Đại học TN&MT TP.HCM: Không ngừng lớn mạnh và phát triển

Nguyễn Tú| 04/08/2022 15:01

(TN&MT) - Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM hiện đang hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trọng điểm ở khu vực phía Nam, phục vụ cho ngành TN&MT và xã hội. Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Huỳnh Quyền - Hiệu trưởng Nhà trường xung quanh nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này.

Do có nhiều thành tích tốt trong hoạt động nghiên cứu khoa học, phục vụ phát triển đất nước, Trường Đại học TN&MT TP.HCM đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng: Huân chương Lao động hạng Nhì; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; Bộ trưởng Bộ TN&MT tặng Bằng khen; Điển hình Tiên tiến ngành TN&MT giai đoạn 2015 - 2020 cho tập thể và cá nhân của Trường

PV: Xin ông cho biết, hiện tại, Nhà trường đã có những định hướng nào trong việc đào tạo nguồn nhân lực và đặc biệt là nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ?

PGS.TS Huỳnh Quyền: Xác định rõ vai trò, sứ mệnh tiên phong, dẫn dắt của một trường đại học công lập, là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực TN&MT và trong bối cảnh đào tạo theo nhu cầu của xã hội, trước yêu cầu khắt khe về chất lượng của nguồn nhân lực cho thời kỳ công nghiệp 4.0, Nhà trường cũng đã và đang chủ động xây dựng và triển khai các hoạt động về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Cụ thể, về công tác đào tạo, Nhà trường hiện đang tiếp tục thực hiện xây dựng khung chương trình đào tạo, chương trình đào tạo theo hướng liên ngành, xuyên ngành với mục tiêu đảm bảo sinh viên, học viên sau khi tốt nghiệp ra trường đủ năng lực chuyên môn để giải quyết các vấn đề mang tính liên ngành, xuyên ngành, các vấn đề phức tạp. Bởi như chúng ta đã biết, với thời đại kỷ nguyên số, các vấn đề mang tính hẹp, chuyên ngành, đơn ngành sẽ được thực hiện bởi chương trình máy tính và robot.

Hoạt động nghiên cứu khoa học hiện đang phát triển rất mạnh, Nhà trường còn xác định, chìa khóa của sự thành công này là kết quả của quá trình tăng cường hợp tác quốc tế và trong nước. Hiện nay, Nhà trường tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác về khoa học công nghệ với nhiều trường đại học nước ngoài, các tổ chức doanh nghiệp trong nước thông qua các ký kết MOU, MOA, tạo điều kiện tối đa cho cán bộ, giảng viên trường tham dự nhiều chương trình khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế.

a3.tp.hcm-ky-ket-hop-tac(1).jpg

PGS. TS Huỳnh Quyền chủ trì Lễ Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Trường Đại học TN&MT TP.HCM - HCMUNRE với Công ty Hexagone INC - SCHOOLAB (tháng 4/2022).

PV: Ông có thể chia sẻ về những kết quả nổi bật trong công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ phục vụ cộng đồng của Nhà trường thời gian qua?

PGS.TS Huỳnh Quyền: Xác định rõ nhiệm vụ chính trị được Bộ TN&MT giao, kiên định với mục tiêu và kế hoạch thực hiện các nội dung trong chiến lược phát triển của Nhà trường giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2035, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ cộng đồng của Nhà trường đã và đang phát triển rất mạnh. Tính đến cuối năm 2021, tổng số các công bố khoa học qua các tạp chí quốc tế: ISI, SCOPUS, không thuộc ISI và các tạp chí khoa học trong nước, các bài đăng trên kỷ yếu của các hội thảo quốc tế và trong nước của Nhà trường lên đến con số 700.

Đặc biệt, giai đoạn 2019 - 2021, Nhà trường đã thực hiện đăng ký bản quyền về công nghệ hơn 5 sản phẩm nghiên cứu với Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam. Từ năm 2019 - 2021, nhiều sản phẩm, đề tài nghiên cứu khoa học của Nhà trường đã được chuyển giao ứng dụng vào thực tiễn như: Xây dựng cơ sở dữ liệu về giá đất, lập bản đồ và chuyển giao sản phẩm phần mềm VinaLandInfo 2.0 với 16 module chức năng được hiệu chỉnh phù hợp với thực tiễn quản lý giá đất tại địa phương đã được nhiều địa phương ứng dụng; công nghệ xử lý rác thải rắn độc hại... đã được đưa vào ứng dụng.

Sinh viên Nhà trường đã giành nhiều giải thưởng nghiên cứu khoa học như: Dự án Lá cây nhân tạo hấp thụ khí nhà kính CO2 bằng vật liệu nano mới dựa trên MgO của nhóm Green Leaves, Quán quân Cuộc thi Startup Bootcamp 2021; sinh viên Khoa Quản lý Tài nguyên Biển và Hải đảo đạt giải Khuyến khích giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Eureka lần thứ XXII năm 2020; Top 10 dự án về các giải pháp xử lý, kiểm soát ô nhiễm không khí do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ trong Hội trại Sáng kiến thanh niên hành động vì không khí sạch 2021…

a4.-tp.hcm-sinh-vien-thuc-hanh-min-1-.jpg

Sinh viên đang được hướng dẫn thực hành tại phòng thí nghiệm của Trường.

PV: Thời gian tới, Nhà trường có những định hướng đào tạo như thế nào để đáp ứng yêu cầu về nhân sự ngày càng cao cho ngành TN&MT và cho xã hội?

PGS.TS Huỳnh Quyền: Hiện nay, có thể nói, để góp phần vào việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của đất nước, trong đó bảo vệ môi trường là một trong ba trụ cột thì vấn đề đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường lao động trong thời kỳ công nghiệp 4.0 là rất quan trọng. Xác định rõ sứ mệnh và nhiệm vụ chính trị được Bộ TN&MT giao, Nhà trường tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được, phấn đấu trở thành trung tâm đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực TN&MT cho khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Bằng việc kịp thời điều chỉnh, bổ sung, cập nhật khung chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra của từng chương trình đào tạo, ngành đào tạo và chuẩn đầu ra của sinh viên, học viên Trường Đại học TN&MT TP.HCM phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động. sinh viên, học viên sẽ được trang bị và tạo môi trường tốt nhất để rèn luyện các kỹ năng của sinh viên thế kỷ 21. Cùng với đó, năng lực chuyên môn của giảng viên sẽ được nâng cao qua việc tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế.

Hiện tại, Nhà trường tiếp tục duy trì mối quan hệ tốt với các đối tác trong và ngoài nước; đồng thời, tiếp tục phát triển hệ thống mạng lưới hợp tác, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước; xúc tiến tìm kiếm các đơn đặt hàng về nghiên cứu khoa học, đa dạng hóa các nguồn kinh phí dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học; từng bước hướng đến thực hiện tự chủ đại học, tạo điều kiện tốt nhất cho việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, vật lực trên tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm của một tổ chức giáo dục đại học theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại học TN&MT TP.HCM: Không ngừng lớn mạnh và phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO