Tại buổi họp báo, đại diện Văn phòng UBND tỉnh Đắk Lắk thông tin về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2018. Kết quả cho thấy, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục có những bước tăng trưởng tích cực, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tại buổi họp báo cũng đã tập trung trao đổi về những vấn đề nổi lên mà các cơ quan báo chí đã phản ảnh trong tháng 6/2018.
Trả lời Phóng viên Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường phản ánh liên quan đến nội dung dân khổ vì lò đốt than củi hoạt động trái phép. Bà Ngô Thị Minh Trinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc cho biết: Vụ việc Báo nêu là đúng sự thật. Hiện nay trên địa bàn đang có 39 lò than hoạt động trái phép. Trước đó, năm 2017 huyện cũng đã có xử lý 16 lò than hoạt động trái phép, xử phạt hành chính thu ngân sách 40 triệu đồng. Thời gian tới, huyện Krông Pắc sẽ cương quyết xử lý dứt điểm những lò than hoạt động trái phép, tránh gây gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến người dân. Việc Báo nêu UBND cấp xã, phòng chuyên môn sẽ trình UBND huyện để hợp thức hóa cho các lò than không phép được tiếp tục hoạt động bằng cách cấp phép bổ sung, huyện sẽ cương quyết không thực hiện.
Đồng thời, cho kiểm tra làm rõ có hay không việc tiếp tay, bao che cho lò than không phép hoạt động trái quy định của pháp luật. Quan điểm của tập thể lãnh đạo UBND huyện Krông Pắc là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh làm giàu chính đáng tạo sản phẩm cho xã hội kể cả hoạt động đốt than. Nhưng mọi hoạt động phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Không thể có chuyện hợp thức hóa cho những trường hợp làm sai trái theo kiểu mọi chuyện đã rồi để tồn tại. Để xảy ra sự việc này trách nhiệm trước hết thuộc về UBND cấp xã, phòng chuyên môn và UBND huyện chưa xử lý dứt điểm.
Bà Ngô Thị Minh Trinh cũng chia sẻ: Hoạt động đốt than là một biện pháp tiêu thụ lượng lớn củi cà phê tái canh trên địa bàn huyện nhằm nâng cao nguồn thu cho cả nông dân sau phá vườn cà phê già cỗi thực hiện tái canh và cả cho những hộ dân, doanh nghiệp xây lò đốt than. Thế nhưng mọi hoạt động phải đúng pháp luật, lò than phải được cấp phép trước khi hoạt động.
Cũng tại buổi họp báo, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk phản hồi bài viết: "Đắk Lắk: Đất rừng phòng hộ Krông Năng bị mua bán trái phép" của Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường, bài viết “Mua bán tràn lan đất rừng phòng hộ” của Báo Đại Đoàn kết phản ánh hàng trăm héc ta đất rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk quản lý hiện nay đã bị người dân lấn chiếm và mua bán trái phép, phản hồi nội dung bài viết “Ngăn chặn kịp thời hành vi mở đường chiếm đất rừng đầu nguồn” của Báo Quân đội Nhân dân.
Đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk và UBND huyện Krông Ana cũng phản hồi Báo điện tử Thanh niên; VTV.vn và VTV8 liên quan đến vụ việc trong 01 ngày, lực lượng kiểm lâm huyện Krông Ana phát hiện liên tiếp 02 vụ phá rừng trái phép tại tiểu khu 1020, thuộc địa phận xã Đur Kmăl với tổng khối lượng hơn 34m3…
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho rằng: Thời gian qua báo chí đã phản ánh kịp thời những thông tin, sự kiện diễn ra trên địa bàn tỉnh, góp phần giúp tỉnh Đắk Lắk làm tốt hơn công tác quản lý nhà nước trên các mặt công tác. Đồng thời, chỉ đạo UBND huyện Krông Pắc cần làm rõ thông tin có hay không hợp thức hóa cho các lò than hoạt động trái phép để trả lời cho báo chí. Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện giải quyết theo quy định của pháp luật các vụ việc phá rừng, mua bán trái phép đất lâm nghiệp mà báo chí đã phản ánh. Để lập lại kỷ cương trong công tác quản lý và bảo vệ rừng, lực lượng chức năng cần tăng cường công tác tuần tra kiểm soát để ngăn chặn nạn chặt phá rừng, lấn chiếm mua bán đất lâm nghiệp trái phép như báo chí đã phản ảnh.