Đà Nẵng Xây dựng thành phố môi trường giai đoạn 2021 - 2030

Phạm Yến| 17/10/2020 21:42

(TN&MT) - Ngày 17/10 UBND TP. Đà Nẵng tổ chức Hội thảo Xây dựng Đà Nẵng – thành phố môi trường giai đoạn 2021 – 2030. Chủ trì hội thảo có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Văn Miên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng Tô Văn Hùng và với sự tham dự của các đại biểu, các chuyên gia trong và ngoài nước.

Xây dựng Đà Nẵng thành phố môi trường là cần thiết cho sự phát triển 10 năm tới

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, Đà Nẵng là thành phố đầu tiên trên cả nước xây dựng một hình mẫu về thành phố môi trường. Sau 10 năm thực hiện đề án, Đà Nẵng đã bước đầu đạt được những kết quả tốt với 7/10 tiêu chí đạt mục tiêu đề ra. Một số chỉ tiêu quản lý đạt kết quả nổi bật như: Tỉ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch là 99%, Tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn là 83,5%; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong không khí được xử lý đạt chuẩn là 100%...

Hội thảo xây dựng Đà Nẵng – Thành phố môi trường giai đoạn 2021 -2030 có sự tham dự của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước

Những nỗ lực về bảo vệ môi trường của Đà Nẵng thời gian qua đã được công nhận qua nhiều giải thưởng trong 3 năm liên tiếp 2011, 2012, 2013 về Thành phố bền vững về môi trường ASEAN, Thành phố phát thải các-bon thấp; một trong 20 thành phố xanh - sạch - đẹp.

Tại hội nghị lần này Thứ trưởng đề nghị các chuyên gia, các đại biểu tập trung thảo luận 3 nội dung chính: Nghiên cứu xem xét, đảm bảo các mục tiêu của Đề án đã phù hợp với quan điểm, mục tiêu phát triển chung  của cả nước, của các bộ ngành  và yêu cầu phát triển KT – XH theo Nghị quyết  của Đại hội Đảng bộ thành phố; Phát triển thành phố môi trường, Đà Nẵng cần nhận thức được ý nghĩa của việc liên kết vùng là tất yếu nhằm khai thác được tối đa lợi thế của địa phương trong mối quan hệ gắn kết với các địa phương lân cận; phát triển kinh tế dựa trên sự bảo tồn, khai thác bền vững hệ sinh thái biển, chú trong kiểm soát ô nhiễm biển và đại dương, chất thải nhựa trên biển, chú trọng các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, carbon thấp.

Xây dựng thành phố môi trường cần phát huy vai trò người dân

Sau 12 năm thực hiện Đề án Thành phố môi trường (2008 – 2020) TP. Đà Nẵng đã đạt được một số kết quả đáng mừng với 7/10 tiêu chí đạt được. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại như: điểm nóng ô nhiễm môi trường còn kéo dài; phát sinh nhiều sự cố cục bộ, ô nhiễm khu vực nông thôn gia tăng; công tác quy hoạch còn nhiều bất cập, hạ tầng xuống cấp, nguồn lực quản lý môi trường còn thiếu…

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân phát biểu tại hội thảo

Trong Đề án Thành phố môi trường giai đoạn 2021 – 2030, đề án đặt ra 4 nhóm tiêu chí với 27 thông số: Phòng ngừa ô nhiễm (6 thông số); Cải thiện môi trường (10 thông số); Bảo tồn thiên nhiên (5 thông số); Tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức (6 thông số).

Đề án cũng đề xuất các chương trình, dự án xây dựng Đà Nẵng – Thành phố môi trường như cải tạo, nâng cấp hệ thống thu gom thoát nước và xử lý nước thải; phân loại rác tại nguồn, tái chế, sử dụng chất thải rắn; phát triển diện tích, công viên cây xanh công cộng; đầu tư hệ thống điện mặt trời; bảo tồn đa dạng sinh học cho khu vực Bà Nà – Núi Chúa…

Với bộ tiêu chí trên, tại hội thảo các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến góp ý cho Đề án như: vấn đề xử lý nước thải, tăng mật độ cây xanh, năng lượng thông minh, giảm rác thải nhựa… trong đó các ý kiến chủ yếu đề cập đến vai trò của người dân và giảm thải từ các phương tiện giao thông.

Hầu hết các đại biểu và chuyên gia đều cho rằng xây dựng các tiêu chí cần có sự tham gia, đánh giá của người dân

Ông Naoki Mori – Viện Chiến lược môi trường toàn cầu đưa ra 4 đề xuất cho đề án thành phố môi trường trong đó có đề xuất Lồng ghép sự tham gia của cộng đồng vào kế hoạch quản lý môi trường. Ông đưa ra các chỉ số liên quan đến sự tham gia của cộng đồng với môi trường như số trường hợp giải quyết khiếu nại của người dân về ô nhiễm; số hỗ trợ của cộng đồng cho các hoạt động tình nguyện bảo vệ môi trường; số người tham gia khảo sát môi trường sống tự nhiên trong cộng đồng; số lớp môi trường giao cho cộng đồng và trường học…

Ông Tô Văn Hùng – Giám đốc Sở TNMT Đà Nẵng cũng nhìn nhận vai trò của người dân vô cùng quan trọng, theo ông, các tiêu chí đặt ra phải có sự tham gia quản lý, giám sát của người dân chứ không thể các nhà quản lý đề ra tiêu chí rồi tự đánh giá. Khi có sự tham gia của người dân, phát huy vai trò của cộng đồng mới phát huy được hiệu quả và có tính thiết thực.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đề nghị cần chú trọng tới giảm ô nhiễm môi trường từ các phương tiện giao thông. Một số chuyên gia đưa ra ý kiến giảm các phương tiện phát thải và gây tiếng ồn; khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng và đi xe đạp, đi bộ; thay thế các nhiên liệu gây ô nhiễm bằng nhiên liệu sinh học…

Ông Trần Văn Miên, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng phát biểu kết luận hội thảo

Ông Lê Phong Nguyên - Khoa Kiến trúc, ĐHBK, Đại học Đà Nẵng cho rằng bộ tiêu chí về các vấn đề môi trường cần phải thể hiện được sự liên hệ chặt chẽ với các vấn đề liên quan khác như các vấn đề về quy hoạch đô thị hay giao thông đô thị. Đề án về thành phố môi trường không nên xây dựng một cách độc lập mà cần thiết phải có sự liên hệ tối đa với các đề án về quy hoạch không gian đô thị, đề án về giao thông…Một đô thị bền vững bắt buộc phải có hệ môi trường tốt, tuy nhiên một đô thị có môi trường tốt chưa chắc là một đô thị bền vững vì nó còn rất nhiều yếu tố liên quan.

Phát biểu chỉ đạo hội thảo, ông Trần Văn Miên – Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng lưu ý trong thời gian đến Đà Nẵng cần xây dựng hệ thống chính pháp luật BVMT tương ứng với các mục tiêu trở thành thành phố môi trường, các chính sách phải cụ thể  cho từng đối tượng hoặc có thể lồng ghép các chính sách để phòng ngừa, xủ lý ô nhiễm…; Xây dựng hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường đặc trưng đối với một thành phố môi trường nhưng phải bám vào quy hoạch chung của TP. Đà Nẵng sắp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian đến; Hạ tầng đô thị phải được tính toán đầu tư dài hạn có đủ năng lực xử lý môi trường, ứng phó nhanh  với các sự cố môi trường có thể xảy ra;

Đồng thời, ông cũng đề nghị công cụ quản lý phải tiếp cận nền tảng ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, thành phố môi trường gắn với thành phố thông minh; Tiên phong sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài nguyên, ứng dụng các giải pháp kỹ thuật công nghệ cao; Quản lý chặt chẽ nâng cao trách nhiệm môi trường trong phát triển đô thị và phát triển kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng Xây dựng thành phố môi trường giai đoạn 2021 - 2030
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO