứt lại sau khi có người đã bóc lấy hạt. Gần 30 phút sau, khi thấy 1 nhóm người dân từ trong rừng đi ra, chúng tôi chặn lại hỏi chuyện và “dò” tìm người bán dổi. Thế nhưng, chẳng hiểu vì nhóm người này không có quả dổi để bán hay thấy chúng tôi đáng nghi mà họ chỉ lạnh lùng lắc đầu, sau đó nhanh chân đi mất hút.
   
   
  Chẳng hỏi được gì, chúng tôi quyết định để xe lại và “bộ hành” vào rừng. Trên đường đi, chúng tôi cũng bắt gặp rất nhiều cây gỗ dổi (đường kính khoảng vài chục cm) bị chặt hạ và hái hết quả. Cạnh các cây này, chúng tôi cũng nhặt được 1 số quả dổi đã héo còn sót lại. Quan sát xung quanh, chúng tôi còn thấy nhiều cây gỗ lớn khác đã bị lâm tặc chặt hạ, xẻ cây thành các lóng gỗ nhưng chưa mang đi. Sau gần 2 tiếng lội rừng, chúng tôi ước tính có cả chục cây dổi lớn bị chặt hạ. “Dổi thường tập trung ở khu vực thung lũng và khe suối của khu rừng PHĐN này nên vào đó mới thấy bị chặt hạ nhiều. Tuy nhiên, nếu vào đó sẽ rất lâu, trời tối không quay ra được nên ta sẽ dừng ở đây” - vừa nói, người dẫn đường vừa chỉ về hướng xa xa và ra ký hiệu để chúng tôi quay lại.
   
Chủ rừng “kêu khó”
   
  Theo ông Đinh Công Hương - Bí thư đảng ủy xã Ea Tam, sau khi phát giác việc người dân đổ xô tàn phá rừng PHĐN để lấy quả dổi, ban lâm nghiệp của xã đã vào tiểu khu 315 (thuộc xã Ea Tam) kiểm tra. “Sau khi phát hiện 6 cây gỗ dổi bị đốn hạ, UBND xã đã báo cáo vụ việc cho chủ rừng cùng như cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, UBND xã cũng ra văn bản khuyến cáo bà con trong xã không được khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép hạt dổi” - ông Hương cho hay.
   
Hạt quả gỗ dổi lá mít khô, còn sót lại xung quanh cây dổi bị chặt hạ
    
   
  Sau khi nhận được tin báo từ UBND xã Ea Tam, UBND huyện Krông Năng đã giao cho Hạt Kiểm lâm huyện Krông Năng vào địa bàn để kiểm tra và bố trí lực lượng phục kích. Vào thời điểm cuối tháng 9, đầu tháng 10/2014, lược lượng kiểm lâm phát hiện và tạm giữ 1 đối tượng tên là Mông Văn Đời (ở xã Cư Klông) đang vận chuyển quả dổi tươi khỏi rừng, thu giữ tang vật là 1 xe Honda và 5,5 kg quả dổi tươi, đưa về trụ sở Hạt Kiểm lâm Krông Năng để chờ xử lý. Từ đó tới nay, lực lượng chức năng chưa phát hiện thêm được vụ việc vi phạm nào về thu hái, vận chuyển và buôn bán hạt dổi.
   
  Theo Ban quản lý rừng PHĐN Krông Năng, sau khi nắm bắt được sự việc, đơn vị tiến hành kiểm tra tại địa bàn mình quản lý và phát hiện có 46 cây gỗ dổi lá mít (khối lượng trên 52m3) ở 2 tiểu khu 315A và 316 (địa phận xã Ea Tam) bị chặt hạ. Khi PV đặt câu hỏi là “số lượng cây dổi bị chặt hạ khá nhiều và kéo dài theo thời gian mà sao chủ rừng lại không phát hiện được đối tượng nào?” thì ông Nguyễn Đình Tùng - Giám đốc Ban quản lý rừng PHĐN Krông năng, lý giải: “Thời điểm người dân chặt gỗ để lấy hạt diễn ra từ cuối tháng 8, đầu tháng 9, trùng với thời điểm xảy ra bão nên việc tuần tra gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, người dân chỉ chặt cây dổi để lấy quả chứ không lấy gỗ nên sau khi hái quả xong, họ giấu quả rồi lén lút mang ra ngoài nên rất khó phát hiện”.
   
Bài & ảnh: Lê Phước
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Lắk: Triệt hạ “lộc” rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO