Đặc biệt, theo ý kiến của nhiều đại biểu, kết quả nổi bật là tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,98%, ước cả năm vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (6,7%). Tín dụng 9 tháng tăng 10,41%, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng bất động sản, chứng khoán. Thu NSNN ước cả năm vượt 3% dự toán; cơ cấu thu bền vững hơn; tỷ trọng thu từ xuất nhập khẩu, dầu thô giảm; thu nội địa tăng, chiếm gần 82% tổng thu cân đối NSNN. Công tác kiểm tra, thanh tra, chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá được chú trọng…
Theo ĐBQH - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, nền kinh tế đã đi đúng hướng và khả năng hoàn thành Kế hoạch 5 năm sẽ rất khả quan. Nhìn lại 3 năm đầu của giai đoạn 2016-2020 có thể thấy rất nhiều khó khăn đã được vượt qua. Trong 3 năm qua, Việt Nam phải gia tăng năng lực sản xuất mới mà nguồn lực lại rất hạn chế. Tín dụng trước đây có năm tăng tới 54% (2009), bình quân giai đoạn trước (2011-2015) là 36% thế nhưng những năm gần đây chỉ tăng 16-17%. Thời điểm tín dụng tăng 36% thì GDP chỉ khoảng 6%.
“Bên cạnh tạo ra năng lực sản xuất mới thì cũng phải cắt giảm, tái cơ cấu những năng lực sản xuất dư thừa, yếu kém, những dự án DN làm ăn thua lỗ, những tổ chức tín dụng không tốt. Có những việc, những lĩnh vực mà Chính phủ cũng như bộ, ngành, địa phương mất rất nhiều thời gian để xử lý hậu quả những tồn đọng này mà tích tụ không chỉ từ khóa trước mà đã qua nhiều nhiệm kỳ. Qua đó ta thấy được cố gắng của các bộ, ngành, địa phương. Điểm lại những khó khăn để thấy cố gắng của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong 3 năm qua là rất lớn. Những thành tựu đạt được cũng rất ấn tượng, được các tổ chức thế giới đồng tình, công nhận, được các tổ chức tín nhiệm quốc tế nâng hạng” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết.
Về một số nội dung các ĐBQH đặt ra đối với báo cáo của Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ đưa ra lý giải. Đầu tiên về tăng trưởng và các chỉ tiêu đi kèm, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, tăng trưởng năm nay, Chính phủ ước đạt 6,7% là mức cao so với chỉ tiêu của Quốc hội đặt ra. Trong năm, có những tháng tăng trưởng đạt tới 6,98% nên khả năng tăng trưởng hết năm sẽ có thể cao hơn mức 6,7%. Khi đó những chỉ tiêu đi kèm cũng sẽ cao hơn, ví dụ năng suất lao động 2018 đang tạm tính đạt 6% nếu tăng trưởng GDP 6,7% và sẽ cao hơn khi tăng trưởng cao hơn.
Bên cạnh đó, theo báo cáo, những chỉ tiêu 2018 ước đạt đã vượt chỉ tiêu của Quốc hội giao nhưng vẫn chưa đạt so với những chỉ tiêu mà Nghị quyết của Chính phủ đưa ra. Theo Phó Thủ tướng, đó là ước tính đến hết 9 tháng năm 2018 còn dự báo đến cuối năm thì các chỉ tiêu này khả năng cũng sẽ đạt, thậm chí có chỉ tiêu cao hơn, ví dụ như XK nông sản (chỉ tiêu là 36-38 tỷ USD nhưng khả năng có thể đạt được trên 40 tỷ USD); hay nông nghiệp (dự báo tăng trưởng 3,05% nhưng 9 tháng đã đạt 3,65%)…
Một câu hỏi nữa được nhiều ĐBQH đặt ra là “Vì sao kinh tế đang phát triển thuận lợi mà Chính phủ chỉ dự tính tăng trưởng năm 2019 là 6,6-6,8% chứ không phải cao hơn?” Giải đáp vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh sự thận trọng của Chính phủ trong bối cảnh tình hình hiện nay. “Chưa biết những vấn đề gì sẽ xảy ra trong những tháng còn lại của năm 2018 và năm 2019. Các chuyên gia đang đánh giá rằng những căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc xuất phát từ lý do thương mại nhưng không chỉ do lý do thương mại, có thể do cạnh tranh chiến lược về công nghệ và nhiều vấn đề khác đã có dấu hiệu lan ra, hệ lụy của sự kiện này chúng ta chưa đánh giá hết được. Bên cạnh đó, lãi suất các nước đang tăng sẽ ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất và kinh tế vĩ mô của chúng ta rất lớn. Do đó, chỉ tiêu tăng trưởng cũng như các chỉ tiêu đi kèm như XNK, cung cầu ngoại tệ,…có ảnh hưởng tới những cân đối lớn của nền kinh tế đều phải được tính toán thận trọng. ” – Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phân tích.
Về nợ công, có ĐBQH cho rằng GDP tăng chỉ 6,7% nhưng nợ công lại tăng tới 8%, cao hơn cả mức tăng GDP. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định đIều này hoàn toàn chính xác nhưng là biểu hiện tích cực. Bởi, nếu tính từ năm 2015 trở về trước, GDP bình quân tăng chỉ 6% nhưng nợ công lại tăng tới 18,6%, tức là tốc độ tăng nợ công gấp 3 lần GDP, gây áp lực rất lớn cho nghĩa vụ trả nợ. Nhưng vài năm trở lại đây, Chính phủ đã cơ cấu lại, tuy nợ công vẫn tăng nhưng mức độ tăng chỉ khoảng 8% trong khi GDP là 6,7%, tức là đã tiến gần sát nhau.
Còn theo Đại biểu Hoàng Quang Hàm, để hoàn thành tốt kế hoạch đề ra, vẫn còn nhiều bất cập cần sớm nhận diện và xử lý. Một trong những vấn đề đó là chúng ta đang chia số tiền không có, và chia cả số tiền đã chia trong trung hạn cho các dự án rồi. Tuy vậy, để hoàn thành tốt kế hoạch đề ra, vẫn còn nhiều bất cập cần sớm nhận diện và xử lý. Một trong những vấn đề đó là “chúng ta đang chia số tiền không có, và chia cả số tiền đã chia trong trung hạn cho các dự án rồi” - đại biểu Hoàng Quang Hàm cho biết.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm phân tích, năm 2019, Quốc hội sẽ quyết định 198.000 tỷ đồng chi đầu tư từ ngân sách trung ương (NSTW), bao gồm toàn bộ nguồn thu, nguồn vay, trái phiếu chính phủ…. Đến năm 2020, dự báo khả quan thì cũng chỉ có thể bố trí khoảng 217.000 tỷ đồng, gồm tất cả các nguồn. Như vậy, nguồn chi đầu tư từ NSTW giai đoạn này còn khoảng hơn 410.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hiện nay trong kế hoạch trung hạn đã giao khoảng 475.000 tỷ đồng (theo trang 27, Báo cáo của Chính phủ đánh giá kế hoạch đầu tư công trung hạn), đã có tên và mức tiền cho từng dự án. Điều này có nghĩa là, với mức cân đối đó, chúng ta không đủ vốn bố trí cho các dự án triển khai. Thêm nữa, nếu tiếp tục phân bổ 94.000 tỷ đồng vốn dự phòng của NSTW thì chắc chắn các dự án sẽ tiếp tục dở dang, dàn trải, thành quả gần 3 năm qua có thể bị phá vỡ.
Phát biểu thảo luận, ĐBQH Phạm Xuân Thăng đánh giá cao Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp. Chỉ số gia nhập thị trường và cạnh tranh quốc gia đều tăng so với năm 2017. Theo dự báo cả năm 2018 có khoảng 130 nghìn doanh nghiệp thành lập, chỉ tăng 2,5% so với năm 2017.
Đại biểu Phạm Xuân Thăng cũng bày tỏ lo ngại với việc khó “về đích” một triệu doanh nghiệp vào năm 2020 Chính phủ đã đặt ra. Đồng thời, cho rằng môi trường đầu tư kinh doanh tuy được cải thiện nhưng chưa thực sự thúc đẩy mạnh mẽ. Đơn cử, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có hiệu lực gần một năm, nhưng Nghị định và Thông tư hướng dẫn để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia thị trường chậm được triển khai, nhất là các chính sách về tiếp cận nguồn vốn, đất đai... Trong khi đó, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, tuy các điều kiện thủ tục kinh doanh có cắt giảm, nhưng trong văn bản hướng dẫn vẫn còn có những quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp. Điều đó cho thấy, môi trường đầu tư được cải thiện nhưng còn nhiều rào cản.
Về tình hình kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước, sau phiên thảo luận Tổ ngày 24/10, Quốc hội sẽ tiếp tục dành 3 ngày 26, 27 và 29/10 để thảo luận tại Hội trường để làm rõ thêm những vấn đề mà cử tri và nhân dân cả nước quan tâm. Các phiên thảo luận sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp. Báo Điện tử baoatinguyenmoitruong.vn sẽ cập nhật đến bạn đọc trong các bản tin tiếp theo.