Khoáng sản

Đại Lộc (Quảng Nam): Tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản

Anh Dũng 19/06/2023 - 14:08

(TN&MT) - Trong 6 tháng đầu năm 2023, phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Đại Lộc đã tham mưu cho UBND huyện trên lĩnh vực TN&MT có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là công tác quản lý khoáng sản; những vướng mắc, khó khăn từng bước được tháo gỡ; giải quyết, xử lý kịp thời những điểm nóng về khoáng sản.

Theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2023, Phòng TN&MT huyện Đại Lộc tổ chức triển khai các văn bản chỉ đạo của tỉnh Quảng Nam về công tác quản lý khoáng sản, cụ thể như: triển khai tốt Kết luận số 73-KL/TU ngày 20/7/2021 của Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ môi trường (BVMT) và tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình hành động của UBND tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 2706/QĐ-UBND ngày 22/9/2021 và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh trong công tác quản lý quy hoạch, thăm dò, khai thác khoáng sản (KTKS) làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường.

42.jpg
Hoạt động khai thác cát, sỏi trên địa bàn huyện Đại Lộc ngày càng đi vào nền nếp, ổn định.

Đồng thời, tham mưu UBND huyện Đại Lộc ban hành Kế hoạch số 18/KH-UBND ngày 6/2/2023 và ban hành Quyết định số 37/QĐ-UBND ngày 7/2/2023 thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật và truy quét, xử lý vi phạm trong hoạt động thăm dò, khai thác, tập kết, chế biến, mua bán, vận chuyển khoáng sản trái pháp luật trên địa bàn huyện.

Qua đó, Phòng đã tổ chức họp Đoàn kiểm tra liên ngành và tiến hành kiểm tra, làm việc với các đơn vị đang còn giấy phép về việc hoạt động KTKS cát, sỏi trên địa bàn huyện.

Giám sát hoạt động KTKS của Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Pha Lê, qua đó yêu cầu Công ty tuân thủ đúng quy định của pháp luật trong khai thác khoáng sản… đến nay đã đi vào nền nếp.

Phối hợp với các ngành và địa phương liên quan kiểm tra vị trí lắp đặt hệ thống trạm cân và camera giám sát hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản của các đơn vị: Công ty TNHH Quang Cử tại thôn 1, xã Đại Hòa và Bãi tập kết tại thôn Quảng Huế, xã Đại An; Công ty TNHH MTV Nông Lâm Đất Việt tại thôn Phú Quý, xã Đại Hiệp. Phối hợp cùng Sở TN&MT kiểm tra việc đóng mốc ranh giới KTKS đá làm VLXD thông thường và đất tầng phủ làm vật liệu san lấp công trình của Công ty TNHH MTV Nông Lâm Đất Việt.

Về công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác và quản lý khoáng sản sau cấp phép: Thời gian qua, các địa phương nghiêm túc tổ chức thực hiện Quy chế phối hợp trong công tác quản lý hoạt động khai thác, tập kết, chế biến, vận chuyển tài nguyên khoáng sản và BVMT trên địa bàn huyện được ban hành kèm theo Quyết định số 154/QĐ-UBND ngày 9/3/2022 của UBND huyện. Theo thông tin phản ánh từ người dân về tình trạng khai thác cát trái phép, Phòng TN&MT đã kịp thời làm việc với các địa phương liên quan và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý khoáng sản chưa khai thác, không để tình trạng khai thác cát trái phép tái diễn.

Công tác tham mưu tổ chức đấu giá quyền KTKS: Phòng trình UBND huyện phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền KTKS đất san lấp 1 điểm mỏ tại xã Đại Nghĩa và hiện đang lập các bước thủ tục lựa chọn đơn vị tư vấn, chọn nhà thầu theo quy định. Đồng thời, tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch đấu giá quyền KTKS trên địa bàn huyện đến năm 2025.

Tiến độ tham mưu đóng cửa các mỏ khoáng sản hết thời hạn khai thác: Đối với các công ty gần hết thời hạn khai thác, Phòng đã làm việc yêu cầu các doanh nghiệp (DN) thực hiện nghĩa vụ đóng nộp ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường theo quy định, tiến hành các bước hoàn thổ mặt bằng, đưa dần các tài sản, máy móc, thiết bị ra khỏi khu vực mỏ và lập Đề án thực hiện đóng cửa mỏ theo thông báo của Sở TN&MT tỉnh. Đối với mỏ khoáng sản đã hết hạn khai thác nhưng chưa thực hiện việc đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường, Phòng đã nhiều lần mời làm việc nhưng các đơn vị này không đến làm việc, qua đó, Phòng có báo cáo và tham mưu UBND huyện có báo cáo gửi Sở TN&MT, UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo để xử lý.

Ngoài ra, Phòng còn tham mưu UBND huyện trình UBND tỉnh, Sở TN&MT: Cho phép Công ty CP Đại Hưng được thăm dò, đánh giá lại trữ lượng mỏ đất sét tại khu vực Truông dài, thôn Mỹ Nam, xã Đại Tân; có ý kiến thẩm định thiết kế thi công triển khai sau thiết kế cơ sở công trình KTKS than tại phần phía Tây Bắc của Vỉa than 3, mỏ than An Điềm, huyện Đại Lộc của Công ty CP Tập đoàn Khoáng sản 6666.

Qua trao đổi với ông Võ Ngọc Tốt - Trưởng phòng TN&MT huyện Đại Lộc, hiện nay, trên địa bàn huyện Đại Lộc có 3 mỏ cát, sỏi của Công ty CP Trường Lợi, Công ty TNHH ĐT TM Pha Lê, Công ty TNHH MTV Quang Cử được phép hoạt động.

Từ sau dịp nghỉ lễ Tết Nguyên đán, các DN khai thác cát, sỏi nêu trên chậm đưa mỏ vào hoạt động dẫn đến khan hiếm nguồn nguyên liệu cát, sỏi phục vụ cho các công trình trọng điểm trên địa bàn huyện và khu vực lân cận, làm cho giá cát, sỏi lên cao. Trước tình hình đó, UBND huyện đã trực tiếp chỉ đạo Phòng TN&MT phối hợp với địa phương nơi có mỏ, kiểm tra thực tế và làm việc với các DN, đề nghị đưa mỏ vào hoạt động nhằm bình ổn giá. Bằng nhiều biện pháp quản lý, Phòng TN&MT đã buộc các DN này đưa mỏ vào hoạt động theo quy định, qua đó, góp phần lớn trong việc cung cấp nguồn cát, sỏi cho thị trường, đưa giá cát, sỏi bán tại mỏ của các DN về một giá theo quy định của UBND tỉnh (150.000 đồng/m3). Từ đó đến nay, các đơn vị này đã tổ chức khai thác cơ bản đảm bảo đúng quy định, kịp thời cung cấp nguồn nguyên liệu cát làm VLXD thông thường, đảm bảo bình ổn giá cả thị trường cát, sỏi.

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, UBND huyện Đại Lộc đã tổ chức cuộc họp vào ngày 9/6/2023 nhằm đánh giá kết quả thực hiện quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn huyện trong 6 tháng đầu năm và đưa ra nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm; qua đó, lãnh đạo UBND huyện Đại Lộc đã chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện một số nội dung sau:

Tiếp tục quán triệt sâu sắc các quy định của pháp luật và cụ thể hóa trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc tổ chức thực hiện hiệu quả Kết luận số 73-KL/TU ngày 20/7/2021, Quyết định số 2706/QĐ-UBND và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý BVMT, tài nguyên khoáng sản.

Tiếp tục quán triệt quan điểm phát triển kinh tế - xã hội, KTKS phải đi đôi với BVMT, bảo đảm quốc phòng - an ninh; tăng cường sự phối hợp giữa các địa phương, giữa địa phương với các phòng ban, đơn vị có liên quan. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các trường hợp gây bức xúc dư luận, không để vụ việc kéo dài, xảy ra điểm nóng.

Đẩy mạnh xã hội hóa về công tác quản lý khoáng sản và BVMT; phát huy hiệu quả vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội của cấp xã và cộng đồng dân cư đối với các hoạt động BVMT, quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản.

Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến lĩnh vực tài nguyên khoáng sản và BVMT.

Tăng cường công tác bảo vệ khoáng sản chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép; Chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của hoạt động KTKS được cấp phép.

Thực hiện nghiêm quy chế phối hợp trong công tác quản lý hoạt động khai thác, tập kết, chế biến, vận chuyển tài nguyên khoáng sản và BVMT trên địa bàn huyện Đại Lộc đã được UBND huyện phê duyệt tại Quyết định số 154/QĐ-UBND ngày 9/3/2022.

Tổ chức lập thủ tục đưa các mỏ khoáng sản làm VLXD thông thường đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch vào đấu giá quyền khai thác và lập thủ tục cấp phép theo quy định để đảm bảo nguồn cung cho thị trường ổn định, lâu dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại Lộc (Quảng Nam): Tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO