Dai dẳng "nỗi đau khoáng tặc" ở Quảng Nam: "Lỗ hổng" thuế tài nguyên

08/06/2016 00:00

(TN&MT) - Tình trạng thất thu thuế tài nguyên từ mảnh đất mệnh danh “núi vàng” Quảng Nam là một thực trạng nức nhối chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Điều đáng nói, không chỉ thất thu thuế đối với những vụ việc khai thác lậu mà cả với các doanh nghiệp được cấp phép…

Nợ đọng chồng chất, ngân sách khó thu…

Theo ông Ngô Bốn, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, mặc dù, trên địa bàn có rất nhiều doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản, nhất là khai thác vàng nhưng nguồn thu ngân sách của việc này rất ít, không những thế nhiều doanh nghiệp để nợ đọng thuế kéo dài nhiều năm. Điển hình nhất, Nhà máy vàng Bồng Miêu và Phước Sơn, bắt đầu từ năm 2013, còn nợ hơn 298 tỷ đồng, tính cả tiền phạt là hơn 400 tỷ đồng (chiếm hơn 40% tổng nợ thuế của cả tỉnh). Dù các cơ quan chức năng của tỉnh đã áp dụng mọi biện pháp nhưng không thu được vì các cổ đông của 2 Công ty đã rút vốn.

Hoạt động khai thác khoáng sản ở Quảng Nam
Hoạt động khai thác khoáng sản ở Quảng Nam

Một nghịch lý là kể cả trước đây, khi 2 Công ty này đóng thuế, số thuế rất thấp. “Năm 2013, Nhà máy Bồng Miêu đóng 24 tỷ tiền thuế, tiền hoàn thuế là 28 tỷ, trong khi Nhà nước vừa mất thuế, mất mỏ. Đặc biệt, từ khi khai thác, sản xuất của 2 doanh nghiệp, tổng thu thuế chỉ có 700 tỷ, trong khi hoàn thuế 300 tỷ, nghĩa là Nhà nước chỉ thu được 400 tỷ trong vòng hàng chục năm”, ông Bốn nói.

Có một thực trạng khác là, doanh nghiệp được cấp phép thời gian đầu chấp hành các loại thuế phí khá đầy đủ nhưng tới khi gần hết phép lại tìm cách xù nợ, nhiều công ty khi Cục Thuế đến báo thu thuế mới biết đã chuyển địa điểm. “Có một huyện trên địa bàn tỉnh có 13 công ty khai khoáng đến lúc Giấy phép gần hết hạn đều nợ, cơ quan thuế tìm chủ doanh nghiệp rất khó khăn” -ông Bốn cho hay.

Đồng thời, nhiều doanh nghiệp không tuân thủ việc nộp thuế, khai thác có sản lượng nhưng nộp không xứng với tốc độ khai thác tài nguyên đang có nguy cơ thất thoát. Quảng Nam giàu tài nguyên nhưng thu thuế ít quá. Nguyên nhân nhân chính của việc này là do cơ chế cho doanh nghiệp tự kê khai sản lượng để nộp thuế. “Cơ chế cho doanh nghiệp tự kê khai sản lượng khai thác là lỗ hổng lớn nhất gây khó cho ngành thuế trong việc kiểm soát sản lượng khai thác thực của doanh nghiệp. Ngành Thuế có thanh tra, cũng chỉ dựa trên hồ sơ, chẳng ai dám chắc số liệu khai của doanh nghiệp có đúng không”, ông Bốn chia sẻ.

Mặt khác, chính vì cơ chế trên dẫn tới thực khai thác và báo cáo khác nhau nên Nhà nước thất thu tương đối lớn. Ví dụ, Quảng Nam còn cả chục công ty khai thác khoáng sản nhỏ lẻ, cấp phép thì nhiều nhưng khi khai thác không được 10% trữ lượng. Có doanh nghiệp trong Giấy phép được cấp trữ lượng 30 kg vàng nhưng đến khi hết phép báo cáo chỉ thu được 0,8 kg vàng, đến khi thanh tra thuế kiểm tra lên được 1,7 kg vàng.

“Theo ý kiến của tôi, thất thu thuế tài nguyên là rất lớn, đối với nhóm vật liệu xây dựng khoảng 10 – 20% nhưng đối với nhóm vàng, bạc, nói kiêm tốn cũng trên 50%”, ông Ngô Bốn, Cục trưởng Cục Thuế Quảng Nam trăn trở.

Kiến quyết “đóng cửa” doanh nghiệp nợ kéo dài

Để ngăn chặn thực trạng trên, theo ông Bốn, UBND tỉnh Quảng Nam đã ra nhiều văn bản để xử lý, gần đây nhất, Chủ tịch UBND tỉnh ra Chỉ thị số 17 về tăng cường công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh, trong đó, quy định sử dụng nguyên vật liệu phải có nguồn gốc hợp pháp, đến năm 2017, cơ sở nào vi phạm sẽ phải dừng hoạt động.

Thế nhưng, để xử lý việc này cần phải giải quyết vấn đề từ gốc, từ khâu khai báo sản lượng của doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Theo đó, Cục Thuế đã kiến nghị với lãnh đạo tỉnh đưa luôn thuế phí theo trữ lượng và đấu thầu mỏ, Giấy phép không phải là khoán thuế mà khoán trữ lượng để tránh thất thu thuế.

Đồng thời, Cục cũng tăng cường phối hợp với ngành TN&MT để giám sát việc khai thác của các doanh nghiệp.

Đồng quan điểm với ông Bốn, ông Nguyễn Viễn, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam cho rằng, đối với các doanh nghiệp được cấp phép khai thác mà làm ăn báo cáo thua lỗ, Sở sẽ kiến nghị UBND tỉnh thu hồi Giấy phép, đóng cửa mỏ.

Bài & ảnh: Trường Giang

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dai dẳng "nỗi đau khoáng tặc" ở Quảng Nam: "Lỗ hổng" thuế tài nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO