Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 TP. Đà Nẵng cho biết, trong ngày 21/7, thành phố ghi nhận 28 ca mắc mới. Trong đó 16 bệnh nhân là trường hợp F1 đã được cách ly tập trung khi phát hiện dương tính; 12 bệnh nhận tại cộng đồng chưa được cách ly khi phát hiện dương tính. Cộng dồn từ ngày 10/7- 21/7 cả thành phố ghi nhận 279 ca mắc COVID-19.
Trong loạt chuỗi lây nhiễm đợt bùng phát dịch đợt này, ngoài Công ty Việt Hoa (KCN Hòa Khánh) được đánh giá mức nguy cơ rất cao với 115 ca mắc, hiện thành phố ghi nhận thêm các chuỗi lây nhiễm mới ở mức nguy cơ cao gồm: Bệnh nhân T.Đ.S, trú tổ 30 Hoà Hải, quận Ngũ Hành Sơn; hộ gia đình ở Vĩnh Trung, Xuân Hà, Nại Hiên Đông; bệnh nhân L.V.T, Bàu Trảng 7, tổ 3, Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê; bệnh nhân L.V.T ở Hòa Nhơn, Hòa Vang.
Phường Thạc Gián đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 |
Hiện thành phố đang thực hiện cách ly, giám sát 2.610 trường hợp F1 và 3.403 trường hợp F2. Trong ngày có 56.327 số lượt người được xét nghiệm. Đây được xem là số kỷ lục của về số lượng mẫu được xét nghiệm trong ngày tại thành phố.
Trước tình hình có nhiều ca mắc mới trong cộng đồng, ngày 21/7 Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP. Đà Nẵng đã thống nhất đẩy mạnh thực hiện giãn cách xã hội trên toàn địa bàn với việc bổ sung nhiều biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm khống chế đẩy lùi dịch bệnh.
Theo đó, bắt đầu từ 12 giờ trưa mai, 22/7, người dân sẽ được yêu cầu ở nhà, chỉ được ra khỏi nhà để đi làm việc tại các cơ quan, công sở nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện hoặc để mua các lương thực thực phẩm, thuốc men, khám chữa bệnh, cấp cứu nhưng phải giữ khoảng cách 2 mét khi giao tiếp; không được tập trung quá 2 người ngoài khu vực công sở, bệnh viện, nhà máy.
Các hoạt động thể dục thể thao trong nhà, ngoài trời, kể cả việc đi bộ, đạp xe thể dục đều được yêu cầu tạm dừng.
Thành phố yêu cầu dừng tất cả các hoạt động kinh doanh không thiết yếu. Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động nhưng phải thực hiện nghiêm nguyên tắc “5K".
Người người dân sẽ được yêu cầu ở nhà, chỉ được ra khỏi nhà để mua các lương thực thực phẩm |
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ liên quan trực tiếp đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp như công chứng, luật sư, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, dịch vụ xuất nhập khẩu hàng hóa, khám chữa bệnh, mai táng…được hoạt động.
Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bảo đảm phương châm 3 tại chỗ. Các chợ hoạt động giãn cách, tiếp tục sử dụng thẻ đi chợ theo tần suất, tạm dừng kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu tại chợ, siêu thị.
Các cơ quan, công sở bố trí công chức, viên chức làm việc không quá 50% số người, tạm dừng các cuộc họp không cần thiết; đối với những cuộc họp cần thiết thì không quá 20 người và bố trí chỗ ngồi cách nhau trên 2 mét.
Đà Nẵng cũng yêu cầu tạm dừng hoạt động shipper, grab để phòng dịch |
Tạm dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng; dừng việc giao nhận hàng hóa như shipper, grab, xe kinh doanh dưới 9 chỗ ngồi. Các gia đình không tổ chức sinh hoạt đông người như sinh nhật, tiệc tùng. Các đám tang không được kéo dài quá 48 tiếng đồng hồ, không được tập trung quá 20 người.
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết: Ban Chỉ đạo phòng chống dịch thống nhất các biện pháp này nhằm thực hiện việc giãn cách xã hội triệt để, mạnh mẽ hơn để sớm kiểm soát và chặt đứt chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng. 4 phường đã thực hiện đã thực hiện Chỉ thị 16 trước đây thì nay tiếp tục thực hiện theo quy định mới này. Các khu phong tỏa tiếp tục thực hiện chặt chẽ “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
"Thành phố không thực hiện Chỉ thị 16 mà chỉ áp dụng thêm một số biện pháp mạnh cho phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay. Nếu thực hiện nghiêm túc, đạt kết quả tốt, thành phố sẽ sớm chuyển trạng thái nới lỏng dần các quy định trên địa bàn", ông Lê Trung Chinh cho biết.