Gian nan làm hồ sơ cấp quyền sử dụng đất
Phần lớn số hộ dân xã Ea Dăh là đồng bào các dân tộc thiểu số phía Bắc như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu… di cư vào từ năm 1996 đến năm 1999 và sau này. Đa số họ là hộ nghèo với hy vọng đến vùng đất mới sẽ có cuộc sống no đủ, tốt đẹp hơn. Khi họ vào vùng đất Ea Dăh đã khai hoang được ít nương rẫy để canh tác, phần lớn diện tích này là đất lâm nghiệp thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Krông Năng quản lý.
Để sớm ổn định vùng dân di cư tự do, hạn chế nạn du canh, dư cư chặt phá rừng làm nương rẫy, Đắk Lắk đã có chủ trương quy hoạch vùng đất để thành lập khu dân cư ổn định di dời các hộ dân di cư tự do đang sinh sống rải rác trong rừng về sinh sống tập trung tiện cho việc quản lý và xây dựng cơ sở hạ tầng như: điện, đường; con cái được đi học, được chăm sóc sức khỏe để người dân có cuộc sống tốt hơn.
Nhiều hộ dân đã di dời về thôn Giang Châu gần trung tâm xã Ea Dăh từ những năm 2003 - 2004. Tại đây họ được giao 1 sào đất để làm nhà, làm vườn ổn định cuộc sống. Thế nhưng hơn 15 năm họ sống trên thửa đất được Nhà nước giao nhưng lại chưa được cấp QSDĐ vì trước kia khu vực này còn thuộc đất lâm nghiệp. Sau đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đã thu hồi từ Ban quản lý rừng phòng hộ Krông Năng chuyển về cho địa phương quản lý, giao UBND xã Ea Dăh quản lý theo quy hoạch và thực hiện việc kê khai cấp QSDĐ cho người dân theo hiện trạng.
Thế nhưng người dân nơi đây lại đang gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện các thủ tục cấp GCNQSDĐ. Ông Hà Văn Thái - thôn Giang Châu chia sẻ: “Gia đình di cư từ huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình vào đây sinh sống từ năm 1996. Vợ chồng tôi cùng với bà con xóm làng đi cùng đã khai hoang được hơn 1 ha đất ở bìa rừng nhưng không biết do ai quản lý, cũng không có cơ quan chức năng hay cán bộ nào nhắc nhở. Đất vỡ xong chúng tôi trồng cây lúa, bắp để có lương thực sống qua ngày và học hỏi cách trồng cây cà phê, và ở trên đất đã khai hoang. Đến năm 2003 Nhà nước nói vùng này là đất lâm nghiệp nên quy hoạch cho chúng tôi một nơi ở mới. Khoảng 25 hộ đã di dời về nơi ở mới, mỗi hộ được giao 1 sào đất để làm nhà ở và làm vườn theo quy hoạch của Nhà nước. Thế nhưng đã 15 năm trôi qua dân chúng tôi chưa được cấp GCNQSDĐ”.
Cùng chung phàn nàn là ông Ma Đình Túc, ông Hà Văn Ươm. Ông Ươm bức xúc, cho biết: “Chúng tôi được di dời ra đây đã lâu, kinh tế gia đình hết sức khó khăn, chỉ mong được nhà nước cấp GCNQSDĐ để thế chấp vay vốn từ ngân hàng mua con trâu, con bò về nuôi, mua phân bón đầu tư cho cây cà phê để tăng thêm thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình. Đất thì có hạn, con cái lại đông mà các cháu đang đi học nên kinh tế gia đình rất khó khăn lắm”.
Người dân thôn Giang Châu phản ánh: Khoảng 2 năm trước, người dân đã thực hiện kê khai đăng ký cấp GCNQSDĐ nhưng phần lớn người dân chưa được cấp. Nhiều hộ dân đến hỏi thì được công chức địa chính xã hẹn đi, hẹn lại nhiều lần mà không giải thích gì thêm. Nhiều trường hợp còn nhận được thông tin đang còn là đất lâm nghiệp nên chưa được cấp QSDĐ.
Tìm hiểu thực tế cho thấy: Tại thôn Giang Châu những người làm cán bộ thôn, xã đã được cấp QSDĐ như: Nhà ông Xung - Trưởng thôn, Phó thôn là ông Đào và một số cán bộ xã đã làm được sổ. Nhiều trường hợp đối diện đường thôn được cấp, sau lưng được cấp còn ở giữa thì không, lên hỏi địa chính xã thì không được giải thích vì sao chưa.
Người dân cho biết: Cũng đã có một số hộ dân không phải làn cán bộ cũng đã được cấp QSDĐ. Khi người dân tìm hiểu thì được một số hộ như ông Chiến và ông Hùng mách nhỏ là: “Muốn làm sổ nhanh thì đến gặp ông Vũ (em ông Vỹ - công chức địa chính Ea Dăh) và chung chi 8 triệu đồng/1ha đất là được cấp GCNQSDĐ. Thâm chí một số trường hợp có thông tin là đất lâm nghiệp vẫn được cấp QSDĐ nhanh chóng.
