Đà Nẵng Ngày ấy - bây giờ

Thanh Hải| 29/04/2021 15:24

(TN&MT) - Đà Nẵng có gốc từ tiếng Chăm: Danak hay Darak, có nghĩa là cửa sông tiếp giáp với biển hay sông lớn, dần dần người Kinh đọc trại ra thành Đà Nẵng. Theo dòng thời gian, Đà Nẵng còn có những danh xưng như Kẻ Hàn (Kean), Cửa Hàn, Touron, Tourane, Thái Phiên…

Dưới thời chúa Nguyễn từ thế kỷ XVI - XVIII, Đà Nẵng đã trở thành một thương cảng và là một tiền cảng của cảng thị Hội An, được người Bồ Đào Nha gọi là Turão và người Tây Ban Nha gọi là Touron.

Các tàu buôn lớn của các nước phương Tây có tải trọng cao không thể cập bến cảng Hội An thông qua cửa biển Cửa Đại mà phải vào cảng Đà Nẵng để bốc dỡ hàng hóa xuống tại đây và vận chuyển từng phần bằng các đội thuyền nhỏ theo sông Cổ Cò - Đế Võng để đến Hội An.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Quảng Nam và Đà Nẵng là hai đơn vị hành chính độc lập. Qua nhiều lần chia tách và hợp nhất, sau ngày miền Nam được giải phóng, UBND Cách mạng Khu Trung Trung Bộ đã ra Quyết định số 119/QĐ ngày 4/10/1975, hợp nhất tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng thành tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Tại Kỳ họp thứ X của Quốc hội khóa IX (tháng 10 và 11/1996), tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng được tách ra làm hai đơn vị hành chính: tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng trực thuộc Trung ương.

Ngày 15/7/2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 145/2003/QĐ-TTg công nhận Đà Nẵng là đô thị loại I trực thuộc Trung ương. Thành phố Đà Nẵng với 5 quận và 2 huyện, 33 phường, 14 xã, có diện tích 1.256k m2, dân số khoảng 800.000 người.

Đà Nẵng trước năm 1975 (Ảnh tư liệu)

Đà Nẵng được thiên nhiên ưu đãi có cảng nước sâu Tiên Sa, một trong những cảng quan trọng nhất khu vựcTrung Bộ, là đầu mối giao thông quan trọng của Hành lang kinh tế Đông - Tây. Phía Bắc có danh thắng Hải Vân được mệnh danh là "Thiên hạ đệ nhất hùng quan" cùng với Di tích Ải Vân quan; phía Tây có Bà Nà - Núi Chúa với Khu du lịch sinh thái Bà Nà - Suối Mơ, Khu nghỉ dưỡng Sun World Bà Nà Hills với Cầu Vàng - kỳ quan Thế giới mới và nhiều tuyến cáp treo đạt kỷ lục thế giới. Phía Đông Bắc là bán đảo Sơn Trà với 400 ha rừng nguyên sinh gồm nhiều động thực vật phong phú và Chùa Linh Ứng - Bãi Bụt linh thiêng; phía Đông Nam có danh thắng Ngũ Hành Sơn - Di tích cấp quốc gia đặc biệt, nổi tiếng với nhiều hang động như: động Huyền Không, động Quan Thế Âm, Vọng hải đài, Vọng giang đài… và các ngôi chùa Linh Ứng Non Nước, Tam Thai cổ kính.

Đà Nẵng có bờ biển dài 74 km, không chỉ có một ngư trường rộng lớn để khai thác nguồn lợi thủy sản, mà còn có nhiều bãi biển đẹp và hấp dẫn du khách như: Nam Ô, Xuân Thiều, Mỹ Khê, Tiên Sa, Non Nước... Trong đó, bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng) được Tạp chí Forbes (Mỹ) bình chọn là một trong sáu bãi biển quyến rũ nhất hành tinh.

Năm 1997, Đà Nẵng có khoảng 650 nhà chồ, tập trung ở các phường An Hải Tây, An Hải Bắc và Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà), bờ Đông sông Hàn heo hắt đìu hiu, tương phản với bờ Tây sông Hàn: “Ở bên ni Hàn, ngó qua bên tê Hà Thân thấy nước xanh như tàu lá/ Ở bên tê Hà Thân, ngó qua bên ni Hàn thấy phố xá nghênh ngang…”. Khi tách tỉnh, Đà Nẵng tiến hành giải tỏa các nhà chồ và xây dựng cầu sông Hàn, hạ tầng giao thông ngày càng hiện đại với những tuyến đường mới khang trang. Bờ Đông vươn mình khoác màu áo mới, để Sơn Trà hôm nay trở thành trung tâm du lịch của thành phố với những điểm đến hấp dẫn thu hút ngày càng đông du khách thập phương.

Tính đến nay, có 6 cây cầu bắc qua sông Hàn tạo điểm nhấn về kiến trúc cảnh quan đô thị, đồng thời giữ vai trò là các tuyến giao thông quan trọng của thành phố. Trong đó, cầu Rồng - top 30 cầu đẹp, ấn tượng nhất thế giới, cầu Sông Hàn, cầu Thuận Phước, cầu Nguyễn Văn Trỗi… còn là địa điểm tham quan lý tưởng đối với du khách trong và ngoài nước khi đến Đà Nẵng.

Cầu Rồng (Đà Nẵng) được chính thức thông xe, đưa vào sử dụng ngày 29/3/2013.

Với việc quy hoạch, chỉnh trang đô thị được chú trọng đầu tư mở rộng, nâng cấp, hai tuyến đường dọc sông Hàn là Bạch Đằng và Trần Hưng Đạo giờ đây đã kín những ngôi nhà cao tầng, các công trình tầm cỡ... Bến cảng ngày trước giờ là bến thuyền thu hút nhiều du khách, góp phần đa dạng hóa hình thức du lịch cho địa phương.

Dọc hai bờ sông Hàn dần hình thành các khu dịch vụ thương mại - du lịch, kết cấu hạ tầng được nâng cấp và chỉnh trang đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng phúc lợi công cộng và nâng cao điều kiện sống của nhân dân. Nơi đây, đồng thời thu hút đầu tư vào các lĩnh vực hoạt động văn hóa du lịch như xây dựng khu phức hợp thể thao, sân khấu biểu diễn ngoài trời, trung tâm thương mại...

Gần 25 năm nhìn lại với những đổi thay tích cực của thành phố bên sông Hàn, không thể không nhắc đến công lao của cả bộ máy chính quyền cùng toàn thể người dân nơi đây. Theo đó, chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã tạo sự đồng thuận đối với người dân trong việc xã hội hóa, đóng góp xây dựng nhiều công trình và dự án quan trọng.

Đà Nẵng cũng đề ra Chương trình Thành phố “5 không” (không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy không được kiểm soát trong cộng đồng, không có giết người cướp của), “3 có” (có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn minh đô thị), “4 an” (an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, an sinh xã hội) làm cho sự phát triển thành phố ngày càng ổn định, bảo đảm chất lượng cuộc sống an bình cho người dân và du khách khi đến Đà Nẵng, trở thành Thành phố đáng sống của Việt Nam.

Trong suốt 16 năm thực hiện điều tra Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Đà Nẵng có 7 năm đứng vị trí thứ nhất, 3 năm đứng vị trí thứ nhì và 4 năm đứng vị thứ năm cả nước. Năm 2020, Đà Nẵng xếp thứ năm PCI với 70,12/100 điểm, thuộc nhóm “Rất tốt”.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh các nước ASEAN lần thứ 17 tại Indonesia ngày 23/11/2011, Đà Nẵng là thành phố thứ 2 của Việt Nam được trao tặng Giải thưởng ASEAN về thành phố bền vững môi trường. Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng được công nhận là một trong 20 thành phố sạch nhất thế giới do hàm lượng carbon trong khí thải ra môi trường thấp nhất.

Đà Nẵng cũng vào top “100 thành phố có khả năng chống chịu” trên thế giới do Quỹ Rockefeller (Hoa Kỳ) bầu chọn.

Đà Nẵng còn nhận nhiều giải thưởng: “Phong cảnh thành phố châu Á năm 2013”, “Top 10 điểm đến hàng đầu châu Á” trong 2 năm 2013 - 2014”, “Top 10 điểm đến mới nổi hấp dẫn nhất thế giới năm 2015”, “Top 10 điểm đến nghỉ dưỡng hàng đầu châu Á năm 2016”, “Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á năm 2016”

Năm 2018, Đà Nẵng cũng đã lọt Danh sách những điểm đến nên ghé thăm trước khi trở nên quá nổi tiếng và Đà Nẵng đứng thứ 5 toàn cầu và số 1 tại Đông Nam Á về thu hút khách du lịch.

Năm 2019, New York Times (Mỹ) bình chọn Đà Nẵng đứng thứ 15 trong Danh sách 52 điểm phải đến trên thế giới. Đà Nẵng đứng đầu top điểm đến 2020 của Google.

Trong năm 2020, Đà Nẵng được bình chọn là Thành phố thông minh nhất Việt Nam. Thành phố Đà Nẵng được ghi nhận thành tựu nổi bật ở nhiều hạng mục như: Thành phố dịch vụ công thông minh; Thành phố hạ tầng số thông minh; Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Phát biểu tại buổi làm việc tại TP. Đà Nẵng ngày 10/4/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả đạt được của TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam trong thời gian qua.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Quảng Nam và Đà Nẵng là vùng đất điển hình cho tinh thần chiến đấu, hy sinh trong chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hòa bình lập lại, Quảng Nam và Đà Nẵng đã vươn lên mạnh mẽ. Hai địa phương không những phát triển du lịch mà còn tập trung vào các thế mạnh khác.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kinh tế của Quảng Nam và Đà Nẵng tăng trưởng âm. Đầu năm 2021, sau Đại hội XIII của Đảng, hai địa phương đã có bước tổ chức lại bộ máy, vì vậy có những chuyển biến đáng mừng. Vào quý I/2021, tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng có sự tăng trưởng vượt bậc.

Đà Nẵng đã chính thức ghi danh vào mục đầu tư Cảng Liên Chiểu, Quy hoạch điều chỉnh mới để công bố cho các nhà đầu tư và đặc biệt là Nghị định 19 về quy hoạch đô thị Đà Nẵng. TP. Đà Nẵng đã thu hút nhiều nhà đầu tư, đang tích cực triển khai dự án xây dựng trung tâm tài chính, thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư.

Đặc biệt, UBND TP. Đà Nẵng vừa tổ chức họp báo công bố hơn 15.000 tỷ đồng để thực hiện Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021 - 2030 như lời Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từng nói Đà Nẵng là thành phố trung tâm của miền Trung, Đà Nẵng cần có khát vọng, tạo dấu ấn riêng, trở thành nơi đáng sống; nỗ lực chung tay vào công cuộc xây dựng một Việt Nam hùng cường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng Ngày ấy - bây giờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO