Đắc Nông: Tàn sát rừng đầu nguồn

09/05/2015 00:00

Chỉ trong vài tháng đầu năm 2015, hàng trăm hecta rừng xung quanh thị xã Gia Nghĩa (tỉnh lỵ Đắc Nông) đã bị chặt phá; đất đai bị lấn chiếm, mua bán trái phép. Đáng lo ngại, các vụ phá rừng này đang mở đầu “chiến dịch” biến hàng nghìn hecta rừng đầu nguồn thành đất nông nghiệp, đất ở để thu lợi nhuận khổng lồ của các đầu nậu đất. Trong khi đó, Gia Nghĩa đang được kỳ vọng là Đà Lạt thứ hai của Việt Nam nhờ độ cao lý tưởng, hệ thống rừng cây, thác nước tự nhiên bao quanh.

Dưới cái nắng hừng hực cuối mùa khô, chúng tôi băng qua những cánh rừng vừa bị chặt phá, đốt dọn nham nhở tại tiểu khu 1685 và tiểu khu 1697 do Xí nghiệp lâm nghiệp Đắc Ha - Cty TNHH MTV lâm nghiệp Gia Nghĩa quản lý. Tuy thuộc địa bàn xã Đắc Ha, huyện Đắc G’long nhưng khu vực này chỉ cách trung tâm thị xã tỉnh lỵ Đắc Nông khoảng 15km. Tại hiện trường, nhiều gốc cây chưa kịp đốt có đường kính 0,5 - 0,6m; những khúc gỗ thẳng tắp, dài 3 - 4m nằm lại ngổn ngang.

Càng đi sâu về phía xã Đắc Ha, cảnh tượng phá rừng còn dữ dội hơn, tiếng cưa máy vang lên giòn giã giữa ban ngày, nhiều cột khói bốc lên như thiêu đốt trời hè. Hạt Kiểm lâm huyện Đắc G’long cho biết, nơi chúng tôi có mặt là hiện trường vụ phá rừng được phát hiện hôm 3.4, với tổng diện tích bị chặt trắng lên tới 23,7ha. Nhưng không phải do Xí nghiệp Đắc Ha hay Cty Gia Nghĩa trình báo, mà do lực lượng kiểm lâm huyện, tỉnh và Cảnh sát môi trường phát hiện trong một chương trình phối hợp. Lực lượng chức năng đã thu giữ 2 cưa xăng, 4 rựa phát và bước đầu xác định đối tượng Hoàng Văn Đào và một số người làm thuê cùng ở xã Đắc Ha tổ chức phá rừng để chiếm đất. Điều đáng nói là 2 tiểu khu này chỉ cách trụ sở Xí nghiệp lâm nghiệp Đắc Ha hơn 1km, nhưng chủ rừng không phát hiện được. Tại cuộc họp giao ban tháng tổ chức ngày 7.5, UBND tỉnh cho biết ngoài vụ việc trên, tại 2 tiểu khu này còn xảy ra nhiều vụ phá rừng khác, với tổng diện tích rừng bị phá trong tháng 4.2015 là 49,5ha.

Còn tại Xí nghiệp lâm nghiệp Nghĩa Tín - một đơn vị khác của Cty TNHH MTV lâm nghiệp Gia Nghĩa, tình trạng phá rừng cũng đang diễn ra khốc liệt không kém. Điều này được giải thích là phần lớn diện tích rừng do xí nghiệp này quản lý đều nằm trên địa bàn xã Quảng Thành, thị xã Gia Nghĩa - tức gần trung tâm tỉnh lỵ hơn, đất đai có giá cao hơn. Tốc độ phá rừng ở xí nghiệp này thể hiện ở chỗ, rừng phá đến đâu thì nhà tạm mọc lên đến đó, khẳng định chủ quyền của người trực tiếp phá rừng hoặc mua lại đất. Từ năm đến nay, trên lâm phần do Xí nghiệp Nghĩa Tín quản lý đã xảy ra 51 vụ phá rừng, gây thiệt hại gần 110ha rừng tự nhiên.

Mặc dù được một cán bộ có trách nhiệm cảnh báo phóng viên có thể gặp nguy hiểm nếu đi vào “vùng tạm chiếm”, tôi và một đồng nghiệp vẫn đi xe máy vào khu vực Cầu Gỗ - xã Quảng Thành, chỉ cách trụ sở Công an tỉnh Đắc Nông 6km. Tại đây có hàng chục căn nhà tạm bằng vách gỗ, mái tôn được dựng lên san sát. Như đã thành nếp ứng xử với “người lạ”, chủ nhân của những căn nhà này hoặc cố tình lẩn tránh, hoặc chỉ trả lời từ đâu đó vào đây mua đất, mua của người nào cũng không biết nữa, ai phá rừng lại càng không biết. Nhưng chỉ cách trung tâm thị xã - nơi đặt trụ sở các cơ quan chức năng của tỉnh - vài cây số, mà chậm phát hiện việc phá rừng... kể ra cũng khó hiểu.

Liên quan đến các vụ phá rừng quanh thị xã Gia Nghĩa, ngày 22.4, Thường trực Tỉnh ủy đã tổ chức cuộc họp chỉ đạo xử lý. Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Phương yêu cầu Thị ủy Gia Nghĩa, Huyện ủy Đắc G’long kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo, làm rõ trách nhiệm của Đảng ủy xã Quảng Thành và Đảng ủy xã Đắc Ha. Ngay sau cuộc họp này, thị xã Gia Nghĩa đã quyết định tạm đình chỉ công tác 4 tháng đối với Chủ tịch UBND xã Quảng Thành Phạm Công Chiến. Nhưng ai cũng biết, toàn bộ diện tích rừng này đều có chủ, Chủ tịch xã không trực tiếp bảo vệ. Do vậy, Tỉnh ủy yêu cầu làm rõ trách nhiệm các tập thể, cá nhân tại Cty TNHH MTV lâm nghiệp Gia Nghĩa và 2 xí nghiệp trực thuộc để có hình thức xử lý. Trong một diễn biến khác, ông Lê Sỹ Tuân - Chánh Thanh tra tỉnh Đắc Nông - cũng cho biết, cơ quan này đang thanh tra toàn diện hoạt động quản lý, bảo vệ rừng tại Cty Gia Nghĩa để báo cáo UBND tỉnh xem xét, xử lý.

Trong định hướng quy hoạch, đô thị Gia Nghĩa được kỳ vọng là Đà Lạt thứ hai với hệ thống rừng cây, thác nước tự nhiên bao quanh. Với các khu công nghiệp bauxite, điện phân nhôm đang xây dựng cách thị xã 15km về phía tây nam, rừng ở phía bắc và đông bắc thị xã có ý nghĩa đảm bảo môi trường. Nhưng với giá đất gần thị xã, tình trạng mạnh ai nấy chiếm trong khi chủ rừng thiếu trách nhiệm, hàng nghìn hecta rừng ở đầu nguồn thị xã đang có nguy cơ bị trọc hóa.

Theo LĐO

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắc Nông: Tàn sát rừng đầu nguồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO