Thu hồi hết… lối đi?
Trong Đơn kêu cứu gửi về Báo Tài nguyên và Môi trường, gia đình ông Nguyễn Văn Việt và bà Trương Thị Minh Thu có địa chỉ tại tổ dân phố Cầu Thành 1, thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) nêu: Trước đây, bố mẹ cho vợ chồng ông khu đồi rừng sản xuất (được Nhà nước cấp quyền sử dụng đất) với diện tích 1.458,5 m2 tại số thửa 3 và thửa 26, tờ bản đồ số 54, địa chỉ: xóm Đồng Khuân, thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Mục đích sử dụng là để canh tác nông nghiệp.
Để thuận tiện cho việc canh tác tại khu vực này, đầu những năm 2000, gia đình ông đã phải bỏ tiền mua đất của các hộ dân xung quanh để sửa chữa, cải tạo làm phần đường vào khu canh tác. “Cách duy nhất lên khu đồi này chỉ đi bộ. Bố mẹ tôi và cả 3 anh em chúng tôi đã phải bỏ rất nhiều tiền bạc, công sức xây dựng con đường để lên trồng, chăm sóc thu hoạch cây cối trên khu vực đồi rừng của nhà mình. Vậy mà giờ chính quyền lại thu hồi mà chỉ thu hồi riêng con đường này thì chúng tôi lên đây bằng gì?” - ông Nguyễn Văn Việt bức xúc.
Khu vực con đường mà người dân thị trấn Hùng Sơn cho rằng chưa giải phóng mặt bằng xong đã thi công. |
Không chỉ gia đình ông Việt, có mặt ở khu vực xây dựng hệ thống sàng tuyển của Công ty CP Kim loại màu Thái Nguyên trên đỉnh đồi, ông Phạm Văn Đại ở xóm 4 xã Hà Thượng cũng bức xúc cho rằng, phía Công ty đã tự ý xây dựng hệ thống điện cao thế mà chưa bồi thường gì cho gia đình mình. Ông Đại khẳng định: “Đến thời điểm này, tôi chưa hề nhận tiền bồi thường hay hỗ trợ gì của Công ty liên quan đến việc làm đường hay làm hệ thống điện trên phần đất đồi rừng của gia đình tôi. Rất mong cả phía chính quyền huyện Đại Từ và phía Công ty giải quyết chính đáng quyền lợi cho chúng tôi”.
Điều 69 Luật Đất đai năm 2013 quy định Trình tự, thủ tục thu hồi đất như sau:
- Bước 1: Thông báo thu hồi đất
- Bước 2: Ra quyết định thu hồi đất
- Bước 3: Kiểm kê đất đai, tài sản có trên đất
- Bước 4: Lấy ý kiến, lập và thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Việc lấy ý kiến theo hình thức tổ chức họp trực tiếp với người dân trong khu vực có đất thu hồi, đồng thời niêm yết công khai phương án bồi thường tại UBND cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi.
- Bước 5: Quyết định phê duyệt và niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Quyết định này phải ghi rõ mức bồi thường, thời gian, địa điểm chi trả tiền bồi thường, thời gian bố trí nhà hoặc đất tái định cư (nếu có) và thời gian bàn giao đất đã thu hồi cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng; niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã và địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi; gửi quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đến từng người có đất thu hồi.
- Bước 6: Tổ chức chi trả bồi thường
- Bước 7: Cưỡng chế thu hồi đất
Nhà dân bị lún, nứt… Thị trấn thờ ơ
Không chỉ câu chuyện đền bù giải phóng mặt bằng chưa thỏa đáng, khi phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường có mặt ở khu vực này, nhiều hộ dân ở xóm Hợp Thành, thị trấn Hùng Sơn cũng bức xúc về việc VIMICO nổ mìn gây nứt nhà của mình.
Ông Nguyễn Văn Quý, người dân sống ngay cạnh khu vực khai thác của Công ty cho biết: Gia đình ông sống gần khu vực khai thác của Công ty nên tiếng mìn nổ và tiếng các loại máy suốt ngày đêm gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống gia đình. Ông cho biết, mỗi khi nổ mìn, vợ chồng ông đều phải ôm các cháu nội đến nhà anh con trai út cách đó gần 1 km để “lánh nạn”. Chỉ vào những vết nứt trên tường nhà mình, ông Nguyễn Văn Quý bức xúc: “Tôi đã kiến nghị rất nhiều lần lên cả phía Công ty và chính quyền thị trấn Hùng Sơn. Nhưng họp đi họp lại mãi mà họ vẫn chẳng thèm đoái hoài hay có biện pháp đền bù gì cho nhà tôi hết”.
Người dân thị trấn Hùng Sơn lo lắng khi nhà cửa bị nứt do nổ mìn gây ra |
Tương tự, ông Nguyễn Văn Thịnh ở tổ dân phố Hợp Thành cho rằng, việc làm (nổ mìn) của Công ty như vậy là phá vỡ cuộc sống yên lành của người dân nơi đây. “Chúng tôi thường xuyên phải chịu tiếng nổ mìn như tiếng bom mà… phát hãi. Chúng tôi chỉ mong các cấp chính quyền xem xét để chúng tôi đỡ tổn hại mỗi khi mỏ nổ mìn khiến nhà chúng tôi bị rung chuyển, nứt toác…”
Trước những kiến nghị bằng văn bản của người dân về vấn đề này, ngày 10/6/2020, Chủ tịch UBND thị trấn Hùng Sơn, ông Nguyễn Tất Lợi đã có báo cáo với UBND huyện Đại Từ về “kiến nghị của công dân liên quan đến Dự án khai thác mỏ Thiếc gốc phía Tây Núi Pháo trên địa bàn thị trấn”. Theo đó, để giải quyết dứt điểm nội dung kiến nghị của nhân dân, nhằm đảm bảo ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn… UBND thị trấn yêu cầu chủ dự án và các bên có liên quan kiểm tra và có phương án trả lời những kiến nghị của nhân dân trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, nói như bức xúc của ông Nguyễn Văn Quý thì: “Họ hẹn rồi… bỏ đó”!
UBND huyện hẹn rồi… bận họp(!)
Đem những câu hỏi, kiến nghị của người dân gửi đến chính quyền cấp thị trấn, và các cơ quan của huyện Đại Từ, nhóm phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã nhiều lần đi từ Hà Nội lên Đại Từ nhưng thường xuyên chỉ nhận được những... lịch hẹn.
Sau nhiều lần hẹn, phóng viên đã làm việc được với Chủ tịch UBND thị trấn Hùng Sơn - ông Nguyễn Tất Lợi và Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Đại Từ, ông Đinh Văn Trọng. Cả hai nội dung của Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Đại Từ và UBND thị trấn Hùng Sơn đều chỉ xoay quanh câu chuyện gia đình ông Nguyễn Văn Việt và Trương Thị Minh Thu không chịu nhận tiền đền bù.
Còn những câu hỏi liên quan đến các vấn đề như: Quyền lợi của người dân khi thu hồi hết đường vào đồi của gia đình ông Nguyễn Văn Việt; quyền lợi của người dân khi phía Công ty Cổ phần Kim loại màu Thái Nguyên VIMICO nổ mìn gây nứt nhà; Việc Công ty thi công con đường khi chưa hoàn thành đền bù giải phóng mặt bằng là đúng hay sai?... như người dân phản ánh thì cả Chủ tịch UBND thị trấn Hùng Sơn và ông Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Đại Từ đều… từ chối trả lời. Lý do hai vị đưa ra đó là họ không đủ thẩm quyền trả lời báo chí.
Đem câu hỏi này tới Chánh Văn phòng UBND huyện Đại Từ, ông Đặng Cương Quyết trả lời: các anh thông cảm, hôm nay huyện họp Thường vụ nên lãnh đạo chưa tiếp được. Còn Chủ tịch UBND huyện Đại Từ khi trả lời qua điện thoại của phóng viên cũng có những câu trả lời tương tự.
Thiết nghĩ, trước những đòi hỏi chính đáng của người dân thị trấn Hùng Sơn, UBND huyện Đại Từ nói riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung cần có những câu trả lời và phương án thỏa đáng để đảm bảo quyền lợi của người dân trước khi triển khai dự án này.
Hành vi của Xí nghiệp thiếc Đại Từ là “tự ý cưỡng chế” thu hồi đất
Trường hợp người có đất thu hồi đã được vận động, thuyết phục nhưng không chấp hành việc bàn giao đất cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành Quyết định cưỡng chế thu hồi đất và tổ chức thực hiện việc cưỡng chế theo quy định tại Điều 71 của Luật Đất đai.
Căn cứ theo quy định trên, trường hợp thu hồi đất tại Dự án Khai thác mỏ thiếc gốc tiểu khu phía Nam, khu Tây Núi Pháo (đợt 6), là người có đất bị thu hồi nhưng hộ gia đình ông Nguyễn Văn Việt và bà Trương Thị Minh Thu vẫn chưa đồng ý với phương án bồi thường, vì theo phương án này, ông bà không được nhận bồi thường chi phí đã đầu tư cải tạo đường đi (cũng thuộc diện tích đất bị thu hồi). Họ cũng đã nhiều lần gửi văn bản ý kiến đến chủ đầu tư đề nghị được bồi thường chi phí này nhưng chưa được giải quyết. Do đó, gia đình chưa bàn giao đất thu hồi cho cơ quan có thẩm quyền. Điều này đồng nghĩa với việc đất đai vẫn đang thuộc quyền sử dụng hợp pháp của gia đình.
Tuy nhiên, dù chưa bàn giao đất, Chủ tịch UBND huyện cũng chưa ban hành Quyết định cưỡng chế thu hồi đất và tổ chức thực hiện việc cưỡng chế, nhưng hiện tại, phần diện tích đất này đã bị Xí nghiệp thiếc Đại Từ (Chủ đầu tư dự án) tự ý đưa máy móc vào để san ủi, phá bỏ.
Hành vi của Xí nghiệp thiếc Đại Từ là “tự ý cưỡng chế” thu hồi đất, vi phạm quy định của Luật Đất đai về thực hiện trình tự, thủ tục thu hồi đất và xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình ông Việt, bà Thu.
Luật sư Đặng Thành Chung,
Giám đốc Công ty Luật TNHH An Ninh