Thống nhất cao với sự cần thiết ban hành luật chăn nuôi. Đại biểu Dương Tấn Quân cho rằng, thời gian qua ngành chăn nuôi nước ta đã có bước phát triển vượt bậc, góp phần không nhỏ trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, theo ông Dương Tấn Quân, trong quá trình triển khai thực hiện hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động chăn nuôi đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, bảo vệ môi trường và xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
Góp ý với nội dung về điều kiện cơ sở chăn nuôi (điều 38), tại Khoản 3 điều kiện chăn nuôi nông hộ: điểm a quy định nơi chăn nuôi (khu, chuồng) phải tách biệt với nhà ở…, đại biểu Dương Tấn Quân bày tỏ: “Về quan điểm thì tôi rất đồng tình, khi chuồng trại tách biệt với nhà ở sẽ đảm bảo vệ sinh, phòng chóng được việc lây nhiễm bệnh chéo từ vật nuôi sang người như giun sán, kí sinh trùng…”
Ông Dương Tấn Quân đề nghị ban soạn thảo cần phải khảo sát thực tế, tuyên truyền, có cơ chế hỗ trợ kinh phí chuồng trại đối với những người dân ở vùng núi, người đồng bào dân tộc thiểu số vì họ vẫn còn tập quán ở nhà sàn, nhốt vật nuôi ở dưới nhà để giữ ấm, cuộc sống thì còn rất khó khăn, việc xây dựng chuồng trại riêng cũng cần được hổ trợ.
Ngoài những vấn đề trên, ông Dương Tấn Quân cũng cho rằng, trong dự thảo chưa thấy đề cập đến vấn quản lý đối với hình thức chăn nuôi gia công cho các tổ chức trong và ngoài nước. đây là hình thức hợp tác làm ăn giữa doanh nghiệp và người dân để phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, chiếm số lượng khá lớn trong mảng chăn nuôi trang trại tại các tỉnh.
Lấy ví dụ, riêng ở tỉnh Bà Rịa - Vũng tàu, có 112 trang trại chăn nuôi gia công trên tổng số 242 trang trại chiếm 46,28%. Thực tế, mô hình này đang đem lại hiệu quả cao, nó giúp người dân tiếp cận với công nghệ chăn nuôi tiên tiến, hiện đại, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn, góp phần phát triển tăng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn…
Song, theo ông Dương Tấn Quân, nói là liên kết làm ăn nhưng các doanh nghiệp chưa có trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường, xử lý chất thải trong chăn nuôi, gánh chịu những thiệt thòi, hệ lụy về môi trường lại chính là người dân.
“Chính vì vậy, tôi đề nghị nên bổ sung vào điều 53 (nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong hoạt động chăn nuôi) một khoản quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp trong chăn nuôi gia công, trong đó quy định rõ, trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường, xử lý chất thải trong chăn nuôi” - Đại biểu Dương Tấn Quân nói.
Góp ý về đối tượng áp dụng (Điều 2) của dự thảo Luật, đại biểu Dương Tấn Quân cho rằng, luật này không chỉ áp dụng đối với Tổ chức, cá nhân Việt nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi trên lãnh thổ Việt nam mà còn áp dụng đối với cơ quan nhà nước trong việc quản lý về chăn nuôi. Do vậy cần thiết phải bổ sung cụm từ “cơ quan” vào trước cụm từ tổ chức, cá nhân Việt nam để luật được đầy đủ và chặt chẽ hơn.
Đối với quy định “ kiểm tra năng xuất cá thể là việc đánh giá năng suất, chất lượng của con giống trước khi đưa vào sử dụng”… Đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị bỏ cụm từ trước khi đưa vào sử dụng ở cuối khoản này vì việc kiểm tra, đánh giá năng suất cá thể có thể thực hiện trước, trong và sau khi sử dụng con giống. Điển hình như đánh giá đối với con đực phối giống trực tiếp chúng ta bắt buộc phải thực hiện sau khi đã có các kết quả phối giống, thập chí là nhiều lứa khác nhau mới có kết quả đánh giá năng xuất con giống.
Góp ý với các hành vi bị nghiêm cấm trong chăn nuôi, ông Dương Tấn Quân đề nghị bổ sung thêm 1 khoản quy định nghiêm cấm lạm dụng kháng sinh; sử dụng chất cấm trong hoạt động chăn nuôi. Đại biểu Dương Tấn Quân cũng đề nghị ban soạn thảo cân nhắc việc cho phép sản xuất thức ăn chăn nuôi có chứa kháng sinh và việc mua, bán, sử dụng thức ăn chăn nuôi có chứa kháng sinh.
Vì hiện nay, ông Dương Tấn Quân cho rằng nhiều người dân có quan niệm phòng bệnh hơn chữa bệnh, nên họ sử dụng thức ăn chăn nuôi có chứa kháng sinh như 1 cách thường quy để phòng bệnh điều này dẫn đến tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người khi sử dụng. Chưa kể đến nguy cơ kháng thuốc cao, khi vật nuôi bệnh rất khó điều trị và dể dẫn đến bùng phát dịch bệnh…