Dai dẳng "nỗi đau khoáng tặc" ở Quảng Nam: Chuyện buồn thôn Dung

02/06/2016 00:00

(TN&MT) - Cho dù nhiều năm nay, Tỉnh ủy, UBND  tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều Văn bản chỉ đạo, ra quân truy quét nhưng nạn khai thác trái phép khoáng sản nói chung và khai thác vàng nói riêng vẫn tồn tại dai dẳng, nhức nhối. khi vấn nạn này chưa dẹp bỏ, Quảng Nam vẫn còn tồn tại ô nhiễm môi trường do khai thác lậu, tử vong do mất an toàn lao động, ảnh hưởng tới an ninh trật tự, Nhà nước thất thu và nhân dân mất niềm tin vào lực lượng chức năng...

Câu chuyện sập hầm làm 4 phu vàng thiệt mạng do ngạt khí vào giữa tháng 4 vừa qua tại thôn Dung, thị trấn Thạnh Mỹ (Nam Giang, Quảng Nam) đã gióng lên hồi chuông báo động về sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương.

Khai thác 2 năm, chính quyền không biết?

Chúng tôi có mặt tại thôn Dung vào những ngày cuối tháng 5, hơn một tháng sau vụ ngạt khí khi khai thác tài nguyên trái phép dẫn tới 4 người thiệt mạng, nhiều người dân ở đây, vẫn chưa hết bàng hoàng khi được hỏi về vấn đề này và phải mất nhiều thời gian chúng tôi mới nhờ được người dân dẫn đến khu vực phu vàng bị ngạt khí.

Theo ghi nhận của phóng viên, khu vực xảy ra vụ ngạt khí nằm cách trung tâm huyện Nam Giang gần 10 km, cách UBND Thị trấn Thạch Mỹ chưa đầy 2 km. Nơi đây, vẫn còn lán bằng bạt xanh khá lớn,  lối vào mỏ do không ai vào, sau vài trận mưa, cỏ đã mọc cao. “Từ sau hôm xảy ra vụ việc, khu vực đã được cơ quan chức năng chắn rào, phong tỏa và người dân xung quanh cũng không dám vào”, một người dân thôn Dung khi dẫn đường cho chúng tôi chia sẻ.

Lán còn sót lại trong vu ngạt khí khiến 4 người tử vong
Lán còn sót lại trong vu ngạt khí khiến 4 người tử vong

Người dân cho biết, vào ngày 12/4, mỏ này đã được khai thác từ 2 năm trước. Đặc biệt, mỏ thường xuyên đánh mìn vào ban đêm, ảnh hưởng tới đời sống người dân. “Vào cuối năm 2014, khi mỏ bắt đầu hoạt động, là một đảng viên tôi đã báo cáo Chi bộ thôn trong cuộc họp chi bộ nhưng sau đó, không thấy chính quyền có hành động gì?! Sau đó, bà Thương (chủ mỏ) đã thông qua thôn hỗ trợ 1 – 2 lần với một số suất quà cho người dân  như: gạo, mì tôm nước mắm”, người dân này chia sẻ.

Theo tìm hiểu, bà Thương tên đầy đủ là Văn Thị Hoài Thương (36 tuổi, trú thôn Dung, thị trấn Thạnh Mỹ). Hiện, đang bị giam giữ để điều tra cùng các Bá Nhia (23 tuổi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An), Cụt Văn Hoành (29 tuổi) và Cụt Văn Bình (18 tuổi (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) vì tội danh “vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò khai thác tài nguyên” theo Điều 172 Bộ luật Hình sự.

Ông A Hó Thiết, Trưởng thôn Dung cho biết, năm 2014, Thôn đã nhiều lần báo cáo lên Thị trấn về vấn đề này. Sau đó, lãnh đạo thị trấn cho biết đã lập biên bản đình chỉ mỏ này vào cuối năm 2014, nên ông không để ý, gần đây nhất, ông đã báo cáo vụ việc này vào tháng 3/2016.

Không nhận được báo cáo?

Trái ngược với những gì Trưởng thôn A Hó Thiết, ông  Ka Pu Tân – Chủ tịch thị trấn Thạnh Mỹ cho biết: “Đến đầu năm 2016, tại cuộc họp thị trấn mở rộng, tôi có nghe người dân phản ảnh nhưng do cuối năm, bận lo Tết cho người dân, rồi đầu năm mới, lo bầu cử và nhiều sự kiện quan trọng khác của địa phương nên chưa kiểm tra được”.

Lối đi vào mỏ đã được cơ quan chức năng phong tỏa
Lối đi vào mỏ đã được cơ quan chức năng phong tỏa

Ông Tân cũng thừa nhận trách nhiệm khi sự việc xảy ra một phần là do địa phương không quản lý tốt. Đặc biệt, không biết họ khai thác vàng hay làm gì khác vì theo ông, nếu khai thác vàng phải có máng, nước được đưa từ bên ngoài vào và nước xả từ bên trong ra, đằng này, trước miệng hầm không có nước, chỉ có dây điện và ống hơi nén dẫn vào trong để phục vụ việc khoan đá sau khi nổ mìn. Nếu khai thác đá cũng không thấy chở đá ra…

Ông A Lăng Cường, Trưởng Phòng TN&MT huyện Nam Giang cho biết, vụ việc xảy ra chết 4 người không phải khai thác vàng mà là khai thác đá. Chúng tôi đã xuống xử lý, ủi hết, đưa máy móc về xã (chỉ có một máy phát điện). Họ làm ban đêm, chúng tôi không nắm được, bởi xã không báo cáo, huyện không biết mà xử lý.

Chúng  tôi rời thôn Dung với ngổn ngang bao câu hỏi chưa thể giải đáp, vì sao nạn vàng tặc lại dai dẳng, nhức nhối đến vậy? Trong khi, chúng ta có trong tay đầy đủ các cơ quan chức năng, lực lượng không phải quá mỏng? Và mỗi khi hỏi đến cơ quan cấp huyện, thị, tỉnh câu đầu tiên trả lời là… chúng tôi mới được biết? Trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước ở đâu khi hàng ngày, hàng giờ, vấn nạn quặng tặc vẫn diễn ra?!

Bài và ảnh: Trường Giang

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dai dẳng "nỗi đau khoáng tặc" ở Quảng Nam: Chuyện buồn thôn Dung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO