Đắk Lắk: Ì ạch di dời các cơ sở ô nhiễm ra khỏi khu dân cư

07/09/2015 00:00

(TN&MT) - Từ gần 10 năm trước, tỉnh Đắk Lắk đã chủ trương di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm trong khu đông dân cư tại TP. Buôn Ma Thuột ra các...

 

(TN&MT) - Từ gần 10 năm trước, tỉnh Đắk Lắk đã chủ trương di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm trong khu đông dân cư tại TP. Buôn Ma Thuột  ra các khu, cụm công nghiệp tập trung. Mặc dù đã có nhiều ưu đãi về chính sách, vốn… nhưng đến nay, việc thực hiện chủ trương này vẫn diễn ra ì ạch, khiến người dân trong nhiều khu đông dân cư vẫn phải sống chung với ô nhiễm.

Ngoài thải khói, bụi chưa qua xử lý ra ngoài môi trường, nước thải từ cơ sở tái chế hạt nhựa của ông Phan Đình Huy còn chảy ra suối Ea Knia
Ngoài thải khói, bụi chưa qua xử lý ra ngoài môi trường, nước thải từ cơ sở tái chế hạt nhựa của ông Phan Đình Huy còn chảy ra suối Ea Knia

Nhiều cơ sở gây ô nhiễm

Hiện nay, trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột nói riêng vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất, chế biến cà phê, mủ cao su, tái chế nhựa… nằm trong khu dân cư, thường xuyên thải khói bụi và nước thải trực tiếp ra môi trường. Đơn cử như cơ sở sản xuất hạt nhựa từ bao bì phế thải của ông Phan Đình Huy nằm cạnh con suối Ea Knia, giáp ranh giữa địa bàn tổ dân phố 7 và 14 (phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) gây ô nhiễm môi trường nhiều năm. Theo quan sát của PV, xưởng tái chế có quy mô khoảng 2.000m2, được chất đầy bao tải, đặc biệt là khu vực ven suối Ea Knia. Trong khu vực tái chế, mùi khét và mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.

Theo ý kiến của một số hộ dân xung quanh, trong 2 năm gần đây, bầu không khí và nguồn nước sinh hoạt của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ hoạt động của cơ sở này. Không những thế, chủ cơ sở này còn bơm nước dưới suối lên giặt bao, sau đó thải nước bẩn xuống khiến các hộ dân sống gần suối luôn lo sợ ô nhiễm nguồn nước. Vào năm 2013, cơ sở này đã bị Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Đắk Lắk) phát hiện xả khí thải, nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Mặc dù đã bị xử phạt hành chính và yêu cầu khắc phục nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn tiếp tục diễn ra, khiến người dân ở khu vực lân cận không khỏi bức xúc.

Ngoài thải khói, bụi chưa qua xử lý ra ngoài môi trường, nước thải từ cơ sở tái chế hạt nhựa của ông Phan Đình Huy còn chảy ra suối Ea Knia
Ngoài thải khói, bụi chưa qua xử lý ra ngoài môi trường, nước thải từ cơ sở tái chế hạt nhựa của ông Phan Đình Huy còn chảy ra suối Ea Knia

Cùng cảnh ngộ trên, hàng chục hộ dân ở tổ dân phố 6 (phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) rất bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường dô hoạt động của Nhà máy sản xuất gỗ ép của Công ty CP Lâm sản Đắk Lắk đặt trên địa bàn. Không chỉ thải khói, bụi và hóa chất chưa qua xử lý ra ngoài, nhà máy còn phát ra tiếng ồn kinh khủng mỗi khi hoạt động vào ban đêm. Ngoài ảnh hưởng đến khu dân cư, nhà máy gỗ ép còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến các trường học, nhất là trường THPT Lê Duẩn ở liền kề. Người dân đã nhiều lần phản ánh nhưng tình trạng ô nhiễm chỉ được khắc phục phần nào chứ chưa thể xử lý triệt để.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh hiện có 70 xưởng chế biến gỗ của các doanh nghiệp và 319 cơ sở sản xuất đồ mộc (trong đó có khoảng 46 xưởng chế biến gỗ và 218 cơ sở mộc đang hoạt động). Trước đây, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có chủ trương di dời và chính sách hỗ trợ di dời (ưu đãi tiền thuê mặt bằng, đầu tư hạ tầng…) các cơ sở chế biến gỗ vào trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, điểm quy hoạch trước ngày 31/12/2010. Nhưng hiện tại, chỉ có 10 doanh nghiệp di dời cơ sở chế biến gỗ theo chủ trương, các đơn vị còn lại đều tìm cách trì hoãn để tiếp tục bám trụ giữa khu đông dân cư, gần rừng, trong rừng.

Nhà máy sản xuất gỗ ép của Công ty CP Lâm sản Đắk Lắk gây ô nhiễm nghiêm trọng trong nhiều năm qua
Nhà máy sản xuất gỗ ép của Công ty CP Lâm sản Đắk Lắk gây ô nhiễm nghiêm trọng trong nhiều năm qua

Ì ạch thực hiện chủ trương

Từ năm 2008, HĐND tỉnh Đắk Lắk đã có Nghị quyết 34/2008/NQ-HĐND về việc sắp xếp, di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Hiện tại, TP. Buôn Ma Thuột có gần 1.600 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong đó có 1.108 cơ sở nằm xen kẻ trong các khu dân cư. Qua khảo sát, đánh giá của các cơ quan chuyên môn, có 171 cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường nặng buộc phải di dời ra khỏi khu vực dân cư, chủ yếu thuộc các nhóm ngành nghề như mua bán tái chế phế liệu, chế biến mủ cao su, sản xuất ống nhựa, tái chế nhựa, chế biến cà phê bột…

Nhằm khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh di dời ra khỏi khu dân cư, tỉnh cũng có chính sách hỗ trợ, ưu đãi về thuế, thuê đất, nộp tiền sử dụng đất… trong các khu, cụm công nghiệp và điểm quy hoạch. Nhưng đến thời điểm này, mới có 10 cơ sở tại nội thành di dời vào Cụm công nghiệp Tân An và vùng ven TP. Buôn Ma Thuột. Ông Phan Xuân Mạo - Phó Trưởng phòng Kinh tế TP. Buôn Ma Thuột, chia sẻ: “Hầu hết các cơ sở sản xuất phải di dời có quy mô nhỏ nên họ không mặn mà với việc chuyển vào khu sản xuất tập trung. Trong khi đó, thủ tục cùng mức hỗ trợ còn nhiều bất cập, chế tài xử lý chưa rõ ràng nên việc triển khai còn gặp lúng túng”.

Tình trạng sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư cũng gây ra những khó khăn trong công tác quản lý. Mặc dù các cơ quan chức năng vẫn thường xuyên phối hợp, kiểm tra nhưng hiện vẫn còn tình trạng các cơ sở sản xuất lén lút xả thải chưa qua xử lý ra ngoài, gây ô nhiễm môi trường. Nhìn lại kết quả “thiếu khả quan” sau gần 10 năm thực hiện chủ trương của HĐND tỉnh Đắk Lắk, có thể thấy tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư trong TP. Buôn Ma Thuột vẫn chưa thể xử lý dứt điểm, và nhiều khu dân cư vẫn phải “sống chung” với ô nhiễm.

Lê Phước

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Lắk: Ì ạch di dời các cơ sở ô nhiễm ra khỏi khu dân cư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO