Đà Nẵng: Xây dựng xưởng may tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật

Phạm Yến| 10/07/2020 17:27

(TN&MT) - Nằm trong hẻm nhỏ trên đường Hoàng Văn Thái, quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng), Xưởng may dành cho người khuyết tật đã trở thành điểm tựa cho những con người không may mắn - những người khuyết tật. Nơi đây đã trở thành mái nhà chung để những người khuyết tật có được công ăn, việc làm và đặc biệt là tìm được niềm vui trong cuộc sống, sống một cuộc đời có ý nghĩa.

Trao cần câu thay vì cho con cá

Trong hai mươi năm làm việc tại Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi TP. Đà Nẵng, chú Nguyễn Hoàng Long -  Chủ tịch Hội nhận thấy nhiều chương trình hỗ trợ cho người khuyết tật được thực hiện nhưng đều chỉ mang tính chất nhân đạo như tặng quà, hiện vật, kinh phí… nó chỉ giải quyết vấn đề trước mắt còn về lâu dài, những người khuyết tật vẫn không có được cuộc sống ổn định và tự lập.

Xuất phát từ suy nghĩ đó, chú Long cùng với chị Trịnh Thị Ngân (quản lý xưởng may) sau nhiều lần bàn bạc đã quyết định thành lập Cơ sở may công nghiệp người khuyết tật. Cơ sở may trực thuộc Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi thành phố Đà Nẵng bắt đầu đi vào hoạt động đầu tháng 2/2020.

Cơ sở may khang trang sạch sẽ như là mái nhà chung của người khuyết tật

Chị Trịnh Thị Ngân cho biết, thành lập được xưởng may đã tốn không ít công sức, nhưng để vận động được chừng đó em tham gia làm việc tại xưởng lại là cả một quá trình không ngừng nỗ lực của chị và chú Long để đi đến từng nơi để vận động các em. Nhiều gia đình chưa tin tưởng và nghĩ con mình không có khả năng trong việc may vá, nên không cho tham gia vào cơ sở này.  

Trường hợp bé Thục Trinh bị chứng động kinh, gia đình đã phải nhốt em ở nhà và không cho đi đâu mấy năm nay. Chị Ngân đã tìm tới gia đình để nói chuyện và vận động nhưng mẹ em lúc đầu nhất quyết ngăn cản không cho em tham gia. Sau nhiều lần trao đổi, phân tích mẹ em đồng ý cho con mình tham gia vào cơ sở với mong muốn giúp con mình có thể hòa đồng với mọi người hơn.

Được một em, rồi 2 em, rồi dần dần mọi người biết đến xưởng may, biết đến ý nghĩa của việc cho con mình tham gia làm việc tại xưởng, nhiều gia đình khó khăn có con khuyết tật đã tự nguyện đến xin cho con mình tham gia cùng. Và số em tham gia hiện giờ đã lên tới 20 em. Các em chủ yếu là những trẻ bị câm, điếc đang tham gia sinh hoạt tại Hội, có tuổi đời từ 17 đến hơn 20 tuổi.Có nhiều em ở xa, cơ sở đã tạo điều kiện để các em ở lại sinh hoạt cùng nhau.

Hiện cơ sở may đang liên kết với một cơ sở may ở Lạng Sơn giúp các em về khâu kĩ thuật, đồng thời cơ sở đã cho 5 học viên ra Lạng Sơn học nghề giúp các em thành thạo hơn. 5 em được đào tạo trong vòng 3 tháng, sau đó các em sẽ về dạy cho các học viên còn lại về các khâu như cắt, dập logo, thêu… Tùy vào công việc, các em có được trả lương từ 1 - 2 triệu đồng/tháng

Có việc làm, có tiền lương giúp các em như thấy được ý nghĩa của cuộc sống thêm vui vẻ, hăng say làm việc

Các sản phẩm chủ yếu ở cơ sở may là những sản phẩm từ đơn giản như miếng lau ô tô, lau tàu xe đến những sản phẩm cao cấp gồm áo khoác nữ, chống nắng các loại, áo phông, áo polo nam… Mặc dù chỉ mới thành lập được 4 tháng nhưng sản phẩm các em làm ra có mẫu mã đẹp, đường may sắc sảo… Nhìn những sản phẩm mình làm ra và cầm trên tay đồng tiền tự mình kiếm được, niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt các em tạo thêm động lực cho những người dẫn dắt như chú Long, chị Ngân.

Mái nhà chung của người khuyết tật

Dạo một vòng quanh xưởng may, tìm hiểu về những con người đang chăm chỉ làm việc ở đây chúng tôi biết được đa số đều là những người có hoàn cảnh đặc biệt, gia đình khó khăn, không công việc, chán chường cuộc sống…

Anh Tuấn và chị Thùy Linh năm nay 40 tuổi, lấy nhau đã lâu nhưng chưa có con. Chị Linh bị câm, trước đây ở nhà nhận đồ về may nhưng lương không đủ trang trải cho cuộc sống. Chồng lại bị tai nạn, chân tay yếu di chuyển chậm. Biết được hoàn cảnh vợ chồng chị Linh, chị Ngân đã sang tận nơi để động viên hai vợ chồng vào xưởng làm việc để anh chị có được nguồn thu nhập ổn định trang trải cuộc sống.

“Vợ chồng tôi cảm thấy rất may mắn khi được làm việc ở đây. Chúng tôi vừa có công việc lại có chỗ ăn ở, không phải sáng đi tối về vất vả, một tháng 2 vợ chồng thích thì  về nhà một lần vì ở đây cũng như là nhà rồi. Công việc vừa kiếm ra tiền lại rất thoải mái cái chính là 2 vợ chồng được làm việc ở gần nhau để chăm sóc, trông nom lẫn nhau”, anh Tuấn tâm sự.

Còn em Phan Công Khánh (17 tuổi) vừa học vừa làm ở đây đã được 2 tháng. Em bị câm nên mỗi lần giao tiếp em phải dùng bảng để viết.  Khi hỏi em làm việc ở đây thế nào? Khánh viết một chữ VUI thật to và chỉ vào những sản phẩm mà em đã làm để khỏe với mọi người. Em còn tự mình viết vào bảng để khoe với chúng tôi em nhận được 600 ngàn đồng trong tháng vừa rồi và mang về biếu hết cho mẹ.

Chú Hoàng Long thăm hỏi, trò chuyện với các em

Đối với những người khuyết tật đang tham gia xưởng may, đây không chỉ là nơi làm việc, mà còn là ngôi nhà chung để họ chia sẻ buồn vui, động viên nhau vượt qua hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Với mong muốn đẩy hàng ra thị trường giúp các em có thêm thu nhập chú Long cho biết, xưởng may vẫn không ngừng cố gắng từng ngày để tạo ra được các mặt hàng đẹp, chất lượng cao, đồng thời tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm bằng cách, ngoài một số đơn vị nhận nhập hàng, xưởng sẽ liên hệ để đặt các quầy hàng của cơ sở tại một số chợ, siêu thị cho các em đứng bán.

“Cả tôi và cô Ngân đều muốn cố gắng để cơ sở này có đủ vững vàng hơn thể đón nhận nhiều trẻ khuyết tật hơn nữa có nhu cầu làm việc được vào đây” - chú Long nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Xây dựng xưởng may tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO