Đại biểu Quốc hội: Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư, đấu thầu
(TN&MT) - Sáng 30/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu. Tổ 15 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Trị, Yên Bái, Bình Phước và Bình Thuận. Đại biểu Lê Quang Tùng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị chủ trì phiên thảo luận.
Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cấp thiết về thể chế
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu tập trung sửa đổi những quy định có mâu thuẫn, đang gây vướng mắc, yêu cầu cấp bách cần sửa đổi để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Qua thảo luận, cơ bản các ý kiến đại biểu trong Tổ nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật; cho rằng việc xây dựng Luật sẽ kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cấp thiết về thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đấu thầu.
Góp ý vào quy định về dự án sử dụng khu vực biển trong dự thảo Luật Đầu tư, đại biểu Nguyễn Quốc Luận - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái cho rằng, Luật Đầu tư chưa có quy định dự án đầu tư có sử dụng khu vực biển theo quy định của Luật Biển Việt Nam dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc khi nhà đầu tư có nhu cầu sử dụng khu vực biển để thực hiện các dự án. Đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ “giao khu vực biển” vào các điều, khoản tương ứng của Luật Đầu tư (điểm a khoản 1 Điều 33; điểm b khoản 4 Điều 33; khoản 4 Điều 40; điểm b khoản 4 Điều 41; khoản 3 Điều 44; khoản 7 Điều 77) để phù hợp với Luật Biển Việt Nam, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án có sử dụng khu vực biển.
Về quy định trách nhiệm cấp giấy phép môi trường khi áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt, đại biểu Nguyễn Quốc Luận cho rằng, dự thảo Luật đang chỉ quy định nội dung “Nhà đầu tư thực hiện thủ tục cấp Giấy phép môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường”. Quy định này chưa bảo đảm đồng bộ, thống nhất do theo Luật Bảo vệ môi trường thì sẽ có nhiều dự án không phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM) mà được cấp giấy phép môi trường (GPMT) ngay trong giai đoạn nghiên cứu khả thi (một số dự án đầu tư nhóm II và các dự án đầu tư nhóm III).
Do đó, đại biểu đề nghị sửa là “Nhà đầu tư thực hiện thủ tục cấp GPMT trước khi đưa dự án vào vận hành trong trường hợp thuộc đối tượng phải cấp GPMT theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Trường hợp dự án thuộc đối tượng phải thực hiện ĐTM theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, cơ quan có thẩm quyền cấp GPMT là cơ quan có thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM của dự án”.
Tham gia thảo luận tại Tổ về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, đại biểu Trần Hồng Nguyên - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận nhất trí với quy định phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho UBND cấp tỉnh đối với dự án đầu tư xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở xuống thuộc cảng biển đặc biệt nhằm tạo điều kiện thuận lợi, chủ động cho các địa phương, hạn chế việc trình Thủ tướng Chính phủ quyết Quy định các dự án cụ thể để tập trung cho chỉ đạo, điều hành vĩ mô, quyết định các vấn đề về chiến lược, chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đại biểu, qua rà soát cho thấy, điểm d khoản 1 Điều 31 của Luật Đầu tư hiện hành quy định dự án đầu tư xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên thuộc cảng biển loại I thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ nhưng chưa có quy định cụ thể về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư dưới 2.300 tỷ đồng thuộc cảng biển loại I.
Do đó, đại biểu đề nghị làm rõ quy định về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư dưới 2.300 tỷ đồng thuộc cảng biển loại I, trên cơ sở đó có quy định phù hợp tại khoản 1 Điều 32 về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh đối với dự án đầu tư xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư dưới 2.300 tỷ đồng thuộc cảng biển đặc biệt.
Cho ý kiến về hồ sơ trình thẩm định báo cáo ĐTM; nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi dự án PPP trong Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), đại biểu Nguyễn Thành Trung - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái cho biết, điểm i khoản 2 Điều 19 Luật PPP quy định “báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường” là một trong các nội dung của báo cáo nghiên cứu khả thi dự án PPP (nội dung này không được đề xuất sửa đổi tại Dự thảo Luật). Quy định này chưa bảo đảm thống nhất, đầy đủ theo pháp luật về bảo vệ môi trường.
Đại biểu chỉ rõ, khoản 1 Điều 34 Luật Bảo vệ môi trường quy định Hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo ĐTM gồm: Văn bản đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; Báo cáo đánh giá tác động môi trường; Báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc tài liệu tương đương với báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đầu tư. Như vậy, theo quy định này, Báo cáo nghiên cứu khả thi là tài liệu kèm theo hồ sơ khi trình thẩm định báo cáo ĐTM. Trường hợp thực hiện theo Luật PPP thì hồ sơ trình thẩm định báo cáo ĐTM của Dự án PPP sẽ gồm 2 báo cáo ĐTM (1 báo cáo ĐTM riêng và 1 báo cáo ĐTM nằm trong báo cáo nghiên cứu khả thi).
Không những vậy, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, sẽ có nhiều dự án không phải thực hiện ĐTM mà được cấp GPMT ngay trong giai đoạn nghiên cứu khả thi (một số dự án đầu tư nhóm II và các dự án đầu tư nhóm III). Do đó, quy định tại điểm i khoản 2 Điều 19 Luật PPP là thiếu các trường hợp này. Từ các nội dung nêu trên, đại biểu cho rằng cần nghiên cứu, sửa đổi theo hướng báo cáo ĐTM và báo cáo đề xuất cấp GPMT được cấp có thẩm quyền phê duyệt kết quả thẩm định hoặc cấp phép theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường chỉ là một trong các tài liệu kèm theo (không nằm trong báo cáo nghiên cứu khả thi) của dự án PPP khi trình thẩm định theo quy định của pháp luật về PPP.
Loại bỏ tư duy “không quản được thì cấm”
Tham gia phát biểu, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu tại Tổ 15, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cảm ơn, ghi nhận các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội. Đồng thời, cho biết cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ để hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội bấm nút thông qua.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trước đây chúng ta xây dựng pháp luật chủ yếu phục vụ cho việc quản lý. Lần này không chỉ để quản lý nữa mà vừa quản lý, vừa phải kiến tạo, phát triển, thúc đẩy sáng tạo, mở rộng không gian, giải phóng các nguồn lực cho phát triển đất nước. Đây là yêu cầu mới. Đặc biệt, phải bỏ được tư duy “không quản được thì cấm”, “xin - cho”, “quyền anh - quyền tôi”… Đi kèm các “quyền” đó là lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, làm cản trở quá trình phát triển của đất nước. Bên cạnh đó, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phân cấp phân quyền để cắt giảm các thủ tục hành chính thực chất và hiệu quả hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, các vấn đề được chọn để sửa đổi trong lần này đều là các vấn đề mấu chốt, quan trọng, cấp bách, mâu thuẫn, bất cập, cản trở, “đã chín”, “đã rõ”, cần xử lý ngay để giải quyết các điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực. Những vấn đề khác nếu chưa cấp bách sẽ để sửa khi sửa các luật tổng thể. Bộ trưởng cũng cho biết thêm, quan điểm khi sửa luật này là không cầu toàn, không nóng vội nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng, tính đồng bộ, thống nhất, ổn định của hệ thống pháp luật.
Đối với Luật Quy hoạch, một số đại biểu cho ý kiến về nội dung quy hoạch điều chỉnh cục bộ. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong dự thảo luật lần này đã nói đến và đã cho phép điều chỉnh cục bộ theo trình tự thủ tục rút gọn. Luật cũng xác định cụ thể 4 trường hợp thế nào là nhỏ, thế nào là cục bộ, thế nào là rút gọn. Tuy nhiên các đại biểu có đề xuất thêm một số nội hàm nữa, Ban soạn thảo sẽ rà soát lại cho đầy đủ và phù hợp. Bên cạnh đó, Luật Quy hoạch cũng quy định rằng, quy hoạch ngành quốc gia chỉ là quy hoạch định hướng và hạn chế tối đa việc quy định chi tiết từng dự án trong các quy hoạch. “Hiện nhiều quy hoạch ngành quốc gia của ta đưa luôn các dự án vào, gây “bó cứng” lại, như Quy hoạch điện VII, điện VIII, gây khó khăn cho quá trình thực hiện về sau”, Bộ trưởng nói.
Về Luật Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Luật có quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt theo hướng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm nhằm đơn giản hóa thủ tục đầu tư, rút ngắn thười gian triển khai các dự án để tạo cơ chế thuận lợi, cạnh tranh nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Theo Bộ trưởng, hiện nay tình hình cạnh tranh, thu hút đầu tư rất gay gắt, dòng vốn đầu tư nước ngoài trên thế giới đang giảm rất mạnh, do chính sách bảo hộ, chính sách thu hút trở lại của các nước phát triển, cạnh tranh… Trong khi đó, các nước đang không ngừng đổi mới, nếu nước ta không đổi mới, không cải cách thì chắc chắn không thể thu hút được các nhà đầu tư. Do đó việc đưa quy định này vào luật là rất quan trọng.
Đối với Luật Đấu thầu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, chủ yếu quy định các gói thầu được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, đồng thời phân cấp, phân quyền quyết định áp dụng hình thức này nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, gói thầu có yêu cầu đặc thù về lựa chọn nhà thầu… Ban soạn thảo sẽ rà soát lại để đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn theo ý kiến của đại biểu Quốc hội.