(TN&MT) - Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) khai thác cát ở Đắk Lắk lợi dụng tận thu cát trên lòng hồ thủy lợi đã hạ thủy máy móc để thăm dò, khai thác vàng. Sự việc diễn ra trên con suối thuộc lòng hồ dự án thủy lợi Krông Pắk thượng, ở xã Cư Yang, huyện Ea Kar, Đắk Lắk.
Tàu không số, bến bãi không có
Theo tìm hiểu của PV, trên con suối Krông Pắk chảy qua xã Cư Yang, hiện có 3 doanh nghiệp là Thiên Ý, Dương Ánh và 27/7 được cấp phép khai thác, tận thu cát. Con suối Krông Pắk nằm trong khu vực lòng hồ thủy lợi Krông Pắk thượng đang thi công dang dở. Dọc con suối dài hàng chục km, phía thượng nguồn được cấp phép cho Công ty Thiên Ý, khúc giữa cấp cho Công ty Dương Ánh và phía hạ nguồn là Công ty 27/7.
Theo ghi nhận, dù được cấp phép khai thác cát, tuy nhiên các DN này hạ thủy tàu hút cát không tên, không biển số, đóng cả bè tự chế để hút cát. Cả 3 DN không có bến bãi tập kết mà mượn đất của dự án hồ thủy lợi làm bãi tập kết tạm. Tại vị trí cấp cho doanh nghiệp Thiên Ý, đơn vị này hút trực tiếp cát lên con đường đất được san ủi để thi công dự án thủy lợi. Một người dân tại đây cho biết, DN này hút cát bán trực tiếp, xe chỉ việc ghé thùng “ăn cát” rồi chở đi. Cách đó khoảng 500m, Công ty Dương Ánh có 2 bãi cát khổng lồ hàng chục ngàn m3. DN này huy động 2 máy múc túc trực múc cát đem bán. Trong lúc đó, Công ty 27/7 cũng tập kết cát dọc suối.
Thăm dò khai thác vàng?
Theo quy định của tỉnh Đắk Lắk, đến cuối tháng 12/2018, tất cả các DN cấp phép khai thác khoáng sản, bắt buộc phải có bến bãi tập kết, lắp đặt trạm cân, camera giám sát, tàu thuyền phải có logo công ty, đánh số, có đăng ký đăng kiểm. Tuy nhiên, cả 3 DN khai thác cát trên suối Krông Pắk đều tình trạng “5 không”. Đặc biệt, Công ty Thiên Ý ngoài khai thác cát còn hạ thủy những dàn khoan, máy cào không phải phục vụ khai thác cát mà mục đích thăm dò, khai thác vàng sa khoáng.
Khi PV đến nơi Công ty Thiên Ý đang khai thác cát, một người tên Trọng (tự xưng là giám đốc) cho biết, mới hạ thủy dàn máy móc khai thác cát nói trên. Theo ông này, đơn vị đang làm thủ tục để được cấp phép khai thác. Tuy nhiên, ông này không nói cấp phép trong lĩnh vực gì. Ông Trọng cũng cho biết, đã thỏa thuận mua luôn máy móc của Công ty Dương Ánh. Ông Trọng cũng tiết lộ, đơn vị đã thỏa thuận khai thác, tận thu cát trong lồng hồ thủy lợi Krông Pắk để bán cho công trình đang thi công.
Trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Duẩn (Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ea Kar) về việc 3 DN khai thác cát tình trạng “5 không”, ông tỏ ra ngỡ ngàng. Theo ông Duẩn, các doanh nghiệp trên được UBND tỉnh cấp phép và hứa sẽ cử cán bộ đi kiểm tra để nắm bắt thực trạng khai thác cát của các doanh nghiệp này.
Khi được PV cho xem hình ảnh về những dàn khoan, máy cào của Công ty Thiên Ý, ông Duẩn khẳng định trong hoạt động khai thác cát, những máy móc này không được cấp phép. Theo ông Duẩn, khả năng đây là những máy móc phục vụ thăm dò, khai thác vàng sa khoáng. “Chúng tôi sẽ cho mời các doanh nghiệp lên làm việc để làm rõ đây là máy móc gì. Nếu không đăng ký đăng kiểm, sẽ yêu cầu doanh nghiệp kéo ngay lên bờ lập biên bản” - ông Duẩn quả quyết.
Trong lúc đó, một cán bộ Ban quản lý dự án thủy lợi Krông Pắk thượng cho biết hiện dự án chưa được đền bù, giải phóng mặt bằng xong. “Nhiều diện tích trong khu vực dựa án chưa đền bù xong. Khu vực lòng suối Krông Pắk cũng chưa đền bù, bàn giao nên việc DN khai thác cát tại đây chúng tôi không quản lý” - vị này thông tin.
Vị này khẳng định, đến thời điểm này, hạng mục thi công lòng hồ chưa được bố trí vốn nên các nhà thầu vẫn chưa tiến hành xây dựng. Mặt khác, đây là dự án lớn, nếu mua vật liệu cũng phải được đem đi kiểm định chất lượng chứ không có chuyện mua trực tiếp từ doanh nghiệp khai thác. “Cát khai thác trên lòng suối rất xấu, nhiều sỏi nên đơn vị thi công sẽ không mua. Thông tin DN bán cát cho dự án là không đúng” - cán bộ Ban quản lý dự án thủy lợi Krông Pắk thượng cho hay.