Khi phóng viên hoài nghi về việc ông Vũ là người thân cán bộ địa chính xã đứng ra nhận làm hồ sơ cấp GCNQSDĐ có kết quả nhanh với giá 8 triệu/1 ha đất nông nghiệp, còn đất ở thì tính theo sổ, người dân đã đưa ra bằng chứng là file ghi âm. Đoạn ghi âm dài hơn 10 phút ghi lại cuộc trao đổi giữa người dân với người được cho là ông Vũ (em của ông Vỹ) với nội dung: “Sau khi lo thủ tục làm bìa đỏ nhanh gọn thì hộ dân phải đưa cho ông ta 8 triệu/1 ha đất. Đối với đất ở tính theo sổ. Ông này còn rất rành rọt hướng dẫn người dân về cách “lách luật” để không phải nộp tiền sử dụng đất hoặc nộp ít hơn quy định với các loại giấy tờ mà người dân cũng không hiểu là giấy gì…”. Qua đoạn ghi âm này cho thấy người dân tố cáo phải chung chi mới được cấp GCNQSDĐ là có cơ sở.
Cơ quan chức năng nói gì?
Từ phản ảnh của người dân, chúng tôi đã làm việc với ông Đinh Xuân Hạnh - Chủ tịch UBND xã EaDăh, được biết: Nhu cầu cấp QSDĐ của người dân không chỉ riêng thôn Giang Châu mà là cả xã. Cũng có nhà được cấp có nhà chưa được cấp là bình thường. Hiện tại đất của Ban quản lý rừng Phòng hộ krông năng, tỉnh đã giao về cho huyện quản lý rồi nhưng không nhớ là năm nào. Cũng có trường hợp dân còn ở, canh tác trên đất rừng nên cũng khó xác định.
Ông Hạnh cũng thừa nhận, ông Chuẩn, ông Xung, ông Đào là cán bộ xã, thôn và đã được cấp sổ đỏ. Chúng tôi đặt vấn đề tại sao nhà cán bộ xã, thôn và nhà có tiền bôi trơn như tin đồn thì được cấp sổ, còn mà những hộ dân đã làm thủ tục 2 năm lại chưa được cấp?. Ông Hạnh đã không trả lời mà lái sang câu chuyện khác và đi nghe điện thoại, ngồi vào bàn làm việc xem máy tính. Sau khi quay lại bàn làm việc ông Hạnh nói: Trên địa bàn đã có một người tự xưng làm được sổ và có nhận tiền của dân, sau đó không làm được đã trả lại, nhưng ông Hạnh không cho biết tên là ai. Khi chúng tôi nói có người tự xưng là người nhà ông Vỹ làm công chức địa chính xã nhận 8 triệu/1 ha để làm sổ đỏ nhanh gọn, ông Hạnh nói giờ mới nghe nên để kiểm tra lại.
Ông Hạnh còn khẳng định là dân cứ lên kê khai làm các thủ tục, nếu đủ thì nhận, nếu thiếu công chức địa chính xã sẻ hướng dẫn chứ không làm khó, xét duyệt xong là chuyển lên huyện ngay không để lâu. "Còn vấn đề UBND xã “ngâm” hồ sơ đăng ký cấp GCNQSDĐ của dân để trục lợi qua việc chung chi như dân phản ảnh thì chưa thấy họ phản ảnh lên lãnh đạo xã nên chưa nắm được" - ông Hạnh nói.
Về việc cấp QSDĐ tại xã Ea Dăh, ông Lê Minh Túc - Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Krông Năng cho biết: “Để được cấp GCNQSDĐ thì người dân kê khai tại xã. Sau đó UBND xã xét duyệt hồ sơ nào đủ điều kiện thì gửi lên bộ phận một cửa của huyện, hồ sơ nào chưa đủ thì cán bộ xã sẻ hướng dẫn làm cho xong chậm nhất chưa đầy 1 tháng. Sau khi bộ phận một cửa huyện nhận hồ sơ sẽ chuyển trong ngày cho chúng tôi để xử lý và đều có biên nhận để theo dõi. Những hồ sơ đủ điều kiện thì tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện ra quyết định trong vòng 1 tháng là có sổ. Hồ sơ nào chưa đủ điều kiện thì sau đó khoảng 1 tuần trả về xã để bổ sung cho đủ. Như vậy hồ sơ của người dân thôn Giang Châu đã hoàn thành 2 năm mà chưa có GCNQSDĐ là vô lý.”
Ông Túc cũng đã cho cán bộ của mình tìm thông tin hồ sơ của hộ ông Thái, ông Ươm, ông Túc thôn Giang Châu, xã Ea Dăh nhưng không có. Trong khi đó chiều ngày 14/5/2018 cả ông Thái, ông Ươm và ông Túc đã lên xã hỏi ông Vỹ - địa chính thì được trả lời: “Hồ sơ đã chuyển hết lên huyện”.
Xã nói đã chuyển lên huyện, huyện kiểm tra không có, vậy hồ sơ của các hộ dân đang nằm ở đâu? Trong khi đó người dân tố cáo công chức địa chính xã ‘‘ngâm” hồ sơ của dân để trục lợi liệu đã đúng bản chất của vấn đề hay là đang có đường dây “ngâm” hồ sơ của dân để trục lợi một cách hệ thống?. Trong khi đó ở xã chỉ có cán bộ xã, thôn và người có tiền bôi trơn thì được cấp GCNQSDĐ còn phần lớn người dân thì chưa mà không được biết lý do. Vấn đề này đang cần các cơ quan chức năng huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk sớm vào cuộc điều tra làm rõ.
Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục theo dõi, thông tin vụ việc nêu trên.