(TN&MT) – Theo phản ảnh của người dân, trong những năm gần đây, tình trạng sạt lở bờ 2 dòng sông Krông Ana và sông Krông Nô đoạn chảy qua địa bàn huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk là rất nghiêm trọng. Sạt lở bờ sông đã làm biến mất nhiều diện tích đất ở, đất sản xuất của hàng chục hộ dân sinh sống, canh tác ven sông. Nguyên nhân gây sạt lở bờ sông được xác định là do đóng, xả nước phát điện của các công trình thủy điện ở thượng nguồn và tình trạng khai thác cát diễn ra tràn lan.
Người dân các dân tộc bản địa M’nông, Ê đê… sinh sống dọc theo 2 dòng sông Krông Ana và Krông Nô cho biết: Người già kể lại, hai dòng sông này đã tạo ra những cánh đồng rộng lớn, bãi bồi giữa núi rừng Tây Nguyên nên cha ông mới tìm đến để canh tác sinh sống. Sau mỗi năm dòng sông lại mang phù sa về bồi đắp cho những cánh đồng, nương rẫy của họ cho cây lúa tốt tươi, cây sắn nhiều củ, cây ngô nhiều bắp và đời sống ngày càng no ấm. Thế nhưng giờ đây buôn làng no ấm, yên bình, đồng ruộng, nương rẫy tốt tươi đang bị đe dọa bởi tình trạng sạt lở bờ sông làm mất đất ở và đất sản xuất của bà con. Người già cho biết: trước đây chỉ khi mưa lũ thật lớn mới bị sạt lở nhưng cũng chỉ một vài chỗ. Những chỗ đó thì người dân đã không canh tác, cũng không chọn để làm nơi ở. Còn bây giờ bờ sông lở quanh năm, đất sản xuất, đất ở mất nhiều khiến người dân rất lo lắng.
Những ngày cuối tháng 3 này, Tây Nguyên đang là mùa khô, nhưng theo phản ánh của các hộ dân sống trên bờ sông Krông Nô đoạn chảy qua địa phận buôn Plao Siêng, xã Ea Rbin, huyện Lắk, Đắk Lắk tình trạng sạt lở bờ đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Ông Trương Văn Tỏ, Tổ trưởng tổ tự quản số 3, buôn Plao Siêng dẫn chứng: Khu vực tổ tự quản số 3, buôn Plao Siêng có 41 hộ dân sinh sống, thì có chín hộ làm nhà ở dọc bờ sông Krông Nô có nguy cơ sạt lở cao, nhiều ngôi nhà bờ sông đã sạt lở vào sát móng có thể đổ sập xuống lòng sông bất cứ lúc nào. Để bảo đảm tính mạng và tài sản của mình, nhiều hộ dân đã tự di dời nhà cửa vào bên trong nhưng tình trạng sạt lở vẫn tiếp tục đe dọa. Ông Tỏ lo lắng.
Cực khổ nhất là gia đình ông Hoàng Văn Hiệu ở tổ tự quản số 3, buôn Plao Siêng, từ năm 2009 đến nay đã 3 lần phải di dời và dựng lại nhà. Ông buồn bả nói: “Mỗi năm bờ sông lại lở lấn sâu vào đất của gia đình tôi, khi thấy nguy hiểm thì dời nhà vào bên trong tránh xa điểm sạt lở. Nhưng dựng nhà lên được một thời gian thì bờ sông lại bị sạt lở vào đến tận móng nhà, rất có thể gia đình tôi sẽ bị sông nuốt hết đất ở, khiến chúng tôi rất lo lắng”.
Hay gia đình ông Nguyễn Khương Phú Huynh có hơn 3,6 ha đất tại khu vực này nhưng chỉ vài năm gần đây tình trạng sạt lở bờ sông đã bị nước cuốn trôi 2,5 ha. Nếu thực trạng này tiếp diễn, gia đình đang đứng trước nguy cơ mất hết đất ở và đất sản xuất...
Đứng trước thực trạng này, các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk, huyện Lắk đã nhiều lần thực hiện việc cắm mốc, quy định khoảng cách an toàn từ bờ sông vào khu vực di dời để đảm bảo an toàn cho người và nhà ở, nhưng chỉ được một thời gian thì cột mốc an toàn cũng bị sạt lở, cuốn trôi mất. Vào thời điểm hiện nay, tại khu vực buôn Plao Siêng, xã Ea Rbin, tình trạng sạt lở bờ sông Krông Nô vẫn tiếp tục xảy ra nhanh chóng, trên bờ sông hình thành nhiều vết nứt mới, kéo dài dọc theo bờ sông có thể đổ sập xuống bất cứ lúc nào uy hiếp nhà cửa, ruộng vườn của nhiều hộ dân địa phương.
Theo khảo sát của UBND xã Ea Rbin, từ đầu năm 2017 đến nay, bờ sông tại khu vực này đã bị sạt lở với chiều dài khoảng 1,5 km, tổng diện tích đất bị sạt lở xuống sông khoảng 3 ha, ảnh hưởng trực tiếp đến 18 hộ dân; trong đó có 9 hộ dân nhà cách mép bờ sông đang bị sạt lở khoảng 5 đến 7m, có nguy cơ bị sập xuống lòng sông bất cứ lúc nào khiến người dân ngày đêm lo lắng, cuộc sống bất an trước nguy cơ không có nhà để ở.
UBND huyện Lắk đã nhiều lần khảo sát và xác định: Tình trạng sạt lở bờ sông Krông Ana và Krông Nô đoạn chảy qua địa bàn huyện gia tăng và ngày càng nghiêm trọng. Nguyên nhân là do ở khu vực này đất pha cát do phù sa dòng sông tạo thành, khi dòng sông lên xuống bất thường dễ vỡ liên kết đất gây sạt lở. Từ năm 2009, khi Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah do Công ty thủy điện Buôn Kuốp quản lý đi vào vận hành mực nước trên sông bị thay đổi, chênh lệnh rất lớn trong ngày bờ sông lúc khô, lúc ướt đã làm sạt lở bờ sông.
Bờ sông càng sạt lở nghiêm trọng hơn là do các doanh nghiệp khai thác cát trong lòng sông ở khu vực này diễn ra thường xuyên làm cho lòng sông hỏm sâu khiến bờ sông bị sạt lở nặng hơn. Hiện nay, huyện Lắk có năm doanh nghiệp khai thác khoáng sản được cấp phép, trong đó có bốn doanh nghiệp khai thác cát lòng sông và một đơn vị khai thác đá xây dựng.
Để xác định cụ thể tình trạng sạt lở bờ sông Krông Ana và Krông Nô đoạn qua địa bàn, UBND huyện Lắk đã chỉ đạo các ngành chức năng rà soát dọc hai bên bờ sông và phát hiện có đến 24 khu vực tại 5 xã đang bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở với tổng chiều dài trên 10 km như:
Tại xã Yang Tao có 2 điểm đã và đang bị sạt lở với chiều dài 680m; xã Đắk Liêng có 6 điểm đã sạt lở với chiều dài trên 3km; xã Nam Ka bị sạt lở kéo dài gần 4 km; xã Buôn Triết có 4 điểm đã sạt lở dài 472m; xã Ea Rbin có 9 điểm đã sạt lở và 2 điểm có nguy cơ sạt lở kéo chiều dài gần 2 km.
Trước thực trạng này, UBND huyện Lắk đã có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương Đắk Lắk đề nghị đưa các khu vực bị sạt lở bờ sông này vào danh sách cấm khai thác cát lòng sông, đồng thời đề nghị các ngành chức năng của tỉnh có biện pháp hỗ trợ địa phương di dời các hộ dân ở khu vực bị sạt lở đến nơi ở mới nhằm bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản của người dân ổn định cuộc sống./.