Dai dẳng "nỗi đau khoáng tặc" ở Quảng Nam: Đâu là giải pháp căn cơ?

10/06/2016 00:00

(TN&MT) - Liên quan tới thực trạng khai thác khoáng sản trái phép và làm sao để quản lý và khai thác hiệu quả tài nguyên khoáng sản ở Quảng Nam, Phóng viên Báo TN&MT đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Viễn, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam.

Ông Nguyễn Viễn - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam
Ông Nguyễn Viễn - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam

PV: Quản lý khoáng sản nhỏ lẻ là việc làm rất khó, nhất là đối với địa bàn rộng lớn, hiểm trở như tỉnh Quảng Nam. Thời gian qua, tỉnh đã có những giải pháp gì để quản lý hiệu quả, bảo vệ tài nguyên này, thưa ông?

Ông Nguyễn Viễn: Trên địa bàn tình Quảng Nam có 45 loại khoáng sản, trong đó có vàng gốc và cát trắng có quy mô lớn, các loại khoáng sản còn lại có quy mô nhỏ lẻ và phân tán chủ yếu tại 8 huyện miền núi nên công tác quản lý tài nguyên này tương đối khó khăn.

Trước đây tình trạng khai thác khoáng sản diễn ra ở nhiều nơi, những sau khi Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực, Sở đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều Văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý khoáng sản, nhất là ngăn ngừa, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Cụ thể, Chỉ thị số 08 của Tỉnh ủy ngày 13/4/2011; Chỉ thị số 12 ngày 15/4/2011 của UBND tỉnh; Quyết định số 23 ngày 20/8/2012 của UBND tỉnh… Gần đây nhất là Chỉ thị số 17 ngày 18/5/2016 của UBND tỉnh về triển khai các giải pháp, nhiệm vụ nhằm tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng bố trí nguồn kinh phí tương đối lớn để các cấp các ngành thực hiện, đồng thời, Tỉnh ủy, UBND, HĐND cũng tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện ở các ngành địa phương.

PV:Ông có nói cụ thể hơn về các giải pháp nhiệm vụ nhằm tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh?

Ông Nguyễn Viễn: Chỉ thị số 17 đã yêu cầu thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ảnh, kiến nghị về tiêu cực trong hoạt động quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản theo hai địa chỉ: tại Văn phòng UBND tỉnh, trong giờ hành chính; hoặc phản ánh đến số điện thoại 0913.480.369 của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn hoặc số 05103.506.669 (ông Trương Công Trân, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh); hoặc phản ánh qua thư điện tử theo địa chỉ “truongcongtran@gmail.com”. Tại Sở Tài nguyên và môi trường, phản ánh đến số điện thoại 0913.481.245 của tôi, Nguyễn Viễn - Giám đốc sở; số 0913.433.380 của ông Bùi Văn Ba - Trưởng phòng Quản lý khoáng sản, hoặc theo địa chỉ thư điện tử “pksquangnam@gmail.com”.

Khai thác khoáng sản ở Quảng Nam
Khai thác khoáng sản ở Quảng Nam

Chỉ thị này, cũng nêu rõ,  các Sở, ban ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành hành Luật Khoáng sản, các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về quản lý hoạt động khoáng sản. Đồng thời, nếu địa phương nào để xảy ra vi phạm về quản lý tài nguyên khoáng sản, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Đặc biệt, đối với cán bộ cơ quan nhà nước và lực lượng vũ trang có hành vi làm ngơ, bao che, tiếp tay cho hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, vận chuyển khoáng sản trái phép hoặc cấp phép không đúng thẩm quyền phải được xử lý nghiêm theo quy định. Kiên quyết đưa số cán bộ, chiến sĩ vi phạm ra khỏi bộ máy cơ quan của Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang.

Toàn tỉnh sẽ áp dụng biện pháp mạnh là phá hủy hoặc tiêu hủy các phương tiện, máy móc, thiết bị, công cụ, dụng cụ, vật dụng, công trình sử dụng vào hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, vận chuyển khoáng sản trái phép. Riêng đối với các tài sản, phương tiện, máy móc, thiết bị không phải chủ sở hữu của người tham gia hoạt động khoáng sản trái phép thì ngoài xử phạt vi phạm hành chính theo quy định còn áp dụng hình phạt bổ sung bằng tiền tương đương với giá trị của tài sản, phương tiện, máy móc, thiết bị.

PV: Để công tác quản lý khoáng sản hiệu quả hơn, ông có kiến nghị gì về mặt cơ chế, chính sách với Bộ TN&MT không, thưa ông?

Ông Nguyễn Viễn: Mặc dù Luật khoáng sản quy định khá cụ thể, chặt trẽ về công tác quản lý, tuy nhiên vẫn còn một số quy định con quá chặt chẽ, chua phù hợp với thực tế. Do đó, để công tác quản lý tài nguyên khoáng sản hiệu quả hơn, Sở TN&MT Quảng Nam kiến nghị Bộ TN&MT xem xét một số nội dung như:

Thứ nhất, căn cứ vào đề nghị của tỉnh và kết quả đánh giá khoáng sản trong giai đoạn điều tra cơ bản địa chất và khoáng sản hoặc kết quả thăm dò khoáng sản được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, Bộ TN&MT sớm khoanh định và công bố là khu vực có khoáng sản phân bố nhỏ, lẻ để tỉnh cấp phép, nhằm hạn chế khai thác trái phép. Đồng thời không bắt buộc doanh nghiệp phải tiến hành thực hiện điều tra, đánh giá gây tốn kém, mất thời gian với các mỏ nhỏ lẻ này.

Thứ hai, cho phép UBND tỉnh được cấp phép khai thác khoáng sản cát trắng, đất sét trong khu vực đầu tư xây dựng công trình. Không đấu giá đối với trường hợp cấp phép khai thác khoáng sản cung cấp vật liệu thi công các công trình trọng điểm, công trình ở địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biêt khó khăn và cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến đã đầu tư nhưng chưa có nguồn nguyên liệu để nhanh chóng giải quyết nguyên liệu cho nhà máy, vật liệu thi công công trình…

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Trường Giang

 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dai dẳng "nỗi đau khoáng tặc" ở Quảng Nam: Đâu là giải pháp căn cơ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO