Đà Nẵng: Sổ đỏ của người dân chung cư F-Home đang ở đâu?

Lan Anh - Quyết Thắng| 18/01/2022 08:38

(TN&MT) - Gần 2 tháng sau khi Thanh tra TP.Đà Nẵng kết luận hàng loạt sai phạm trong QLDA đầu tư, xây dựng và cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà (sổ đỏ) tại chung cư F-Home, đến nay công tác khắc phục dường như vẫn “giậm chân tại chỗ”. Chủ đầu tư là Công ty CP Lương thực Đà Nẵng không thực hiện nghĩa vụ bàn giao sổ đỏ cho các cư dân F-Home.

Sổ đỏ ở két sắt Công ty hay đang là tài sản đảm bảo tại ngân hàng?

Sau loạt bài phản ánh của Báo TN&MT về thực trạng Công ty CP Lương thực Đà Nẵng (DanaFood) “trây ỳ” bàn giao sổ đỏ cho người dân tại chung cư F-Home, Thanh tra TP. Đà Nẵng đã vào cuộc và chỉ ra hàng loạt các sai phạm đã tồn tại dai dẳng nhiều năm nay. Đồng thời, yêu cầu các Sở, ngành khắc phục các vi phạm để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân. Thế nhưng sự việc dường như đang đi vào bế tắc khi nhóm phóng viên Báo TN&MT bất ngờ phát hiện Chủ đầu tư (CĐT) đang có dấu hiệu lừa dối người dân.

Cư dân F-Home liên tục chăng băng rôn yêu cầu Chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm

Theo nguồn tin riêng mà Báo TN&MT có được, Toà án nhân dân quận Hải Châu (Đà Nẵng) vừa ra thông báo thụ lý vụ án Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương tín (VietBank) khởi kiện DanaFood về việc “Tranh chấp Hợp đồng tín dụng”. Trong đó, VietBank yêu cầu: Toà án buộc DanaFood phải thanh toán số tiền tạm tính đến ngày 09/6/2021 là gần 120,9 tỉ đồng bao gồm cả nợ gốc, nợ lãi trong hạn và tiền lãi phạt. Trong trường hợp DanaFood không thanh toán hết khoản nợ nêu trên thì VietBank có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý các tài sản bảo đảm là 81 căn hộ thuộc chung cư F-Home.

Vụ việc khởi kiện này đặt ra câu hỏi phải chăng DanaFood đang cố tình lừa dối người dân, sử dụng 81 sổ đỏ căn hộ chung cư F-Home làm tài sản bảo đảm thế chấp để vay nợ ngân hàng? Và đây có thể mới là lý do thực sự của việc trây ỳ không bàn giao sổ đỏ căn hộ suốt thời quan qua, gây muôn vàn khó khăn cho người dân tại chung cư F-Home?

Thời gian qua, CĐT luôn đưa ra lý do cho rằng Sở TN&MT và Sở Xây dựng Đà Nẵng tạm dừng cấp sổ đỏ cho khoảng 100 hộ dân còn lại với lý do chưa hoàn thiện bãi đỗ xe theo quy định, vậy nhưng người dân vẫn luôn nghi ngờ thực sự còn lý do nào khác không?

Ông Nguyễn Đức Hùng, Trưởng Ban quản trị của chung cư F-Home cho biết, ngay sau khi Hội nghị nhà chung cư do CĐT tổ chức vào ngày 26/12/2021 vừa qua bất thành, cư dân F-Home đã kéo lên văn phòng của Công ty DanaFood yêu cầu làm rõ các sổ đỏ mà CĐT đang giữ hiện nay ở đâu? Đại diện Công ty cho biết, sổ đỏ của cư dân đang nằm trong két sắt của Công ty và không thể cho người dân tiếp cận. Cư dân đề nghị mở két sắt ra chỉ để xem sổ, không động chạm nhưng cũng không được chấp thuận.

Hội nghị nhà chung cư do CĐT tổ chức vào ngày 26/12/2021 vừa qua bất thành với nhiều mâu thuẫn trong giải quyết các vấn đề giữa CĐT và các cư dân

Phải chăng CĐT đang cố tình gian dối trong lời nói của mình chỉ để trấn an người dân, còn thực chất sổ đỏ đang bị CĐT mang đi làm tài sản bảo đảm thế chấp tại ngân hàng? Nếu việc này là đúng, thì đây là dấu hiệu vi phạm pháp luật của CĐT cần được các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ nhằm đảm bảo đúng các quy định của pháp luật cũng như quyền lợi của cư dân.

CĐT có dấu hiệu vi phạm hình sự

Trao đổi về việc CĐT ký hợp đồng chuyển nhượng/bán căn hộ cho khách hàng nhưng sau đó lại tự ý đem sổ đỏ đi thế chấp ngân hàng, ThS. Luật sư Sần Ngọc Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Luật Toàn Tâm Tín cho hay, sổ đỏ là giấy tờ pháp lý để nhà nước xác nhận chủ quyền của một cá nhân, tổ chức đối với căn nhà (bất động sản) của mình. Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở là cơ sở pháp lý để chủ sở hữu nhà thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình đối với nhà ở đó theo quy định của pháp luật, trong đó có quyền chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất,…

Như vậy, trong trường hợp CĐT ký hợp đồng chuyển nhượng/bán căn hộ cho khách hàng và khách hàng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp sổ đỏ, sau đó CĐT thay vì bàn giao sổ cho khách hàng thì lại tự ý đem sổ đỏ của khách hàng đi thế chấp ngân hàng mà không được sự đồng ý của khách hàng là có dấu hiệu vi phạm pháp luật, có dấu hiệu của Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Nếu tài sản mà CĐT chiếm đoạt trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Luật sư Sần Ngọc Toàn nhận định, như trường hợp ở chung cư F-Home, có thể thấy CĐT DanaFood là người đang cầm giữ, quản lý sổ đỏ của người dân sinh sống tại đây nhưng khi khách hàng yêu cầu trả (đến thời hạn trả theo thỏa thuận trong Hợp đồng chuyển nhượng/mua bán), nhưng không những không trả mà còn có hành vi tự ý đem đi thế chấp tại ngân hàng, gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng, hạn chế các quyền về tài sản của khách hàng.

ThS. Luật sư Sần Ngọc Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Luật Toàn Tâm Tín nhận định, CĐT có dấu hiệu vi phạm hình sự khi không bàn giao sổ đỏ mà đem thế chấp ngân hàng.

Luật sư Toàn cho rằng có thể coi hành vi của DanaFood, CĐT chung cư F-Home đã gián tiếp sử dụng tài sản của khách hàng vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. Thực tế do sự ràng buộc của quan hệ tín dụng giữa CĐT với ngân hàng tại các Hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp, các văn bản tín dụng khác dẫn đến nay không thể trả sổ đỏ cho khách hàng để được thực hiện các quyền sở hữu/sử dụng của mình.

Để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân chung cư F-Home, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng TP. Đà Nẵng, nhất là Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Đà Nẵng cần sớm vào cuộc điều tra, xác minh làm rõ và cần có những biện pháp xử lý kiên quyết đối với CĐT nếu phát hiện hành vi lợi dụng việc quản lý sổ đỏ để cố tình không trả, gây thiệt hại cho khách hàng. Đối với những vụ việc có tính chất mức độ nghiêm trọng cần tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng: Sổ đỏ của người dân chung cư F-Home đang ở đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO