Đà Nẵng: Xử lý phế thải xây dựng

Võ Hà| 18/07/2020 08:28

(TN&MT) - Phế thải xây dựng luôn là vấn đề nóng gây ô nhiễm đô thị ở nhiều thành phố lớn trong đó có Đà Nẵng. Để xử lý loại rác thải này, mới đây Đà Nẵng đã ký kết với Đại học Xây dựng Hà Nội để triển khai một dự án nghiên cứu nhằm xóa bỏ tình trạng đổ trộm rác thải xây dựng vốn đang gây bức xúc cho người dân và ảnh hưởng đến phát triển du lịch của thành phố.

Thời gian qua, tình trạng đổ phế thải xây dựng, xà bần tại các lô đất trống trên TP. Đà Nẵng đã tạo hình ảnh nhếch nhác ở các quận trung tâm thành phố. Bà Trương Thị Thúy Ngọc - Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng cho biết, qua thống kê sơ bộ của UBND phường Hòa Cường Bắc, hiện trên địa bàn phường có 271 lô trống chưa được đưa vào khai thác, sử dụng. Lợi dụng thời điểm ban đêm hay những khi vắng người, các đối tượng thường xuyên đổ phế thải xây dựng tại các lô đất trống. Hành động này không chỉ gây ô nhiễm môi trường sống mà còn gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng không tốt đến môi trường du lịch chung của thành phố.

Phế thải xây dựng "đổ trộm" tràn lan trên địa bàn TP. Đà Nẵng

Thời gian qua, UBND phường chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý những trường hợp đổ xà bần, giá hạ, rác thải không đúng nơi quy định. Để xử lý dứt điểm ô nhiễm tại lô đất trống dưới chân cầu Tuyên Sơn, UBND phường Hòa Cường Nam và Hòa Cường Bắc phối hợp lập 01 Trại dân phòng cử cán bộ túc trực 24/24….

Hễ chỗ nào có đất trống là có phế thải xây dựng đổ tràn lan, bừa bãi, ngay cả ở khu vực trung tâm hay những tuyến đường du lịch của thành phố. Người dân và các đơn vị liên quan phải hao tốn nguồn lực để xúc dọn phế thải xây dựng. Nghiêm trọng hơn, nhiều hộ dân đổ phế thải xây dựng chung với rác thải sinh hoạt, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác xử lý rác sinh hoạt.

Phế thải xây dựng đổ chung với rác thải sinh hoạt, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác xử lý rác sinh hoạt.

Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho biết: Đà Nẵng được được đánh giá là thành phố có chất lượng môi trường tốt, là thành phố môi trường, tuy nhiên, thành phố vẫn còn phải đối mặt với nhiều vấn đề về rác thải nhất là rác thải xây dựng vì đây là loại rác thải chưa có quy định, quy chuẩn cụ thể nào. Do đó, ngay từ bây giờ, thành phố cần có giải pháp quản lý và xử lý phế thải xây dựng.

Vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ký kết hợp tác với Trường Đại học Xây dựng (Hà Nội) triển khai dự án Thiết lập hệ thống quản lý phế thải xây dựng hiệu quả nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường và tăng cường khả năng chế tạo các loại vật liệu mới từ phế thải xây dựng tái chế (Dự án SATREPS) tại thành phố Đà Nẵng.

Dự án gồm các nội dung: Xây dựng Đề án tổng thể nhằm quản lý và xử lý CTR xây dựng, bao gồm: khảo sát, đánh giá hiện trạng phát sinh, thu gom, vận chuyển, tái chế hoặc tái sử dụng CTR xây dựng; Đề xuất vị trí, quy mô điểm tập kết, trạm trung chuyển, cơ sở xử lý CTR xây dựng phù hợp ; xây dựng hệ thống hoạt động quản lý CTR xây dựng tiên tiến; đề xuất các cơ chế chính sách , tiêu chuẩn quy phạm pháp luật nhằm khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư sản xuất tái chế; lập dự án nghiên cứu kêu gọi đầu tư xử lý CTR xây dựng tại khu liên hợp xử lý CTR của thành phố hoặc tại vị trí phù hợp.

Xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường đô thị và dự án điển hình xử lý một số vấn đề ô nhiễm môi trường cấp bách của thành phố. Và triển khai áp dụng thí điểm các kết quả của Dự án SATREPS tại Đà Nẵng.

Ra quân dọn vệ sinh môi trường tại các lô đất trống

Dự kiến khi Dự án kết thúc, thành phố sẽ hoàn thành: Quy hoạch bãi chứa CTR xây dựng phù hợp; hướng dẫn quản lý phế thải xây dựng; vận hành được một hệ thống quản lý tiên tiến về CTR xây dựng; ít nhất một mô hình thí điểm trung tâm xử lý và tái chế từ CTR xây dựng; phát triển được hai công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường…

Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Giang, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Giám đốc Dự án SATREPS, dự án sẽ tiến đến quản lý, tái chế và tái sử dụng phế thải xây dựng để tránh gây ô nhiễm môi trường. Phế thải xây dựng được xem là nguồn tài nguyên, nếu có thêm công nghệ và thiết bị tốt sẽ tái chế phế thải xây dựng thành các vật liệu xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá, nhà ở...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Xử lý phế thải xây dựng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO