Cử tri Phùng Phú Phong nêu thực trạng phát triển đô thị khu vực bãi biển phía Đông quá nhanh, hệ thống thu gom nước thải quá tải. “Chỉ tính riêng từ tháng 4/2018 đến nay, có hơn 200 sự cố nước thải gây ô nhiễm biển. UBND thành phố đã có giải pháp gì? Trách nhiệm ra sao?”- ông Phong chất vấn. Đồng quan điểm, một số ý kiến cử tri cho rằng tình trạng xả thải ra biển đang ở mức đáng báo động, đề nghị thành phố phải có giải pháp xử lý triệt để.
Trả lời cử tri, ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng cho biết, tại khu vực biển phía Đông thành phố đã có sự thay đổi chức năng phân khu quá lớn. Hiện có hơn 400 cơ sở lưu trú với hơn 1.800 phòng. Từ năm 2010 đến nay, có 200 cơ sở được cấp phép đấu nối, nhưng khi kiểm tra có đến 50% cơ sở được kiểm tra không có đấu nối đảm bảo và chỉ có 13,8% cơ sở kiểm tra đảm bảo điều kiện.
“Việc cấp phép hoạt động quá lớn, quá nhanh nhưng không có cơ chế giám sát và gần như không ai kiểm soát việc thu gom, xử lý xả thải tại đây. Tuy nhiên, nếu so với các năm trước bình quân 100 đến 120 lần sự cố/cửa xả thì số lần sự cố đã giảm đi nhờ trong thời gian qua đã có những biện pháp xử lý khắc phục”, ông Hùng nói thêm. Cũng theo ông Hùng, đối với các cơ sở kinh doanh không đảm bảo các điều kiện về môi trường, quan điểm của Sở là xử lý nghiêm, rút giấy phép đối với các cơ sở kinh doanh không có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).
Liên quan đến Dự án cải thiện môi trường nước ven biển phía đông, ông Tô Văn Hùng cho biết thêm, hiện trên có 16 cống xả thải cùng chung tình trạng nước thải đổ xả ra biển. Để cải thiện tình trạng này, Ban Quản lý dự án Cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng đang thực hiện Dự án với quy mô đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. “Tuy nhiên, việc đưa hệ thống này vào hoạt động thì không thể giải quyết dứt điểm tình trạng nước xả thải qua cửa thải ra biển, nhất là khi có trời mưa do có nhiều vấn đề. Chúng ta chỉ có thể hạn chế chứ không thể giải quyết hoàn toàn, dứt điểm không cho nước thải chảy ra biển”, ông Hùng nói.
Ông Nguyễn Nho Trung - Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng khẳng định với cử tri, đến tháng 9/2019, các nhà hàng, khách sạn phải có ĐTM, nếu không sẽ đóng cửa, rút giấy phép. “Trách nhiệm thuộc về ai? Thuộc về chính quyền chứ ai. Chúng ta cần phải làm, làm thật nghiêm và quyết liệt”, ông Trung nhấn mạnh.
Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng Nguyễn Nho Trung nêu rõ trách nhiệm của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khi để xảy ra tình trạng quá tải, ô nhiễm trên địa bàn. Tất cả vấn đề ô nhiễm, xử lý rác thải trên địa bàn thành phố là trách nhiệm của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, cần sự tham gia của các đơn vị liên quan, phối hợp để giải quyết”, ông Trung nói.
Như chúng tôi đã thông tin trước đó, trước thực trạng nước thải ô nhiễm ào ạt chảy ra biển ngày một nhiều mỗi khi có mưa lớn, để tìm hiểu nguyên nhân nguồn gốc lượng nước thải trên, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng đã tiến hành kiểm tra và phát hiện loạt khách sạn lớn dọc tuyến đường biển Võ Nguyên Giáp (quận Sơn Trà, quận Ngũ Hành Sơn) có nhiều sai phạm liên quan đến hồ sơ môi trường, cấp phép đấu nối xử lý nước thải, khai thác nước dưới đất...
Theo đó, các khách sạn bị đề nghị xử phạt về nước thải gồm: khách sạn Balcona Đà Nẵng, TMS Luxury, Risemount Premier Đà Nẵng, Parosand Đà Nẵng, Paris DeliLuxtery, Sea Castle 2, Lê Hoàng, Hùng Anh, Zentimeter, Parze Ocean, Misa, Sea Front.
Cùng với đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND TP. Đà Nẵng chỉ đạo Sở Xây dựng, UBND quận Sơn Trà, quận Ngũ Hành Sơn xem xét, xử lý vi phạm đối với hàng loạt trường hợp vi phạm về cấp phép xây dựng. Trong đó, bốn khách sạn tăng thêm phòng lưu trú gồm: khách sạn Golden Star (từ 49 lên 60 phòng), Aria Grand Hotel (từ 40 lên 73 phòng), Aria (tăng từ 48 lên 69 phòng), Queen’s Finger Hotel (từ 49 lên 54 phòng).
Ngoài ra, tại quận Ngũ Hành Sơn và quận Sơn Trà có hàng chục khách sạn vi phạm những nội dung khác như chưa có hồ sơ đấu nối thoát nước thải, không đúng cam kết tại hồ sơ môi trường đã được phê duyệt, khai thác nước dưới đất nhưng không đăng ký, không có giấy phép xây dựng...
Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng, để tăng cường công tác giám sát, kiểm soát nguồn thải đối với nhà hàng, khách sạn khu vực ven biển thời gian tới, Sở này đề nghị UBND TP. Đà Nẵng giao: Sở Xây dựng, Sở Tài chính, UBND các quận Sơn Trà, quận Ngũ Hành Sơn tổ chức thực hiện kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Báo cáo kết quả thực hiện về UBND TP. Đà Nẵng trước ngày 30/12/2019.
Được biết, thời gian qua, vấn đề ô nhiễm môi trường ở khu vực biển TP. Đà Nẵng luôn nhức nhối và được dư luận quan tâm. Việc loạt khách sạn cao tầng dọc tuyến biển được xây dựng cũng trở thành áp lực cho hệ thống xử lý nước thải, bảo vệ môi trường của khu vực. Trước đó, các cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần xử phạt các công trình khách sạn này vi phạm, xả nước thải ra môi trường, xả nước thải gây tràn ra biển...