Đây là hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng, tổ chức, cá nhân về hoạt động tiết giảm, tái sử dụng và tái chế rác thải (gọi tắt 3R), hướng tới thay đổi hành vi bảo vệ môi trường, đưa 3R trở thành thói quen hàng ngày trong cuộc sống người dân. Từng bước xây dựng lối sống mới trong người dân đô thị thông qua phân loại rác tại nguồn và đạt mục tiêu xây dựng Thanh Khê trở thành quận môi trường, góp phần xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường vào năm 2020. Tuyên truyền chủ trương, chính sách về Chống rác thải nhựa, giảm thiểu tối đa lượng rác thải nhựa phát sinh trên địa bàn quận. Thúc đẩy xã hội hóa, tạo cầu nối giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường.
Theo đó, trước khi diễn ra ngày hội, UBND 10 phường trên địa bàn quận Thanh Khê đã đã tổ chức hoạt động thu gom chất thải nguy hại tại hộ gia đình, triển khai các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về chủ trương phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, Phong trào “Chống rác thải nhựa” tại địa phương. Đồng thời, tổ chức tập huấn, tuyên truyền về 3R cho các đối tượng tuyên truyền nòng cốt tại phường.
Tại ngày hội, mỗi phường có 1 gian hàng để trưng bày các sản phẩm tái chế và tiến hành thu đổi chất thải rắn sinh hoạt tái chế cho người dân. Ngoài ra còn có 1 gian hàng thu gom chất thải rắn sinh hoạt nguy hại nhằm triển lãm, tuyên truyền về tác hại của chất thải rắn sinh hoạt nguy hại, cách nhận biết và hướng dẫn thực hành các giải pháp 3R đối với chất thải rắn sinh hoạt nguy hại phát sinh tại hộ gia đình; đồng thời thu đổi các chất thải rắn nguy hại từ hộ gia đình.
Hiện nay, mỗi ngày, TP. Đà Nẵng phát sinh khoảng 1.100 tấn chất thải rắn sinh hoạt với tỷ lệ gia tăng trung bình 8 -10%/năm, dự kiến đến năm 2025 sẽ đạt trên 1.800 tấn/ngày. Trong đó, hơn 90% CTRSH thu gom được đều xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, chỉ có một lượng nhỏ chất thải rắn sinh hoạt được phân loại để tái chế, tái sử dụng.
Ông Lê Trung Minh Tân - Trưởng phòng Tài Nguyên và Môi trường quận Thanh Khê cho biết, Sau 10 năm triển khai thực hiện đề án xây dựng Thành phố môi trường, Đà Nẵng đã đạt được 7/10 tiêu chí đã đề ra. Tuy nhiên, thực tiễn phát triển “nóng” đang khiến cho thành phố phải đối diện với nhiều bất cập. Một trong những khâu trọng yếu được thành phố xác định chính là công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, vấn đề sử dụng túi nilon khó phân hủy và rác thải nhựa. Thành phố đang triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm tỷ lệ chất thải rắn chôn lấp và tăng hiệu quả tái sử dụng, tái chế chất thải, giảm dần tỷ lệ chôn lấp xuống còn 20% đến năm 2025. Để làm được điều này, khâu đầu tiên là phải thực hiện tốt phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn.
“UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố đến năm 2025 với mục tiêu đề ra là phấn đấu tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được tái chế, tái sử dụng đạt ít nhất 15% vào năm 2025. Thực hiện chủ trương, kế hoạch của thành phố, UBND quận Thanh Khê, cũng ban hành kế hoạch Phân 1oại chất thải rắn sinh hoạt 10/10 phường và đây được chọn là 1 trong 3 nhìệm vụ trọng tâm năm 2019”, ông Tân cho biết thêm.
Trong thời gian qua, UBND quận Thanh Khê cũng đã có nhiều hoạt động phân loại rác tại nguồn và chống rác thải nhựa như dùng túi nilon thân thiện môi trường tại các chợ trên địa bàn quận, thu đổi rác tài nguyên tại các phường, triển khai dự án phân loại rác tại nguồn tại 2/10 phường… Các hoạt động đã góp phần nâng cao nhận thức người dân cũng như góp phần hoàn thành kế hoạch thành phố đề ra.