Môi trường

Đà Nẵng: Tạo dựng “tư duy xanh” cho thế hệ tương lai

Lan Anh 20/06/2024 - 10:55

(TN&MT) - Những thay đổi nhỏ trong thói quen, hướng đến giảm thiểu rác thải nhựa của thầy cô và học sinh ở các trường Tiểu học, Trung học cơ sở (TH, THCS) tại Đà Nẵng đã và đang góp phần tạo dựng một thế hệ tương lai sống thân thiện, có trách nhiệm với môi trường.

Tạo thói quen “xanh”

Là một trong 20 trường TH, THCS trên địa bàn Đà Nẵng được Sở TN&MT, chương trình “Thành phố sạch, Đại dương Xanh” lựa chọn triển khai mô hình Trường học Xanh, chỉ trong một học kỳ, học sinh và giáo viên trường TH Phan Phu Tiên (quận Liên Chiểu) đã có nhiều sự thay đổi trong thói quen dạy và học.

Em Trần Nguyễn Hiếu Hạnh (học sinh lớp 5/8), đã biết sáng tạo, tự tay làm chiếc lồng đèn trung thu từ que kem, ly nhựa, giấy báo đã qua sử dụng... Tại những phiên chợ “Cũ người mới ta”, Hạnh đem tặng quần áo, sách vở, đồ chơi cũ… của mình để làm món quà dành cho các bạn khó khăn hơn.

1.png
Học sinh trường TH Phan Phu Tiên (Đà Nẵng) tự tay làm chiếc lồng đèn trung thu từ que kem, ly nhựa, giấy báo đã qua sử dụng.

Tham gia vào CLB Môi trường, Hạnh cùng các thành viên còn được các thầy cô và các anh chị trong Chi đoàn chia sẻ những kiến thức mới mẻ về phân loại, tái chế rác, tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường… Từ đó, các em trở thành hạt nhân để lan tỏa về lối sống xanh, giảm nhựa trong trường học; nhắc nhở các bạn cùng thực hành thói quen phân loại rác, bỏ rác đúng nơi quy định.

“Qua những hoạt động mà chúng em đã được tham gia tại trường và vận dụng thực hành tại nhà, lượng rác thải ra ngày càng ít đi. Chúng em đã bắt đầu hình thành các thói quen tốt như sử dụng rác thải hữu cơ để bón cho cây xanh, sử dụng giỏ đi chợ để hạn chế bao nilong, sử dụng bình nước cá nhân để hạn chế chai nhựa, ... Chúng em cảm thấy rất vui và tự hào vì những việc mình làm dù rất nhỏ nhưng mang lại ý nghĩa lớn khi được đóng góp một phần công sức của mình vào việc giảm thải rác thải nhựa, bảo vệ môi trường.”- em Hạnh chia sẻ.

3.-le-hong-phong_bao-cao-tham-luan-truong-hinh-anh-20.jpg
Các em học sinh trường THCS Lê Hồng Phong (Đà Nẵng) rất hào hứng với những tiết học về kỹ năng sống xanh

Cũng được chọn tham gia thí điểm chương trình Trường học xanh, ngay từ đầu năm, Trường THCS Lê Hồng Phong (quận Hải Châu) đã xây dựng kế hoạch cụ thể, lập ban chỉ đạo và có các quy định giảm thải nhựa để phổ biến đến các học sinh, phụ huynh.

Nhà trường cũng thực hiện đồng thời củng cố hệ thống cơ sở vật chất để phục vụ cho mô hình Trường học xanh như như thay thế các sản phẩm dùng một lần, trang bị hệ thống lọc nước để lấy nước vào bình cá nhân, dán nhãn phân loại cho các thùng rác lớp học phù hợp với cách phân loại và xử lý của nhà trường, kiểm toán rác, theo dõi lượng rác phát sinh trong trường hàng tháng; tổ chức giải bóng đá không sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần; lễ hội ẩm thực hạn chế rác… chú trọng thực hành hình thành thói quen cho các em trong việc quản lý rác thải, có cách ứng xử phù hợp với rác thải góp phần xây dựng môi trường học tập xanh – sạch – đẹp -an toàn. Điều đáng mừng là qua mỗi lần kiểm kê rác định kỳ, lượng rác thải và đặc biệt là rác thải nhựa trong trường giảm đi đáng kể.

Thầy Đặng Ngọc Lam, Hiệu trưởng THCS Lê Hồng Phong (quận Hải Châu) chia sẻ: “Chúng tôi muốn các em hiểu được rằng học giỏi thôi chưa đủ mà cần phải có các kỹ năng. Qua chương trình này, các em đã biết cách để bảo vệ môi trường, bảo vệ chính sức khỏe của mình. Điều quan trọng nhất chính là nhận thức của các em về bảo vệ môi trường đã thay đổi tích cực, tạo điều kiện hình thành một thế hệ tương lai sống thân thiện, có trách nhiệm với môi trường”.

3.-le-hong-phong_bao-cao-tham-luan-truong-hinh-anh-19.jpg
Học sinh THCS Lê Hồng Phong (Đà Nẵng) thực hành kiểm toán rác thải

Tương tự, cô Trần Thị Hiền, Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái (quận Ngũ Hành Sơn) cho biết, việc phân loại rác đúng cách, tái chế vật liệu,… không chỉ giúp học sinh hiểu sâu quy trình, giảm thiểu rác thải mà còn kích thích khả năng sáng tạo và tư duy xanh. Để giảm rác thải ra môi trường, đơn vị đã chủ động phân loại rác và dành một khoảng đất trống trong trường để đào hố, ủ rác hữu cơ. Những sản phẩm này sẽ là phân hữu cơ cho vườn rau của trường.

Nhân rộng mô hình

Hòa Vang là một trong 5 quận, huyện trên địa bàn Đà Nẵng triển khai thí điểm Trường học Xanh ở 3 trường TH và 2 trường THCS. Trước đó, tính đến năm 2019, địa phương này đã có 19/19 trường TH được công nhận Trường học Xanh theo Bộ Tiêu chuẩn do UBND TP Đà Nẵng ban hành năm 2014. Theo ông Huỳnh Tấn Bôn, Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Hòa Vang, đó là tiền đề để địa phương tiếp tục triển khai và lan tỏa mô hình này.

Phòng TN&MT hỗ trợ tập huấn về ủ phân vi sinh cho các đơn vị trường học tham gia chương trình Trường học Xanh nhằm xử lý rác hữu cơ (chủ yếu là lá cây); hỗ trợ kinh phí xây dựng hố ủ phân tại các trường học.

screenshot-9-.png
Triển khai mô hình Trường học Xanh đã tạo ra những thói quen xanh cho học sinh

“Các trường đều rất chủ động trong việc triển khai xây dựng Trường học Xanh theo hướng chú trọng đến công tác thực hành để học sinh nâng cao kiến thức, hình thành thói quen xanh, có cách ứng xử phù hợp với rác thải”, ông Bôn nói.

Ông Đặng Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng đánh giá cao những kết quả đạt được sau 8 tháng thực hiện thí điểm mô hình trường học xanh tại 20 trường TH, THCS trên địa bàn 5 quận, huyện. Trên cơ sở này, địa phương hướng đến triển khai nhân rộng mô hình trường học xanh đến các trường THCS, THPT trên địa bàn, góp phần đưa giáo dục môi trường vào trường học hiệu quả thiết thực.

Theo ông Đặng Quang Vinh, đây là 1 trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần thúc đẩy công tác quản lý chất thải rắn nói chung và phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn nói riêng, thực hiện hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản liên quan đến triển khai phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố.

“Trường học xanh giảm thiểu rác thải” là mô hình hoạt động thuộc chương trình “Thành phố sạch, đại dương xanh” (chương trình CCBO) do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ. Có 20 trường học tại 5 quận, huyện gồm: Hải Châu, Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn, Hòa Vang tham gia triển khai thí điểm mô hình, được đánh giá theo 4 tiêu chí chính gồm: Chính sách quản lý, cơ sở vật chất, giáo dục truyền thông và thực hành xanh. Tiêu chí thực hành xanh nhằm đánh giá mức độ tham gia của học sinh, giáo viên trong việc tích cực tham gia các hoạt động giảm rác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Tạo dựng “tư duy xanh” cho thế hệ tương lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO