(TN&MT) - Người dân dưới chân cầu vượt Ngã Ba Huế (Đà Nẵng) vô cùng bức xúc vì nhiều năm nay phải sống chung với bãi rác thải bốc mùi hôi, gây ô nhiễm môi trường, làm mất cảnh quan và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của họ.
Cầu vượt 3 tầng ngã ba Huế được xem là 1 trong những công trình ấn tượng của TP. Đà Nẵng với vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng. Đây cũng là cây cầu vượt 3 tầng đầu tiên ở Việt Nam. Thế nhưng, khoảng 2 năm trở lại đây, ở chân cầu vượt lại trở thành nơi tập kết bãi rác tự phát. Thậm chí, ngay dưới băng rôn tuyên truyền lại đầy rác thải do người dân thiếu ý thức đổ trộm…
Bà Nguyễn Thị Lan, sống gần bãi rác cho biết, tình trạng phế thải tập kết vô tội vạ tại khu vực này diễn ra từ khi cây cầu vượt mới bắt đầu thi công (năm 2013). Đa số đều do người dân khu vực khác lén lút đổ ra vào ban đêm khi không ai nhìn thấy. Một người đổ được thì rất nhiều người tưởng đây là bãi rác cũng đổ theo, dần dần biến chân cầu vượt thành bãi chứa rác.
“Nhiều hôm tôi đi qua, thấy cả xác gia súc, gia cầm chết bị vứt lại, phân hủy, bốc mùi hôi thối kinh khủng. Mỗi lần đi qua nơi này, tôi đều mang khẩu trang. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền nhưng vẫn không xử lý triệt để. Nên cứ sau vài ba hôm dọn dẹp, núi rác lại cao thêm”- bà Lan cho biết.
Ông Nguyễn Bảo Hưng (Tổ trưởng Tổ 1, phường Hòa An) cho biết: Đây vốn là khu đất thuộc xưởng giấy phường An Khê (cũ), sau khi giải tỏa dự án nút giao thông ngã ba Huế, trở thành đất của phường Thanh Khê Tây và là khu đất trống sau giải tỏa. Đất là của thành phố quản lý, không thuộc trách nhiệm của phường nên không thể xử lý được, chính quyền phường đã ghi nhận và cũng đã gửi báo cáo lên cấp cao hơn để xem xét.
Theo ông Hưng, để hạn chế ô nhiễm, người dân trong tổ dân phố tự kêu gọi, vận động và tổ chức dọn dẹp nhưng cũng chỉ có cách đốt, và cào tấp rác vào một chỗ. Số lượng rác quá nhiều, mỗi lần đốt thì khói bốc nghi ngút, mà rác thì toàn bao ni lông, xác động vật...
“Người dân chỉ biết mong là ở cấp trên sớm có biện pháp giải quyết, để tình trạng này không kéo dài thêm nữa. Giúp người dân sống ở đây bớt lo lắng, cũng như để làm đẹp cảnh quan, không làm ô nhiễm môi trường thêm nữa vì thành phố chúng ta đang xây dựng một thành phố trong lành, sạch đẹp”- ông Hưng mong mỏi.
Hình ảnh bãi rác “bất đắc dĩ” án ngữ nhiều năm qua khiến người dân vô cùng bức xúc: