Lực lượng chức năng đang khám nghiệm hiện trường vụ phá rừng |
Xem thường pháp luật
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Đắk Lắk, tình trạng phá rừng trong thời gian qua có dấu hiệu nóng lên nhất là các đối tượng lâm tặc lợi dụng ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tình trạng phá rừng để lấy lâm sản diễn ra nhiều ở các công ty lâm nghiệp, các đối tượng sẵn sàng tấn công lực lượng chức năng nếu bị phát hiện.
Cụ thể, tại lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar, tình hình vi phạm lâm luật diễn ra phức tạp, trong đó có nhiều vụ việc lâm tặc sẵn sàng chống đối để giải cứu phương tiện và đồng bọn. Đơn cử, ngày 26-7, lực lượng quản lý rừng của Công ty trong quá trình tuần tra đã phát hiện tại đây có 16 cây gỗ thuộc nhóm V và VI bị đốn hạ, nhiều thân cây gỗ đã bị lấy đi.
Sau khi lực lượng bảo vệ rừng của Công ty theo dấu xe và phát hiện một xe độ chế chở 3 lóng gỗ nên yêu cầu dừng xe thì có 40 đối tượng kéo đến mang theo hung khí, đe dọa lực lượng chức năng, rồi tẩu tán phương tiện, gỗ tang vật đi nơi khác.
Hơn 1 tuần sau, cũng tại tiểu khu này, lực lượng QLBVR Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar tiếp tục phát hiện hai đối tượng đi trên 2 xe máy chở phía sau nhiều tấm gỗ từ trong rừng đi ra. Sau khi lực lượng chức năng yêu cầu dừng xe và đưa vào chốt để xử lý, các đối tượng đã rút dao ra chống đối. Sau đó, có thêm 5 đối tượng nữa đến, tiếp tục dùng dao đe dọa tấn công lực lượng giữ rừng rồi tẩu tán xe và gỗ.
Tương tự, tại khu vực giáp ranh giữa Kh Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Ea Sô với huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) thời gian gần đây, lâm tặc thường xuyên tụ tập đông người, xâm nhập vào rừng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Gần đây nhất là vào các ngày 23 và 24-8 lực lượng kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô khi tuần tra, kiểm tra phát hiện 13 xe máy độ chế đang vận chuyển gỗ từ trong lâm phần Khu BTTN Ea Sô ra tuyến đường rừng trồng của Công ty MDF Vinafor Gia Lai đã bắt giữ được 2 đối tượng, thu giữ 2 máy cưa, 2 khẩu súng, 6 xe máy. Quá trình xử lý vụ việc, nhiều đối tượng lâm tặc tụ tập chống đối, đe dọa lực lượng kiểm lâm.
Nhiều cây rừng có đường kính lớn bị các đối tượng cưa hạ |
Theo ông Lê Minh Tiến, Giám đốc Khu BTTN Ea Sô, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này một phần do đời sống của người dân ở khu vực giáp ranh vốn dĩ đã khó khăn, nay khi dịch bệnh Covid-19 kéo dài lại càng thêm khốn khó, do đó nhiều người dân đã ồ ạt vào lâm phần của đơn vị quản lý để khai thác gỗ và các loại lâm sản phụ để kiếm sống, khiến công tác QLBVR của đơn vị gặp rất nhiều áp lực. Để giảm thiểu việc rừng bị tác động, ngoài thành lập một chốt với 3 kiểm lâm viên túc trực ở đây, đơn vị đã tăng cường lực lượng từ các trạm, đội khác thường xuyên tuần tra ở khu vực này để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm.
Tại huyện M’Drắk, vào cuối tháng 8 vừa qua, các đối tượng lâm tặc đã kéo vào khoảnh 4, tiểu khu 715 do UBND xã Ea Lai quản lý, dựng lán, khai thác gỗ trái phép. Nhận được tin báo, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện, UBND xã Ea Lai tổ chức kiểm tra, phát hiện có 19 gốc cây bị cắt hạ; trong đó có 4 cây vừa mới bị khai thác, 15 gốc cây có vết cưa đã cũ. Qua đo đếm, số lượng gỗ còn lại ở hiện trường là 16,2 m3.
UBND tỉnh chỉ đạo “nóng”
Trước vấn nạn phá rừng diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Công văn số 8876/UBND-NNMT ngày 16-9-2021 về việc tăng cường công tác QLBVR trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương và chủ rừng tập trung lực lượng tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm lâm luật; đấu tranh, xử lý số đối tượng đầu nậu, các đối tượng cầm đầu và hành vi tiếp tay, bảo kê cho các đối tượng khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái pháp luật, hủy hoại rừng.
Đặc biệt đề cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác đấu tranh, ngăn chặn các hành vi xâm hại tài nguyên rừng; quản lý chặt chẽ tình trạng dân di cư tự do từ nơi khác đến địa phương, ngăn chặn kịp thời tình trạng dân di cư tự do phá rừng lấy đất sản xuất…
Một trong nhiều vụ phá rừng quy mô lớn bị lực lượng chức năng Đắk Lắk phát hiện |
Tiếp đó, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Gia Lai xem xét, chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh tăng cường công tác QLBVR, quản lý lâm sản, quản lý dân cư tại khu vực giáp ranh với tỉnh Đắk Lắk; phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm, các cơ quan chức năng và các đơn vị chủ rừng của tỉnh Đắk Lắk để tổ chức và duy trì thường xuyên lực lượng tuần tra, truy quét, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp tại khu vực rừng giáp ranh giữa hai tỉnh.
Cùng với đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm huyện, liên huyện và các đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương thành lập các tổ chốt chặn liên ngành của huyện theo hướng đủ mạnh, đầy đủ các lực lượng chốt chặn, tuần tra, kiểm tra tại các khu vực có "điểm nóng" về phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Đồng thời hướng dẫn các chủ rừng thực hiện nghiêm công tác ngăn chặn, xử lý xâm hại rừng, đặc biệt các đối tượng lợi dụng thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra phức tạp để thực hiện các hành vi phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật.